Tự chủ đại học là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có tầm quan trọng đối với sự hưng thịnh của quốc gia, là vấn đề lớn, mới và khó, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, nên rất cần những con người dũng cảm, có tinh thần sáng tạo, dám dấn thân vì khát vọng đổi mới.
Quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam tuy mới bắt đầu, nhưng đã có nhiều tín hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và đúng quy luật.
Những cái mới, cái chưa có tiền lệ cần phải được nhìn nhận hết sức cẩn trọng, vì lợi ích chung của tiến trình tự chủ đại học, tránh tình trạng chỉ thấy cây mà quên mất rừng, muốn chặt bỏ cây này, cấy ghép cây kia trong cách hành xử của cơ quan chủ quản đối với nhà trường, tránh gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội và trong hệ thống các trường đại học về tự chủ đại học, tạo điều kiện cho tự chủ đại học phát triển đúng hướng.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần dứt khoát đoạn tuyệt với tư duy ban phát, đánh đổi, ra điều kiện với cơ sở giáo dục trong việc giao quyền tự chủ cho họ.
Tự chủ là bản chất của giáo dục đại học, việc nhà nước trao quyền, phân quyền cho cơ sở giáo dục chỉ nên dựa vào điểm mấu chốt là năng lực thực sự của Hội đồng trường; không nên dựa vào mức độ tự túc tài chính để quyết định mức độ tự chủ - quan điểm này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường của giáo dục đại học, vì rất có thể sẽ đẩy các cơ sở giáo dục vào tình cảnh buộc phải lựa chọn giữa việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi mà nhà trường đã xác định, với việc mải mê lo tuyển sinh là chính, nhất là trong thực trạng tuyển sinh "tháo khoán" trong mấy năm gần đây, nhằm tăng số lượng “đầu vào” để cơ sở giáo dục có thể ‘tự bơi’ được khi nguồn kinh phí cấp phát từ nhà nước không còn nữa;
Khi đó, thay vì cần phải tập trung vào học thuật, vào đổi mới sáng tạo, vào nâng cao thương hiệu và uy tín thông qua chất lượng đại học, người ta dễ dàng chuyển hướng sang lo “nồi cơm”, tránh các khủng hoảng tài chính tức thời đang chờ trực trước mắt…
Lãnh đạo và quản lý thời nay, nhất là lãnh đạo và quản lý giới trí thức, đã có rất nhiều đổi khác so với thời kế hoạch hóa tập trung.
Giáo sư Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần dứt khoát đoạn tuyệt với tư duy ban phát, đánh đổi, ra điều kiện với cơ sở giáo dục trong việc giao quyền tự chủ cho họ (ảnh: Thùy Linh) |
Điều quan trọng nhất của công tác quản lý là biết truyền cảm hứng, biết tạo động lực, tạo ra nguồn lực và tạo ra cả áp lực để các cộng sự, các đồng nghiệp thể hiện tài năng và khát vọng của họ; biết tạo ra niềm tin để mọi nguoi cùng nhìn về một hướng.
Để được như thế, cán bộ lãnh đạo và quản lý cần phải biết đồng hành cùng cơ sở giáo dục, biết lắng nghe một cách có trách nhiệm với những tiếng nói từ cơ sở giáo dục, trong đó có tiếng nói của các giảng viên, những người thấu hiểu gần như đến tận cùng những được - mất của tự chủ đại học; thao thức với những vấn đề cơ sở giáo dục đang trăn trở, vui buồn với những buồn vui của cơ sở giáo dục; biết phát hiện, chắt chiu, có thiện tâm "gạn đục khơi trong", biết nâng niu từng chút, từng chút thành quả ban đầu của công cuộc tự chủ đại học, biết nuôi dưỡng và bảo vệ cái mới, cái còn chưa được định hình rõ ràng trong hiện tại, nhưng sẽ là tất yếu của ngày mai, nhất là trong điều kiện "thí điểm tự chủ" theo tinh thần của Nghị quyết 77.
Tiếc là trong Luật mới, hình như chưa có điều khoản nào quy định cụ thể quyền của các trường đại học trong việc tự xác lập quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của họ.
Theo quan điểm của nhiều người, "thí điểm" có nghĩa là làm theo cách mới, theo chuẩn mực mới, có thể có những cái “phá cách”, có thể có những điểm “xé rào” quy định hiện hành nào đó, có thể có vấp váp, thậm chí là sai lầm.
Miễn là vì lợi ích chung, miễn là không tham những, không lợi ích nhóm… Có thế mới cần “thí điểm”, còn cái gì cũng răm rắp “phù hợp với quy định của đảng và pháp luật có liên quan” hay “thí điểm tự chủ phải theo đúng quy định của pháp luật”, thì còn "thí điểm" cái gì?
Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền nếu thấy cơ sở giáo dục có dấu hiệu chệnh hướng, tư túi, vụ lợi, tham nhũng, không vì lợi ích chung của tự chủ đại học là phải nắn chỉnh ngay, không nên đợi cơ sở giáo dục lún sâu vào sai lầm mới kiểm điểm, thanh tra và thậm chí là hình sự hóa vấn đề, gây thất thoát và tổn thương không chỉ cho cơ sở giáo dục ấy, mà còn cho tiến trình chung của tự chủ đại học.
Nếu không thế, vị trí hiệu trưởng các trường đại học trong giai đoạn "thí điểm" tự chủ sẽ trở thành nghề nguy hiểm với những con người can đảm, trách nhiệm, có khát vọng cống hiến, dám đi tiên phong trong tiến trình tự chủ.
Để đảm bảo quá trình tự chủ đại học thắng lợi, các cơ quan quản lý nhà nước cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường, đồng hành cùng các trường, thông qua ban hành các văn bản pháp lý, các hướng dẫn mang tính mở đường, kiến tạo và đó chính là cách tốt nhất để các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.
Hiểu đúng về trách nhiệm giải trình
Tự chủ đại học như anh em sinh đôi với trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình của các trường là bắt buộc để cân bằng với quyền tự chủ, khả năng tự chủ tới đâu thì trách nhiệm giải trình tới đó, quyền tự chủ càng lớn thì trách nhiệm giải trình càng cao.
Nội hàm của trách nhiệm giải trình bao gồm nghĩa vụ báo cáo, giải thích, chịu trách nhiệm về hậu quả, và phải chịu "hình phạt" trong trường hợp có hành vi sai trái về những gì tổ chức, cá nhân đó đã cam kết, hoặc theo một qui định hay khế ước nào đó của luật pháp, của xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền của người dân trong tham gia quản lý đất nước và xã hội, mà còn là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng chống tham nhũng.
Khi trường đại học được trao quyền tự chủ nghĩa là họ trở thành đối tượng được (nhà nước) trao quyền và trao gửi sứ mệnh (agent) trên thực tế.
Quyền lực và nghĩa vụ đó là do nhà nước giao phó. Nhà nước đóng vai trò “principal - tiếp nhận giải trình” và do đó, nhà trường phải giải trình trước nhà nước. Nhà nước không thể giám sát được tất cả, nên để giúp nhà nước giám sát hoạt động của các trường tự chủ, nhà nước thường đặt ra các qui tắc để công chúng (xã hội) cùng giám sát.
Khi đó, công chúng (cụ thể và trực tiếp hơn là sinh viên và gia đình, doanh nghiệp) đóng vai trò người thụ hưởng (beneficiaries), đồng thời cũng là người giám sát.
Thế nhưng bản thân nhà nước cũng không tránh khỏi trách nhiệm giải trình, bởi vì trong một mối quan hệ tương quan khác, quyền lực của nhà nước là do Nhân dân giao và thuộc về Nhân dân (Khoản 2, Điều 2, Hiến pháp 2013 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”); do đó, nhà nước, cụ thể ở đây là các cơ quan quản lý có thẩm quyền, cũng phải có trách nhiệm giải trình với Nhân dân, với xã hội, trong đó có các cơ sở giáo dục, người học, các bậc phụ huynh về hoạt động của họ.
Vì suy cho cùng, nhà nước cũng là một chủ thể có liên quan, vì vậy cũng có quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm giải trình như các chủ thể khác.
Nghĩa là cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, thì cơ quan quản lý nhà nước cũng có trách nhiệm giải trình với cơ sở đào tạo, bình đẳng trong mối quan hệ chung vì sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà trong tiến trình dân chủ hóa.
Cần làm cho xã hội thấy là, trách nhiệm giải trình không phải chỉ có theo chiều dưới lên dưới hình thức báo cáo của cấp dưới "kính gửi" cấp trên theo trật tự trên – dưới, mà cần có cả chiều trên xuống: cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải trình với xã hội, trong đó có các cơ sở giáo dục, đảm bảo một xã hội thực sự dân chủ (dân làm chủ) như đã được Hiến định. Nếu cấp trên không giải trình với cấp dưới, với xã hội thì đó là áp đặt, là cai trị, không còn là quản trị và quản lý hệ thống thời dân chủ và hội nhập nữa.
Vì thế, nội hàm của khái niệm "trách nhiệm giải trình" cần được làm rõ trong khung pháp lý của tự chủ đại học.
Tạo "khoảng mở" cho thực hành tự chủ đại học
Để hạn chế tối đa các chuệch choạc và “lạc hướng” của các cơ sở giáo dục, họ cần được hướng dẫn để "làm đúng" trong tiến trình tự chủ.
“Tuân thủ-hoặc-giải trình” là một cách tiếp cận trong mô hình quản trị hiện đại nhằm cho phép các tổ chức linh hoạt áp dụng quy định, trong khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện đầy đủ vai trò của mình, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho cơ sở giáo dục phát triển đúng hướng.
