Theo tôi, sẽ chưa có giáo viên TH, THCS được bổ nhiệm hạng II mới năm 2023, 2024

26/05/2022 06:25
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian giữ hạng tương đương hạng II, III nên ghi rõ là thời gian giáo viên hưởng lương có hệ số ở hạng II, III được tính vào thời gian giữ hạng II, III.

Ngày 20/5/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT.

Những điểm mới của dự thảo lần này rất đáng được ghi nhận, được nhiều chuyên gia, giáo viên cả nước đồng tình, cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ban hành dự thảo mới cơ bản xóa được bất công, bất cập của chùm Thông tư 01-04 trước đây.

Ảnh minh họa - V.D

Ảnh minh họa - V.D

Khi nào giáo viên sẽ được bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư sửa đổi

Hiện, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01, 02, 03, 04 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi dư luận đến hết ngày 20/7/2022.

Tại khoản 11 Điều 5 điều khoản thi hành của dự thảo có nêu “Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”

Có nghĩa sau khi lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành chính thức Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04.

Khi Thông tư này chính thức có hiệu lực, thời gian tối đa để các địa phương thực hiện bổ nhiệm và xếp lương theo chùm Thông tư sửa đổi là không được quá 6 tháng.

Nếu không có gì thay đổi thì việc bổ nhiệm lương mới theo chùm Thông tư này có thể thực hiện ở quý IV năm 2022 và hoàn tất trong quý I năm 2023.

Tôi cho rằng, Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này rất chặt chẽ, hợp lý, đơn giản hơn chùm Thông tư 01-04 rất nhiều nên khi vừa ban hành Thông tư chính thức, các địa phương sẽ nhanh chóng bắt tay vào thực hiện cho đúng tiến độ do Bộ Giáo dục ban hành.

Quy định thời gian giữ các hạng như thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong quá trình nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ dự kiến vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó và khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Đối với giáo viên phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông: giữ nguyên thời gian giữ hạng III là từ 9 năm trở lên. Đối với giáo viên mầm non: điều chỉnh thời gian giữ hạng III từ 9 năm thành 3 năm trở lên, điều chỉnh thời gian giữ hạng II từ 6 năm thành 9 năm trở lên.

Như vậy, chỉ có giáo viên mầm non đang ở hạng II (hệ số lương 2,34-4,98) giữ hạng II, III hoặc tương đương đủ thời gian 03 năm thì được bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương tương đương.

Đối với giáo viên từ tiểu học đến trung học cơ sở để được bổ nhiệm hạng II mới (có hệ số lương 4,0-6,38), Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phải đủ thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề ít nhất 9 năm.

Về quy định thời gian giữ hạng II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng II, III quy định tại Thông tư này.

Người viết hiểu rằng, khi được bổ nhiệm hạng II cũ bậc tiểu học, trung học cơ sở (hệ số lương 2,34-4,98) muốn bổ nhiệm hạng II mới phải có ít nhất 9 năm giữ hạng II, III cũ hoặc tương đương.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở bắt đầu được bổ nhiệm hạng II, III từ khi Thông tư 21,22/2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/11/2015.

Nên, hầu hết các địa phương ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II, III cho giáo viên tiểu học, trung học cơ sở vào năm 2016, có nơi bổ nhiệm trễ hơn vào năm 2017.

Theo hiểu biết của người viết, nếu bổ nhiệm hạng II, III theo Thông tư 21, 22/2015 từ năm 2016, 2017 thì phải 9 năm sau tức là phải đến năm 2025, 2026, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mới được bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương 4,0-6,38.

Bộ Giáo dục cũng có hướng dẫn, trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề.

Tức là những giáo viên hạng II cũ trên chưa đủ thời gian giữ hạng II, III hoặc tương đương theo Thông tư 21, 22 thì vẫn giữ nguyên mã số, hệ số lương (hạng II cũ, hệ số lương 2,34-4,98) đến khi đủ thời gian giữ hạng 9 năm thì mới thực hiện bổ nhiệm qua hạng II mới.

Đối với bậc trung học phổ thông, do hạng II cũ và hạng II mới tương đương hệ số lương nên mặc dù giáo viên không được bổ nhiệm hạng II mới do không đủ thời gian giữ hạng II, III hoặc tương đương, nhưng giáo viên trên vẫn giữ hạng II cũ có hệ số lương 4,0-6,38.

Thực tế bậc trung học phổ thông khi chuyển xếp lương mới là không được lợi gì, vì chuyển xếp hạng, hệ số lương tương đương.

Trong bài viết “Bất cập giáo viên hạng III phải 9 năm trở lên mới được thi/xét thăng hạng II” của tác giả Cao Nguyên cũng phân tích một số bất cập khi thăng hạng của giáo viên trung học phổ thông.

Do đó, dù Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 có nhiều điểm mới, hay được giáo viên đồng tình, hoan nghênh nhưng khi ban hành và đi vào thực tiễn thì có thể không có giáo viên nào được bổ nhiệm hạng II mới hoặc ít có giáo viên được thăng hạng II là còn bất cập, chưa đi vào cuộc sống.

Có thể đến năm 2024, 2025 sẽ thực hiện chính sách lương mới theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết 27 Trung ương, có thể đến khi đó việc chia hạng không còn.

Do đó, người viết cho rằng khi ban hành Thông tư mới phần thời gian giữ hạng II, III hoặc tương đương phải tường minh, tức phải ghi rõ thời gian giữ hạng II, III và tương đương là như thế nào.

Theo ý kiến người viết, thời gian giữ hạng tương đương hạng II, III nên ghi rõ là thời gian giáo viên hưởng lương có hệ số ở hạng II, III được tính vào thời gian giữ hạng II, III.

Khi đó, tính luôn thời gian giáo viên có hệ số lương tương đương hạng II, III và thời gian sau khi bổ nhiệm hạng II, III cũ, khi đó giáo viên mới có thể được bổ nhiệm hạng II mới hoặc được dự thi/xét thăng hạng lên hạng II, khi đó Thông tư mới có thể đi vào cuộc sống, nếu không lại tiếp diễn tình trạng mỗi nơi hiểu 1 kiểu, trăm hoa đua nở như bất cập của chùm Thông tư 01-04.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi