Thầy Tưởng như người bạn, người anh, người cha của học trò

24/11/2019 07:15
Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Ngày từ những ngày đầu lên lớp, thầy Đặng Văn Tưởng luôn chú trọng công tác định hướng, kích thích niềm cảm hứng học tập cho học sinh trong các tiết dạy.

Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm Hóa học, thầy giáo Đặng Văn Tưởng về Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Phú Quý, Bình Thuận công tác từ năm học 2008 - 2009 đến nay.

Ngày từ những ngày đầu lên lớp, thầy luôn chú trọng công tác định hướng, kích thích niềm cảm hứng học tập cho học sinh trong các tiết dạy.

Thầy tranh thủ thời gian đầu tiết để đọc hoặc kể các mẩu chuyện ngắn liên quan đến nội dung tiết học, nhằm truyền lửa cho các em, giúp các em cảm thấy nhẹ nhàng, giảm áp lực trong tiết học.

Với học sinh chủ nhiệm, thầy Tưởng luôn gần gũi với các em như người thân của mình.

Thầy giáo Đặng Văn Tưởng (bìa trái) và học sinh lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Bình Thuận.
Thầy giáo Đặng Văn Tưởng (bìa trái) và học sinh lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền - Bình Thuận.

Thầy Tưởng tham gia tiết đọc sách “Thư viện truyền cảm hứng” để kích thích, hướng dẫn các em nhiều kĩ năng trong cuộc sống, đặc biệt là truyền cảm hứng đọc sách đến các em học sinh.

Thầy giáo Tưởng cùng học sinh trong tiết đọc sách tại sân khấu "Thư viện truyền cảm hứng"
Thầy giáo Tưởng cùng học sinh trong tiết đọc sách tại sân khấu "Thư viện truyền cảm hứng"

Để tăng hứng thú học tập cho học sinh, thầy luôn khai thác hết chức năng của phòng thực hành bộ môn Hóa học trong giảng dạy. Từ kiến thức sách vở, thầy luôn tạo điều kiện để kiến thức liên hệ với thực tiễn cuộc sống.

Tăng cường các thí nghiệm hóa học vui trong các tiết thực hành, cho các em làm các sản phẩm có ứng dụng trong cuộc sống từ kiến thức bộ môn Hóa học như: Cho nhóm học sinh làm thí nghiệm chiết xuất tinh dầu sả, tinh dầu bưởi...và làm xà phòng.

Học sinh lớp 11A5 tiến hành thí nghiệm làm “Cầu vồng hóa học”
Học sinh lớp 11A5 tiến hành thí nghiệm làm “Cầu vồng hóa học”

Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; giáo viên trong toàn trường đã có tài khoản trên Office 365; đây là thành tích nổi bật, ban giám hiệu nhà trường đã khơi dậy được phong trào đổi mới phương pháp pháp dạy học, tự học, sáng tạo cho giáo viên, dù là một địa phương đảo xa.

Thầy giáo Đặng Văn Tưởng là một trong những giáo viên đã và đang khai thác có hiệu quả các ứng dụng có trên Office 365 như onenote, forms, classdojo…

Sử dụng các phần mềm trả lời câu hỏi trực tuyến như plicker, kahoot… để tạo hứng thú trong việc tiếp nhận kiến thức của học sinh.

Tiến hành thí điểm kiểm tra 15 phút trên máy tính hoặc điện thoại, giao bài tập về nhà và các bài tập tự rèn luyện trên ứng dụng forms.  

Học sinh thí điểm làm kiểm tra 15 phút môn Hóa học trên điện thoại di động
Học sinh thí điểm làm kiểm tra 15 phút môn Hóa học trên điện thoại di động

Thầy Tưởng tâm sự “Em về Ngô Quyền công tác, được sống, làm việc trong một ngôi trường như một gia đình; đặc biệt Ban giám hiệu, thầy cô đi trước luôn là tấm gương cho em noi theo. Dạy học ở nơi đảo xa, thiếu thốn đủ bề, càng thấy thương yêu học trò hơn.

Chính sự hy sinh gian khổ của các thầy cô giáo thế hệ trước của trường, giúp em vượt qua tất cả. Em chưa làm được gì nhiều cho học sinh, chỉ biết cố gắng, cố gắng hơn nữa”.

Bạn Nguyễn Đoàn Linh Nguyên, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền đã viết tri ân thầy giáo Tưởng:

“Vốn dĩ con không có hứng thú với mấy môn tự nhiên, nhất là Hóa, vì con chỉ yêu mỗi môn Văn thôi. Chỉ cần nhìn các phương trình rối não hay lý thuyết khô khan, đầu con đã muốn nổ tung rồi.

Nhưng học với thầy hoàn toàn khác, tuy là dạy Hóa nhưng đôi khi văn lẫn hóa lại song hành cùng nhau. Ngay cả tờ bìa tài liệu môn hóa thầy cũng thiết kế vô cùng đặc biệt với những lời nhắn nhủ đến học sinh của mình.

Cách giảng dạy của thầy lôi cuốn và hấp dẫn. Thầy rất vui tính, với con, thầy không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người anh luôn che chở và bảo bọc cho con và là người bạn luôn lắng nghe, thấu hiểu.

Thầy còn là người hiểu rất rõ tâm lý của từng học sinh. Con rất tự hào và cảm thấy may mắn khi được thầy dạy dỗ.

Tự hào bao nhiêu, con lại thấy thương thầy bấy nhiêu vì chưa một lần thầy than vãn với ai về những nặng nhọc trong hành trình dạy chữ dạy người của mình”.

Tại sao cô giáo được tôn vinh tại “Vinh quang Việt Nam”?
Tại sao cô giáo được tôn vinh tại “Vinh quang Việt Nam”?

Nói về đồng nghiệp của mình, thầy hiệu trưởng Nguyễn Hải Thọ vui vẻ:

“Thầy giáo Tưởng có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đặc biệt là tự học, tự trau dồi kiến thức công nghệ thông tin. Bất cứ việc gì nhà trường giao đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với học sinh có nhu cầu phụ đạo, bồi dưỡng môn Hóa, thầy dạy nhiệt tình và hoàn toàn miễn phí. Thầy Tưởng được anh em tin tưởng; học trò, phụ huynh tin yêu”.

Ghi nhận những đóng góp của thầy Tưởng cho giáo dục, hai năm liền gần đây, thầy được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Chuyến tàu rời đảo về đất liền mùa gió chướng làm tôi say sóng mất mấy ngày; trào lên mong ước cho học trò lớp 12 huyện đảo Phú Quý được thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia tại trường; giúp các em có điều kiện làm bài thi tốt hơn.

Tập thể giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền nói riêng, giáo viên trên huyện đảo Phú Quý nói chung đã và đang hoàn thành xuất sắc sự nghiệp trồng người nơi đảo xa; những người giáo viên - những người lính đảo, đã vì học sinh thân yêu.

Xin gửi “ước mơ nhỏ” của người viết, của người dân đảo Phú Quý lên các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, vì học sinh thân yêu, tạo cho các em điều kiện làm bài thi tốt nhất.

Tin rằng, bất cứ giáo viên nào được cử làm công tác thi tại đảo Phú Quý đều sẵn lòng vì học trò nơi đảo xa; vì học sinh thân yêu, tin rằng các cấp ở Bình Thuận sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học trò lớp 12 Phú Quý được thi tốt nghiệp tại địa phương.

Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến