Vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, đang trên con đường hoàn thành ước mơ trở thành thầy giáo Mỹ thuật của mình thì tai họa ập đến. Năm 2007, khi mới 24 tuổi trong một lần tới trường dạy học anh đã bất ngờ gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến anh bị liệt cả người, không thể đi lại được.
Nhưng với ý chí, nghị lực của mình, anh Nguyễn Đình Huấn, thôn Mỹ Duệ, xã Phú Hòa (Lương Tài – Bắc Ninh) đã quyết tâm vượt lên số phận, tiếp tục cầm bút để vẽ và mở lớp học luyện thi cho hàng trăm học sinh nghèo hiếu học trong vùng.
Nghị lực phi thường, vượt lên số phận
Cách Thành phố Hà Nội chừng 50 km, không khó khăn lắm chúng tôi đã tìm đến nhà anh Nguyễn Đình Huấn và tình cờ may mắn “được dự” một buổi dạy học vẽ của anh.
Một lớp học rất đặc biệt, khi người thầy bị liệt tứ chi, ngồi trên xe lăn đang khéo léo di chuyển chiếc bút nẹp ở cổ tay – bộ phận duy nhất chuyển động được trên cơ thể của mình để vẽ lên những nét vẽ rất đẹp, như đặt cả tâm hồn mình vào từng nét vẽ để dạy cho học trò những kỹ thuật hội họa cơ bản cũng như gửi gắm “cái tình” của người họa sỹ vào trong đó.
"Thầy giáo” khuyết tật chắp ước mơ cho hàng trăm học trò đến giảng đường đại học (Ảnh: Hiệp Hòa) |
Cùng những học trò lặng nhìn các tác phẩm của thầy và trò một lúc, anh Huấn tâm sự về cuộc đời và nghị lực rất đỗi phi thường của mình.
Ngay từ khi cắp sách đến trường, chàng thanh niên Nguyễn Đình Huấn đã bộc lộ năng khiếu hội họa từ rất sớm, với giấc mơ trở thành giáo viên mỹ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đã đã đăng ký thi và đỗ vào Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương.
Tốt nghiệp ra trường, trở về quê hương và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình nhưng một tai họa bất ngờ ập đến với anh.
Năm 2007, trong một lần đi tới trường dạy học anh đã gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến bản thân bị liệt cả người, không thể đi lại được.
Cùng một lúc các bác sỹ chuẩn đoán anh bị mắc các bệnh: Liệt cơ, giãn thận, viêm tiết niệu mãn tính....
Lúc đó với anh “tưởng chừng như tuyệt vọng”, anh suy sụp tinh thần “từ khi biết chuyện, cuộc sống với tôi như bế tắc. Hơn một tháng nằm viện, nhìn ra xung quanh chỉ có bốn bức tường lại nghĩ đến ước mơ của mình dang dở mà thấy như mọi hy vọng đang đóng sập lại.”
Thấy anh bệnh tật lại chán nản như vậy, cha mẹ anh càng thương con hơn và không quản ngày đêm chăm sóc, động viên tinh thần để cố gắng thắp lên những tia hy vọng dù là nhỏ nhất với anh.
Thấu hiểu được nỗi vất vả ấy của cha mẹ, anh tự động viên mình “cố gắng không được gục ngã, phải sống sao còn chút sức lực để đóng góp cho xã hội và gia đình mình”.
Bước ngoặt cuộc đời
Biết được quyết tâm và nỗi lòng của cậu con trai, gia đình đã đưa anh đi khắp nơi để chữa bệnh, cứ nơi nào người dân giới thiệu có loại thuốc hay, thầy giỏi là cha mẹ anh lại đưa anh đến.
Năm 2009, bước ngoặt cuộc đời đã đến với anh khi anh được một người quen giới thiệu đến chùa Ngòi để châm cứu và điều trị.
Thầy Nguyễn Đình Huấn bên bài dạy của mình (Ảnh: Huy Mạnh) |
Tại đây, cũng nhờ duyên phận anh đã gặp được người con gái của đời mình. Đó là chị Nguyễn Thị Huyền, sau khi biết câu chuyện về số phận khổ cực, éo le của anh, đồng cảm với hoàn cảnh của anh chị đã hết lòng chăm sóc, giúp đỡ anh Huấn trong suốt quá trình chữa bệnh tại đây.
Và như “duyên đã định” không biết từ lúc nào chị đã đem lòng cảm mến chàng trai tài hoa ấy và quyết định lấy anh làm chồng.
Từ đây, cũng chính nhờ vợ mình động viên mà anh đã quyết định “thắp lên niềm hy vọng của cuộc đời mình” bằng việc tiếp tục cầm bút vẽ tiếp những tác phẩm đang ấp ủ còn đang dang dở.
Nhưng hội họa là một loại hình rất khó, đối với người thường vẽ đã là một điều không hề đơn giản nếu như không có năng khiếu. Và để chuyển từ năng khiếu thành những nét vẽ, những tác phẩm có hồn, có thần ở bên trong thì là cả một nghệ thuật.
Với người thường đó còn là cả sự gian truân thì đối với một người bị liệt cả tứ chi như anh Huấn thì khác nào đó là “cả một sự thách đố”, “thách đố với số phận của chính mình”.
Cảm phục quyết tâm của anh, một người bạn thân làm nghề cơ khí đã chế tạo một chiếc giá vẽ đa năng gắn vào xe lăn để anh sử dụng.
Thời gian đầu luyện vẽ, anh nẹp chặt chiếc bút vào cổ tay mình để tập lại từng động tác cơ bản. Những nét vẽ ban đầu rất khó khăn như “trẻ con học vẽ” nguệch ngoạc như con rắn bò trên trang giấy.
Vẽ mãi, cố gắng mãi không được, tay lại đau do nẹp bút vào quá lâu, toàn thân mệt mỏi và đau đớn do bệnh tật. Nhưng anh không nản chí, cố gắng từng bước để lấy lại cảm giác của mình.
Rồi dần dần những nét vẽ ấy ngay ngắn trở lại và bắt đầu có hình. Lắm hôm anh miệt mài tập vẽ đến nỗi quên ăn, quên ngủ, bệnh tật lại tái phát, những cơn đau lại kéo đến.
Nhìn chồng như vậy mà chị Huyền ứa hết nước mắt, như cắt da, cắt thịt của mình. Nhưng thương chồng, biết đây là niềm đam mê của anh nên chị chỉ cầm lòng, lặng lẽ đứng bên anh, giúp anh hoàn thiện những tác phẩm của mình.
Trời không phụ lòng người, luyện tập một thời gian dài, những tác phẩm của anh đã bắt đầu “có hồn” và có những bức rất đẹp khiến nhiều người chỉ xem tranh thôi mà ngỡ như của một họa sĩ đã phác họa ra mới được như vậy.
Chắp cánh ước mơ cho hàng trăm học trò nghèo đến giảng đường đại học
Lấy được cảm giác ngày nào khi bắt đầu vẽ tranh và lại có những tác phẩm bước đầu được gia đình và người thân khen ngợi. Nguyễn Đình Huấn lấy đó làm động lực để tiếp tục miệt mài tập vẽ.
Cũng trong thời gian này, thấy các em học sinh trong vùng có năng khiếu hội họa, muốn thi vào các Trường Đại học Kiến trúc, Xây dựng, Mỹ thuật…đua nhau ra Hà Nội để tìm thầy học vẽ, có những em gia đình khó khăn không có đủ tiền theo học phải bỏ dở ước mơ của mình.
Năm 2010, Nguyễn Đình Huấn đã quyết định nhận kèm một vài học sinh để giúp các em về kiến thức mỹ thuật và dạy vẽ cho các em học sinh nghèo ôn thi vào đại học.
Lớp học của anh hoàn toàn miễn phí đối với các em học sinh, cứ ai muốn đến học và có năng khiếu muốn thầy Huấn kèm thêm là anh lại nhiệt tình giúp đỡ.
Nghe tin anh Huấn dạy học, người dân trong làng không ai tin nổi, nhiều người còn bàn ra tán vào cho rằng “đã bị liệt cả người như vậy thì dạy sao nổi(?)”.
Nhưng lớp học đầu tiên do thầy ôn luyện và dậy vẽ đều đỗ vào các trường đại học. Nhiều gia đình ngạc nhiên và tìm đến tận nơi, được mục sở thị những tác phẩm do chính tay anh vẽ thì ai nấy đều thán phục.
Tiếng lành đồn xa, nhiều học sinh đã tìm đến nhờ anh kèm dậy, hầu hết là các em trong huyện và các huyện khác của tỉnh Bắc Ninh và một số em ở Hải Dương sang theo học thầy.
Mỗi khóa anh nhận dạy từ 30 đến 40 em và không lấy tiền học phí. “Các em có thời gian thì đến học, không chia ca để dạy, học thoải mái khi nào thầy trò cùng mệt thì nghỉ”, anh tâm sự “mình đã trải qua khổ cực, cuộc đời mình bất hạnh rồi nên bây giờ chỉ muốn làm điều gì đó có ích cho xã hội, để mọi người xung quanh mình có nhiều niềm vui thế là hạnh phúc rồi”.
Lắm hôm trở trời, những căn bệnh lại hành hạ khiến toàn thân anh đau nhức, có lần phải đi viện để điều trị nhưng sợ các em học sinh mất buổi học anh lại gắng gượng xin về để dạy.
Cứ thế, suốt 5 năm qua, lớp học của thầy Huấn luôn có rất nhiều học sinh đến học và nhờ thầy kèm cặp.
Đến nay, lớp học của anh mở ra đã giúp hơn 100 em học sinh thi đỗ vào các trường đại học như Kiến trúc, Xây dựng, Mỹ thuật…
Em Nguyễn Thị Mý, thôn Bè Khê, xã Phú Hòa (Lương Tài – Bắc Ninh) là một trong những trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, được thầy Huấn dìu dắt, kèm cặp thi đỗ vào trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ:
“Em có được như hôm nay cũng là nhờ thầy chỉ bảo, thầy Huấn luôn quan tâm giúp đỡ chúng em. Thầy không chỉ dạy kiến thức về hội họa và còn dạy chúng em lẽ sống, là tấm gương sáng về nỗ lực phi thường vượt lên số phận”
Chúng tôi ra về khi lớp vẽ của anh đang nhộn nhịp tiếng cười đùa của các em học sinh đang đến dần. Anh lại bắt đầu công việc quen thuộc nhưng lại là niềm vui cho mình đó là gieo mầm những ước mơ cho những học trò nghèo.
Nụ cười hiền từ và hình ảnh chiếc giá vẽ đặc biệt gắn đằng trước xe lăn, chiếc bút nẹp chặt vào cổ tay đang hướng dẫn học trò những nét vẽ rất đẹp làm chúng tôi không sao quên được.
Tự trong lòng mình tôi biết rằng, anh đang gửi hồn mình vào từng trang vẽ với ước mơ hết sức giản dị mà cao đẹp “chắp cánh cho học sinh nghèo đến giảng đường đại học”.