Để tạo "khoảng mở" cho cơ sở giáo dục thực hành tự chủ đại học, các văn bản quy phạm dưới luật chỉ nên đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc để cơ quan quản lý nhà nước dựa vào đó giám sát, đảm bảo việc thực hiện nhất quán với toàn bộ hệ thống một cách công bằng, minh bạch; tạo ‘khoảng trời tự do’ đủ lớn cho các cơ sở giáo dục năng động thể hiện thực lực tự chủ đại học của nhà trường.
Nguyên tắc này được đề xuất trên cơ sở lập luận: không có “một cỡ áo vừa vặn cho tất cả” hay “không có tấm lưới nào bắt được tất cả các loại cá”; vì thực tiễn thì mênh mông, nên khi áp dụng nguyên tắc này vào quản trị sẽ giúp tránh nguy cơ rập khuôn, cứng nhắc, áp đặt, qua đó duy trì sự đa dạng về các loại hình, phương thức tự chủ trong hệ thống, tạo sự linh hoạt, năng động và tự chủ thật sự cho cơ sở giáo dục.
Theo nguyên tắc “Tuân thủ-hoặc-giải trình”, các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các hiệp hội có thể đặt ra các “bộ quy tắc ứng xử” (code of conduct) hoặc các bộ tài liệu hướng dẫn (guidelines) để các cơ sở giáo dục thực hiện, nếu họ không thể áp dụng được, thì cơ sở giáo dục phải giải trình sự không phù hợp của các phương thức, và cách thức thay thế do cơ sở giáo dục đề xuất.
Bằng quy định như vậy, một mặt cơ quan quản lý nhà nước vẫn có thể thực hiện vai trò của mình, đồng thời cho phép các trường nhiều cơ hội tự chủ hơn, phù hợp với ‘thể tạng’ của từng cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, để tự chủ có thể trở thành hiện thực thì, theo Giáo sư Trần Đức Viên: “Hệ thống kiểm định chất lượng nhất thiết phải được củng cố toàn diện cả về năng lực triển khai cũng như tính thực chất để trở thành căn cứ vững chắc cho cơ chế tự chủ đại học toàn diện. Có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổ chức kiểm định chất lượng thuộc hay trực thuộc Bộ, nhưng rất cần các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập, không thuộc hay trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo”.
Cần chuyển từ kiểm soát “đầu vào” sang giám sát “đầu ra”
Cũng theo Giáo sư Viên, tự chủ là quyền của các trường đại học được tự quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển đại học mà không bị ràng buộc bởi các quy định bên ngoài, điều này khác hoàn toàn với tự lo. Nhưng tự chủ cũng không có nghĩa là tự do.
Để tự chủ đại học thành công, ngoài việc xây dựng và thực hành các quy chế quản trị nội bộ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục, thì vấn đề mang tính quyết định là cơ quan quản lý nhà nước phải hình thành khung pháp lý phù hợp, thiết kế qui tắc giám sát, hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ và công bằng của xã hội và của nhà nước theo các chỉ số KPIs mà cơ sở giáo dục cam kết.
Thay vì kiểm soát “đầu vào” như cách chúng ta đang làm, nhà nước chỉ giám sát kết quả "đầu ra" KPIs mà cơ sở giáo dục đã cam kết, và qua đó đánh giá, phân loại, xếp hạng, và là tiêu chí quan trọng cho đầu tư, hỗ trợ của nhà nước cho từng cơ sở giáo dục.
KPIs thường được chia thành 4 nhóm:
Một là, thành tựu khoa học công nghệ, như số sản phẩm khoa học công nghệ, tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới được áp dụng, số bằng phát minh, sáng chế, số bài báo thuộc hệ thống ISI hoặc Scopus, số lượng giải thưởng quốc gia, quốc tế về khoa học công nghệ, số lượt giảng viên tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tỷ lệ kinh phí hoạt động khoa học công nghệ/tổng kinh phí, số hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, với địa phương,… ;
Hai là, chất lượng đào tạo như tỷ lệ giảng viên/người học, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư/ phó giáo sư, số chương trình đào tạo được kiểm định, kinh phí đầu tư/đầu sinh viên, mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng, sau 12 tháng tốt nghiệp, lương khởi điểm của sinh viên,… ;
Ba là, mức độ quốc tế hóa, như tỷ lệ chuyên gia người nước ngoài đến làm việc, tỷ lệ giảng viên được mời giảng dạy ở nước ngoài, số bài báo công bố chung với người nước ngoài, số giảng viên, nghiên cứu sinh được đào tạo, tập huấn ở nước ngoài, số sinh viên quốc tế, số hội thảo quốc tế, số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, số lượng hiệp hội hay mạng lưới quốc tế cơ sở giáo dục là thành viên,…;
Bốn là, cơ sở vật chất, như kinh phí đầu tư thiết bị nghiên cứu và giảng dạy, số phòng nghiên cứu, số cơ sở thực nghiệm, số phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO, kinh phí đầu tư cho trung tâm học liệu, diện tích khu vực thể thao trên đầu người, v.v…
Việc giám sát KPIs nên giao cho một cơ quan, tổ chức độc lập xếp hạng, đánh giá, đó không phải là công việc quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.