Đến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi về những ngày tháng thực tập sư phạm tại Trường Trung học phổ thông số 2 Mộ Đức (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) sau Tết Nguyên đán năm 1995.
Thầy Tính, dạy môn Vật lý, chủ nhiệm lớp 10A2 hướng dẫn thực tập chủ nhiệm. Còn cô My Nơ, dạy môn Ngữ văn, hướng dẫn thực tập chuyên môn.
Buổi đầu tiên đến trường, lớp gặp thầy cô giáo và học sinh của ngôi trường mới ấy, tôi và các bạn cùng thực tập có biết bao nhiêu bỡ ngỡ, cảm xúc tràn về.
Từ xa lạ, bỡ ngỡ dần thành gần gũi, quen thuộc với các em học sinh và các thầy cô giáo hướng dẫn.
Thầy Tính nghiêm nghị, ít nói nhưng nhiệt tình, tỉ mỉ trong chỉ bảo, hướng dẫn về công tác chủ nhiệm lớp.
Sau khi giới thiệu trước học sinh cả lớp, thầy dành thời gian chia sẻ, trao đổi với tôi về tình hình của lớp, em nào ngoan, em nào chưa ngoan, về các biện pháp, kinh nghiệm quản lý, giáo dục học sinh chưa ngoan.
Tình thầy trò sâu đậm. (Ảnh minh họa: Congdoangdvn.org.vn) |
Cuối cuộc trao đổi, thầy Tính còn căn dặn: “Em à, trong quá trình tiếp xúc, làm việc với lớp, gặp những khó khăn, vướng mắc gì, cứ bộc bạch trực tiếp với thầy, thầy sẽ giúp đỡ, hỗ trợ tối đa.”
Các em học sinh lớp chủ nhiệm thực tập đều là con em lao động, sống ở vùng thôn quê nghèo thật tội nghiệp, dễ thương và chan hòa tình cảm.
Sau những buổi học tại trường, tôi và các em cán sự lớp có mấy chuyến đến thăm, động viên các em trong lớp ở xa, có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ nghỉ học.
Thầy và trò cùng đi xe đạp cà tàng trên những con đường làng, ngoằn ngoèo đầy bụi đất, rượp bóng cây xanh, nói cười rôm rả, gần như không biết mệt là gì.
Tôi nhớ mãi em Lâm, một học sinh lầm lì, cá biệt ngồi ở cuối lớp. Tôi được cô giáo hướng dẫn bộ môn giao cho việc chấm và trả bài viết số 6.
Trong tiết trả bài hôm đó, sau phần đánh giá, nhận xét bài làm của học sinh, lập dàn ý đề văn, tôi phát bài cho từng học sinh.
Tôi vừa quay lên bàn giáo viên thì em Lâm cầm bài viết của mình xé làm nhiều mảnh và vò viên ném ra ngoài cửa sổ, trước mặt tôi và các học sinh khác.
Tôi rất buồn bực trước hành vi đó của em Lâm nhưng tôi kiềm chế, bình tĩnh, cố tình ngơ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Mấy ngày sau, tôi chủ động mời Lâm ra ngoài nói chuyện.
Tôi phân tích cho em thấy hành vi xé bài kiểm tra hôm trước của em là không đúng, thiếu tôn trọng thầy. Lâm rất lắng nghe và sau một hồi suy nghĩ, em mở lời, xin lỗi tôi, vì em đã sai (do em thất vọng bị điểm kém, xấu hổ trước bạn bè).
Thầy cô giáo hướng dẫn thực tập, người nhiệt tình, người hời hợt |
Chưa dừng lại ở đó, tôi bảo em lên lấy giấy, bút, thầy cho một đề bài khác, về nhà làm, tuần sau nộp cho thầy, để lấy điểm thay thế cho bài bị kém hôm trước. Em cảm ơn tôi vô cùng. Bài viết của em lần này tiến bộ hơn hẳn, tôi ghi em điểm 6.
Cách xử lý nhân văn (tuy có phạm quy) của tôi - thầy giáo thực tập đã khiến em Lâm xúc động, kể từ đó em không còn bỏ học, quậy phá, nghịch ngợm trong lớp nữa mà ngoan ngoãn, hiền lành khác thường.
Sang đến tuần thứ 4, thầy và tôi ngày càng gắn bó, thân thiết.
Hai tiết mục văn nghệ của lớp 10A2 do thầy trò cùng dàn dựng được lọt vào vòng chung kết của toàn trường, được công diễn tại sân vận động xã Đức Nhuận trước hàng ngàn người dân, học sinh và thầy cô giáo đến xem, cổ vũ, nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân và sinh nhật Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm ấy.
Thời gian thực tập hơn 2 tháng trôi qua mau, lớp 10A2, tổ chức chia tay đơn sơ tại tiết sinh cuối tuần, thầy trò tôi ngậm ngùi, lưu luyến khó tả.
Các năm sau, khi tôi công tác tại Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (huyện Sơn Tịnh) cách đó 22 cây số, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các em lớp 10A2, trong đó có Lâm lại ra nhà tôi (ở xã Tịnh Hà) thăm chơi, chúc Tết thầy giáo thực tập.
Thầy trò gặp gỡ tay bắt mặt mừng, biết bao kỷ niệm buồn vui của hơn 2 tháng thực tập sư phạm năm nào cứ ùa về. Ôi, thật đẹp, làm sao quên được trong cuộc đời dạy học của tôi.