Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần lớn mỗi thí sinh năm nay chỉ đăng ký trung bình từ 4-8 nguyện vọng, mặc dù Bộ không khống chế số nguyện vọng.
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng.
Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến chỉ áp dụng cho thí sinh không tăng thêm số nguyện vọng đăng ký xét tuyển và không điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu thí sinh có điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng phải đến Điểm tiếp nhận hồ sơ để điều chỉnh qua Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển).
Phó giáo sư Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khuyên thí sinh đừng bỏ qua cơ hội được thay đổi nguyện vọng (Ảnh: Thùy Linh) |
Thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng so với đăng ký ban đầu hoặc có điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải điều chỉnh bằng phiếu và thực hiện tại điểm tiếp nhận.
Tuy nhiên, Phó giáo sư Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khuyên thí sinh, cần cân nhắc kỹ và đừng bỏ qua cơ hội được thay đổi nguyện vọng một lần duy nhất bắt đầu từ ngày 15/7 sắp tới.
Theo quy định, năm nay các trường sẽ tuyển sinh bình đẳng với tất cả các nguyện vọng, chỉ cần thí sinh đạt điểm cao, xét từ trên xuống đến ngưỡng xét tuyển thì sẽ trúng tuyển.
Tuy nhiên, khi có quá nhiều thí sinh có đầu điểm tương đương thì các trường có thể có quy định tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ có thể xem xét điểm một trong ba môn của tổ hợp xét tuyển hoặc xem xét ưu tiên những thí sinh có nguyện vọng 1 vào ngành, hoặc trường.
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, Phó giáo sư Trần Văn Nghĩa cũng khuyên thí sinh nên tham khảo phổ điểm theo tổ hợp xét tuyển của năm trước và năm nay để dự đoán mức biến động của điểm chuẩn.
Đừng vào đại học bằng mọi giá
Cũng tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, nhiều thí sinh đặt câu hỏi “đã đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không biết ngành nào có cơ hội cao”, Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà khuyên các thí sinh “không nên vào đại học bằng mọi giá”.
“Cơ hội càng nhiều, lựa chọn sẽ càng khó vì thí sinh sẽ rất dễ chạy theo những cơ hội "dễ đỗ" mà xem nhẹ yếu tố phù hợp của ngành, trường so với sở trường, sở thích của mình.
Vì thế, thí sinh có thể chọn được địa chỉ để “đỗ” nhưng chưa chắc đó là lựa chọn sáng suốt.
Do đó thí sinh đừng chỉ quan tâm tới mức điểm nào thì đỗ mà hãy suy nghĩ, cân nhắc đến những mong muốn, tố chất của bản thân có thích hợp với ngành mình định đăng kí không”, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà khuyên thí sinh.