LTS: Sáng nay (24/6), trên toàn quốc, các thí sinh đã hoàn thành xong bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm (sử, địa, công dân) với hình thức thi trắc nghiệm. Đồng thời, kết thúc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.
Sau khi bài thi kết thúc đã nhận được những nhận xét chung của giáo viên các bộ môn trong tổ hợp khoa học tự nhiên về đề thi trung học phổ thông năm 2017.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Hình ảnh các thí sinh đang làm bài thi. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Cô Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên Lịch sử Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét: “Đề thi không có câu đánh đố thí sinh”. Đề thi không quá khó, không đánh đố thí sinh, nếu được ôn luyện tốt, nhiều khả năng học sinh sẽ đạt được điểm cao.
Cấu trúc đề thi theo đúng chuẩn của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, bố cục rõ ràng, kiến thức toàn diện, bao phủ toàn bộ phạm vi kiến thức trong chương trình học, các giai đoạn, các vấn đề của chương trình Lịch sử lớp 12.
Mức độ đề thi không quá khó, đảm bảo học sinh trung bình có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dễ dàng.
Đề thi có sự phân hóa dành cho học sinh khá giỏi, học sinh sẽ không học tủ, học lệch mà cần phải có khả năng tư duy, phân tích, khái quát, tổng hợp, so sánh. Thường 4 cuối là câu đòi hỏi vận dụng cao, học sinh phải học rất chắc kiến thức mới có thể trả lời được.
Ví dụ: câu 37 ở mã đề 301 để trả lời học sinh phải hiểu được tính chất của cuộc cách mạng tháng Tám. Muốn hiểu được tính chất cách mạng tháng Tám phải soi vào tiêu chí của cuộc cách mạng trên, như nhiệm vụ mục tiêu đặt ra, giai cấp lãnh đạo, hình thức thực hiện, kết quả đạt được…
Trong đề thi cũng có câu vận dụng kiến thức thực tiễn như câu 38 ở mã đề 301. Câu này đòi hỏi học sinh phải cập nhật thông tin thời sự hàng ngày.
Thầy chỉ cách cho trò học và thi quốc gia đạt điểm cao môn Địa lý |
Theo tôi, hình thức thi trắc nghiệm phù hợp với xu thế hiện nay và có một số ưu điểm như: giảm bớt áp lực, căng thẳng thi cử; học sinh bị điểm kém môn Lịch sử sẽ giảm.
Với cách thi này, khả năng học sinh sẽ thêm yêu thích môn Lịch sử và chọn môn thi này nhiều hơn. Cũng với cách thi trắc nghiệm, học sinh sẽ được hiểu biết toàn diện, đầy đủ về kiến thức Lịch sử phổ thông, tránh học lệch, học tủ.
Cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên Trường trung học phổ thông Nhân Chính (Hà Nội) nói: “Đề thi hay, bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Đề Địa lý có sự phân hóa rõ ràng, giúp học sinh có thể đánh giá được điểm của mình, những học sinh giỏi có thể đạt được điểm 9. Đề thi cũng đảm bảo cân bằng giữa lý thuyết và thực hành theo đúng cấu trúc đề từ dễ đến khó, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh khi làm bài.
Học sinh được điểm 6 - 7 sẽ khá nhiều vì có những câu hỏi về kỹ năng, nếu được ôn luyện ở trường về cách đọc Atlat, biểu đồ thì các em hoàn toàn giải quyết được câu hỏi với những kỹ năng này và đạt được 2,5 điểm.
Có những câu rất dễ, hỏi về lý thuyết nhưng được sử dụng Atlat để trả lời. Ví dụ như câu: “Thành phố trực thuộc Trung ương ở Duyên hải Nam Trung Bộ là thành phố nào?” hoặc câu: “Trong số những tuyến đường ở ven biển nước ta, tuyến đường nào dài nhất”. Đây không phải những câu hỏi sử dụng Atlat nhưng các em hoàn toàn có thể sử dụng Atlat để trả lời dễ dàng câu hỏi này.
Để có sự phân hóa từ dễ đến khó và phân loại học sinh ở mức trung bình với mục đích xét tốt nghiệp và học sinh khá, giỏi để xét tuyển vào các trường đại học. Trong đề thi có nhiều câu hỏi học sinh phải có kiến thức sách giáo khoa kết hợp với kiến thức thực tế thì mới lựa chọn được phương án chính xác.
Vì sao năm nay thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội nhiều hơn? |
Học sinh sẽ thích đề thi này vì có những câu liên hệ thực tế, câu lý thuyết nhưng phải sử dụng Atlat mới có thể trả lời được chứ không làm linh tinh, học sinh có căn cứ để đưa ra trả lời chính xác.
