Thầy cô chớ dại dột tự ý sửa điểm, nâng điểm cho học sinh

03/06/2022 07:06
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên sửa điểm sai trái là trái với quy định của pháp luật, kéo theo nhiều hệ lụy.

Những năm qua, việc giáo viên sửa điểm cho học sinh nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều bài viết phản ánh về sự việc này, chẳng hạn như:

Kiểu gian lận chỉnh sửa điểm thi ở phía Bắc xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/4/2019; Sửa điểm cho học sinh, 27 giáo viên cấp 2 Ngư Lộc (Thanh Hóa) phải làm giải trình, ngày 13/7/2021;

Một giáo viên trung học cơ sở Bình Trị Đông A (Thành phố Hồ Chí Minh) nâng điểm cho 37 học sinh vì "áp lực thi đua", ngày 21/12/2021; Học sinh trường Nguyễn Công Trứ (Thành phố Hồ Chí Minh) được "thay" điểm giữa học kỳ 2 vì lớp đổi giáo viên, ngày 28/5/2022.

Giáo viên sửa điểm sai trái là trái với quy định của pháp luật. (Ảnh chỉ có tính minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn)Giáo viên sửa điểm sai trái là trái với quy định của pháp luật. (Ảnh chỉ có tính minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn)

Không thể sửa điểm vô tội vạ cho học sinh

Giáo viên sửa điểm cho học sinh thường hay xảy ra vì một số nguyên nhân như: nhập điểm nhầm, chấm sót điểm hoặc cộng nhầm điểm thành phần, làm tròn điểm chưa chính xác, lỗi đánh máy...

Nếu giáo viên sửa lại điểm trong sổ giấy thì phải gạch bỏ điểm cũ, ghi điểm mới bằng mực đỏ, sau đó ghi chú ở cuối trang là sửa bao nhiêu điểm và kí xác nhận. Đối với sổ điểm điện tử, giáo viên cần báo cáo cho hiệu trưởng hoặc hiệu phó chuyên môn để lãnh đạo chỉ đạo nhân viên quản trị mạng nhập lại cho đúng.

Giáo viên có quyền cho phép học sinh được cải thiện điểm (thay đổi điểm) đối với những cột điểm kiểm tra thường xuyên (điểm miệng, 15 phút) theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. [1]

Trong đó, Điều 7 quy định kiểm tra, đánh giá thường xuyên: "Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định".

Dĩ nhiên thầy cô chỉ có thể cho các em cải thiện điểm số theo chừng mực nhất định, chứ không phải từ điểm kém lên điểm khá hay trung bình lên giỏi.

Còn kiểm tra giữa học kì 2 là kiểm tra định kì (hệ số 2) được quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. [2]

Kiểm tra định kì thường gọi là kiểm tra tập trung, điểm kiểm tra được nhập lên hệ thống phần mềm quản lí điểm chung của nhà trường. Nếu giáo viên chấm sai sót thì sẽ được điều chỉnh điểm với minh chứng rõ ràng theo quy định chung.

Nếu điểm kiểm tra giữa kì, cuối kì không có sai sót nhưng giáo viên vẫn chỉnh sửa là vi phạm quy chế chuyên môn, hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Sửa điểm sai trái là trái với quy định của pháp luật

Khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục, trong đó có "gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh". [3]

Chiếu theo Luật Giáo dục 2019, cá nhân tôi cho rằng, giáo viên nào có hành vi sửa điểm sai trái là trái với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục (các hành vi vi phạm về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập) như sau:

"Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. [4]

Còn Điều 15 quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, căn cứ vào mức độ, tính chất thì có thể bị xử lý mang tính nội bộ như: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ giảng dạy có thời hạn…

Sửa điểm sai trái kéo theo nhiều hệ lụy

Việc giáo viên sửa điểm sai trái cho học sinh được nhiều người cho rằng đây là "bệnh thành tích trong giáo dục". Học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở được sửa điểm để làm đẹp báo cáo, chạy theo chỉ tiêu chất lượng giảng dạy năm sau cao hơn năm trước cùng với đó là những lợi ích "nhìn thấy" ngay.

Học sinh lớp 9 được nâng điểm để được xét tuyển vào bậc trung học phổ thông đối với những trường không tổ chức thi tuyển.

Còn học sinh lớp 12 được nâng điểm thì sẽ gặp thuận lợi hơn khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông (vì cơ cấu điểm học bạ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp) và các em cũng có cơ hội hơn khi xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo phương thức lấy điểm học bạ.

Học sinh được nâng điểm kéo theo nhiều hệ lụy, gây mất công bằng giữa học sinh này với học sinh khác, lớp này với lớp khác, trường này với trường kia. Đôi khi học sinh chỉ cần hơn nhau 0,2 điểm là đã quyết định cả tương lai, số phận.

Giả sử, có giáo viên mới vào thay nhiệm vụ giảng dạy của giáo viên cũ, nhưng lại thay đổi điểm số đã có sẵn bằng cách nâng điểm thì cũng ít nhiều gây sứt mẻ tình cảm với đồng nghiệp vì thiếu sự tôn trọng lẫn nhau. Rồi học sinh sẽ nghĩ gì về thầy cô mình - những người cầm cân nảy mực, phụ huynh học sinh cũng mất niềm tin vào nhà trường, ngành giáo dục. Vì thế, cần làm nghiêm để chấm dứt trình trạng sửa, nâng điểm như nhiều vụ việc báo chí phản ánh thời gian qua.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

[3] https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-04-2021-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-giao-duc-450564.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên