Bài viết “Sắp tới chỉ giáo viên chủ nhiệm mới phải dự giờ, thăm lớp?” đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/10/2020 đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc trên cả nước.
Phần lớn giáo viên đều hồ hởi, phấn khởi khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2020 sẽ thoát khỏi cảnh phải... dự giờ, thăm lớp.
Tại sao giáo viên không muốn dự giờ?
Để lý giải cho việc giáo viên không thích dự giờ, chúng ta đọc lại chia sẻ của một giáo viên được tác giả Đỗ Quyên ghi lại “Để có tiết dạy hoàn hảo, giáo viên dạy phải bỏ không ít công sức vào đó nhưng học sinh học dự giờ cũng mệt không kém gì.
Sao không chán khi ngày nào thầy cô giáo cũng bắt học thử. Ngày nào cũng tập, cũng ôn cho đến ngày dạy chính thức.
Vậy nên nếu hỏi: Những tiết dạy dự giờ thì học hỏi được điều gì? Đương nhiên không học hỏi được gì nhiều.
Bởi, nội dung bài học, các phương pháp áp dụng trong tiết dạy đã được thực hành thành thục trước đó. Vì thế, nếu mang những cái nhìn thấy được của tiết dự giờ về áp dụng thực tế tại lớp mình sẽ không bao giờ đạt được kết quả.
Người dạy mệt, người học mệt, đến người dự cũng thấy vô cùng mệt, do phải tìm cái sơ hở trong tiết dạy của đồng nghiệp mà góp ý”.
Như vậy giáo viên không muốn dự giờ vì phải nhìn thấy, nghe thấy, chứng kiến sự giả dối trong giáo dục; bên cạnh đó giáo viên phải làm “thánh soi” sau khi dự giờ một cách bất đắc dĩ.
Tại sao giáo viên không muốn dự giờ? (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Không thể phủ nhận tác dụng tích cực của dự giờ
Giáo viên mới vào nghề được nhà trường phân công người có kinh nghiệm hướng dẫn tập sự, giáo viên mới bắt đầu quá trình thử việc, học việc.
Giáo viên tập sự nếu tích cực tự giác đi dự giờ các bậc tiền bối, đúc rút kinh nghiệm cho mình sẽ mau chóng tiến bộ và ngược lại.
Chính nhờ quá trình tập sự mà giáo viên trưởng thành hơn, chín chắn hơn về tác phong, phương pháp, nội dung kiến thức, xử lý tình huống sư phạm.
Tiết dạy có người dự giờ cũng giống như nhà có khách, bữa cơm sẽ nấu ngon hơn, có đầy đủ các món trong nhà có thể có để đãi khách, học sinh được dịp “ăn ké”.
Nếu chủ nhà hiếu khách, sẽ thường xuyên có sẵn đồ ăn để đón khách bất cứ lúc nào. Vì vậy để đánh giá năng lực của một giáo viên bắt buộc phải dự giờ, phải đến thăm nhà không cần báo trước.
Như vậy, không thể phủ nhận vai trò của dự giờ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề là phải tổ chức, tiến hành dự giờ như thế nào?
Làm sao phát huy được tính tích cực của dự giờ?
Không ai thấy nhọ trên mặt mình nếu không có gương soi, nếu không có người khác nói cho mình biết.
Trong nghề dạy học cũng vậy, không phải ai cũng dạy giỏi, dạy hay ngay từ lần đầu lên lớp, dạy hay trong mọi tiết dạy.
Muốn hay, muốn giỏi phải học, phải tránh được vết xe đổ của người khác, muốn vậy giáo viên phải chủ động dự giờ.
Để học được cái hay, tránh được cái dở của người khác thì tiết dạy phải trung thực, không diễn, có như thế bài học rút ra mới áp dụng được vào thực tế.
Bài học áp dụng thành công trong thực tế, bài học kinh nghiệm đó mới có giá trị, nếu không áp dụng được thực tế bài học chỉ là... lý thuyết suông, dự giờ trở nên vô ích.
Nếu chúng ta xem chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” chúng ta sẽ thấy tác dụng sâu sắc của việc góp ý sau tiết dạy.
Góp ý tiết dạy không phải là “chẻ tư sợi tóc”, là moi móc, mạt sát người khác để chứng minh năng lực của mình.
Góp ý tiết dạy đầu tiên phải nhận ra cái hay, cái mới, cái sáng tạo của người dạy. Nếu không thấy, không nhận ra cái hay, cái mới, cái sáng tạo của người dạy, “tìm cái sơ hở trong tiết dạy của đồng nghiệp mà góp ý” thì ... đừng góp ý.
Sự thấu cảm, đặt mình vào vai trò người dạy, người học, góp ý cùng nhau vì sự tiến bộ, thái độ chân thành, ngôn ngữ ôn hòa, dí dỏm, khen đúng, chê tế nhị mới thực sự là người có năng lực.
Dự giờ để học hỏi cái hay, cái sáng tạo của người khác. Dự giờ để thấy cái sai của người khác mà rút kinh nghiệm, mà tự răn mình, là cách học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đơn giản nhất.
Vì học sinh thân yêu, vì sự tiến bộ của chính mình, thầy cô ơi đừng sợ dự giờ!