Theo tôi, đây là đề thi hay, bám sát với bộ đề minh họa, tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố nên không gây ra tâm lý hoang mang, khác lạ cho thí sinh khi các em đã được học và ôn tập.
Cô Nguyễn Thị Hà Tuyên, Phó Hiệu trưởng, giáo viên Giáo dục công dân Trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) nhận xét: “Đề thi có nhiều tình huống sát với thực tiễn cuộc sống”.
Đề thi Giáo dục công dân có 40 câu, trong đó khoảng 20 câu đầu ở mức độ nhận biết, hầu hết học sinh có thể làm được, một số câu hỏi không có đáp án nhiễu. 16 câu tiếp theo yêu cầu có vận dụng, nhưng ở mức độ thấp, học sinh phải bắt đầu tư duy thì mới trả lời đúng. 4 câu cuối cùng vận dụng cao, học sinh đọc kĩ đề và phải hiểu bản chất của vấn đề thì mới chọn đáp án đúng.
Nội dung kiến thức bao quát chương trình pháp luật của lớp 12, trải đều ở các bài học. Với đề thi này, học sinh dễ dàng đạt được điểm trung bình, khá.
Đề thi bám sát mẫu đề minh họa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đặc biệt là đề minh họa lần 3. Với số lượng câu hỏi trong đề phù hợp với thời gian 50 phút làm bài, thậm chí học sinh tư duy tốt, nhớ được kiến thức, có thể hoàn thành bài sớm.
4 câu cuối (từ câu 117 đến 120), đưa ra những tình huống rất sát với thực tế cuộc sống, có tính thời sự và không có trong sách giáo khoa. Học sinh khi đọc tình huống, phải tái hiện lại được kiến thức, nắm sâu kiến thức và vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi.
Tóm lại, đề thi môn Giáo dục công dân đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng và có một số câu phân loại để phục vụ xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.
Bộ Giáo dục công bố 14 đề thi tham khảo cho kỳ thi quốc gia 2017 |
Thạc sỹ Đặng Ngọc Tú, Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) nhận định: “Điểm thi phổ biến sẽ rơi vào 6, 7, 8 điểm”.
Đề thi Lịch sử bám sát và giống với đề minh họa mà Bộ đã công bố. Trong đó, từ câu 1 đến câu 24 ở mức độ nhận biết và thông hiểu đảm bảo cho học sinh có thể học thuộc lòng đạt được đến 6 điểm. Từ câu 25 trở đi là những câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Đề thi có thể đảm bảo cho cả thí sinh cả hai mục đích tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Các câu hỏi bám sát sách giáo khoa đảm bảo kiến thức cơ bản, ở phần nâng cao có những kiến thức liên hệ thực tế, có hiểu biết thêm bên ngoài mới làm được. Đặc biệt, các câu hỏi rất tường minh, rõ ràng, các phương án gây nhiễu vừa đủ đối với những học sinh học bài có thể hiểu.
Nhìn chung, tôi đánh giá đây là đề tốt. Ví dụ từ câu 37 - 40 là những câu vận dụng cao dành cho học sinh giỏi và học sinh xét tuyển vào đại học có điểm đầu vào cao.
Tôi cũng tham gia coi thi ở một địa dành cho học sinh giáo dục thường xuyên. Sau khi ra khỏi phòng thi các em nói làm được bài, tôi cho rằng đề thi đã phù hợp với nhiều đối tượng học sinh và vẫn có sự phân hóa đối với học sinh khá giỏi.
Ưu việt nhất của hình thức thi trắc nghiệm là học sinh phải nắm toàn bộ kiến thức lịch sử. Đề thi từ câu 1 đến câu 40 trải dài trong 6 chương của lịch sử thế giới và các chương còn lại của lịch sử Việt Nam, có nghĩa đảm bảo học sinh phải học hết thì mới có thể trả lời.
Ngoài ra, các em phải có nhận biết nâng cao, tham khảo thêm những tài liệu trên mạng hay những vấn đề thời sự quốc tế mới làm được hết các câu hỏi trong đề thi. Vì vậy, rõ ràng đổi mới theo hình thức thi trắc nghiệm có nhiều điểm ưu việt hơn hình thức cũ.
Học sinh sẽ không bỡ ngỡ, các vấn đề đều rất cơ bản. Cá nhân tôi rất yên tâm chỉ cần trong quá trình học chú ý nghe giảng học sinh có thể làm được bài.