Tranh cãi trái chiều
Bài viết “Hai lý do để không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay” (28/3) của tác giả Nguyễn Trọng Bình thu hút sự một lượng rất lớn lượt bình luận của độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo tác giả, có hai lý do không nên tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đó là:
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi bao gồm việc dạy và học cho học sinh khối 12 đang cạn dần và công tác tổ chức kỳ thi quá tốn kém trong bối cảnh Chính phủ đang phải gồng gánh chi phí phòng chống dịch bệnh (bao gồm cách ly và điều trị). [1]
Sau khi bài viết đăng tải, đã có hơn 130 lượt bình luận trái chiều về quan điểm của tác giả Nguyễn Trọng Bình.
Năm nay có nên tổ chức thi tốt nghiệp hay không? (Ảnh minh hoạ: Sggp.org.vn) |
Một số ý kiến đồng tình:
BÙI THỊ NGA:“Tôi cũng cho rằng đây là giải pháp tối ưu, đỡ tốn kém, không quá gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Các trường đại học căn cứ vào học bạ 3 năm đủ đánh giá toàn diện chất lượng thật sự của học sinh. Năm 1989 chúng tôi vào cấp 3 cũng bằng đặc cách.”
HUY BÌNH:“Là một giáo viên dạy lâu năm, theo tôi nên xét tốt nghiệp là khả thi hơn trong thời kỳ chống giặc dịch này bởi hai lẽ: một là vẫn đảm bảo chất lượng, hai là tiết kiệm được khối ngân sách khổng lồ tổ chức thi để phục hồi kinh tế sau dịch.”
NGUYỄN THỊ LAN PHƯƠNG:“Nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp thì ý kiến trên hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra theo tôi thì sau khi đặc cách xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 thì các trường đại học sẽ tuyển sinh dựa vào điểm trung bình môn của các môn thi đại học trong 5 học kì thì sẽ khá công bằng và chính xác.”
Một số ý kiến không đồng tình:
NGUYỄN VĂN QUÂN:“Bỏ kỳ thi quốc gia là chưa phù hợp vì lấy kết quả học bạ để xét tuyển đại học là không công bằng cho các em học sinh.
Còn nếu các trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thì quá phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp.
Hơn nữa rất nhiều cháu có ý thức học tập chăm chỉ rất mong có một kỳ thi tốt nghiệp để đánh giá kết quả học tập sau 12 năm học và là điều kiện để các cháu được tuyển sinh vào những trường đại học mà các cháu mong muốn.
NGUYỄN HUỲNH MAI: “Còn một lý do nữa để không tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia: một kỳ thi mà 97-99% thí sinh đỗ thì tổ chức làm gì?”
PHƯƠNG: “Tôi không đồng ý bỏ kì thi quốc gia, vì đây là kì thi quan trọng, quyết định tương lai của tôi.
Bản thân tôi đã chuẩn bị rất tốt đối với kì thi này, tôi đã bắt đầu tập trung học từ cuối năm lớp 11, trong khi đó nhiều bạn chẳng cố gắng gì cả.
Rất không công bằng nếu như chỉ xét học bạ hoặc để các trường đại học tự tuyển sinh. Điểm năm 12 này của tôi rất lệch, vì học chủ yếu là những môn thi đại học, chứ không học tất cả.”
Một số ý kiến tỏ ra thận trọng:
Vẫn còn cơ hội tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia |
LÊ LAM HỒNG: “Bây giờ đòi hỏi sự quyết đoán của ngành giáo dục!
Không thể cứ ngồi chờ thụ động, nay giải pháp này, mai giải pháp kia mà không biết bao giờ hết dịch cúm này.
Hãy nhìn thẳng vào thực trạng đất nước trong cơn đại dịch để có những quyết đoán phù hợp, vì sau khi xét tuyển tốt nghiệp quốc gia, còn phải chuẩn bị cho khâu tuyển sinh đại học.”
XUÂN HOÀNG: “Theo tôi kết quả học tập là một quá trình dài chứ không phải chỉ đánh giá qua một kỳ thi.
Vì vậy xét cả quá trình học tập để đánh giá chất lượng của một em học sinh là đúng, vấn đề phải tính đến quá trình học có thực chất hay không.
Đấy là vấn đề Bộ cần nghiên cứu kỹ để có quyết sách đúng nhất.”
Cơ sở nào để thi hay không thi tốt nghiệp?
Thứ nhất, Luật Giáo dục 2019 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định học sinh học hết phổ thông, dự thi và đạt thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Còn học sinh học hết phổ thông, không dự thi hoặc thi không đạt thì được Hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông.
Học sinh có thể sử dụng giấy chứng nhận này để theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật (Điều 34 Luật Giáo dục năm 2019).
Với quy định này thì không có cơ sở nào để bỏ kì thi trung học phổ thông quốc gia vì trái luật.
Thứ hai, ngày 30/3 Báo điện tử Chính phủ dẫn lời ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ đang tích cực xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Nhiều thay đổi trong quy chế thi quốc gia năm 2020 |
Theo ông Mai Văn Trinh, do điều kiện dạy và học trực tuyến như hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải tinh giản chương trình, ban hành đề thi tham khảo cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020 làm định hướng để giáo viên ôn tập cho học sinh.
Đây là điều cần thiết và là trách nhiệm của đối với học sinh lớp 12 năm nay.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định việc xây dựng đề thi tham khảo và tới đây là đề thi chính thức trung học phổ thông quốc gia năm 2020 phù hợp với việc tinh giản chương trình và đặc biệt là tính toán tới việc phù hợp với điều kiện dạy và học của học kỳ 2 năm nay. [2]
Như thế, Bộ đã có sự chuẩn bị dài hơi, kĩ lưỡng để tổ chức kì thi trung học phổ thông quốc gia vào thời gian tới.
Thứ 3, dừng thi quốc gia không chỉ ảnh hưởng kế hoạch tuyển sinh của các trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh.
Theo thống kê số liệu xét tuyển đại học các năm vừa qua cho thấy các trường lấy nguồn tuyển từ kỳ thi này là chủ yếu.
Có tới trên 70% chỉ tiêu của các trường đại học xét tuyển từ kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Cụ thể, khoảng 100 trường đại học lớn chủ yếu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Nếu bỏ kì thi này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn việc tuyển sinh của các trường đại học tốp đầu vì không có nguồn tuyển. [3]
Nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh là trên hết, vừa có bằng tốt nghiệp vừa có điểm xét tuyển vào các trường đại học, thiết nghĩ Bộ nên giaokì thi trung học phổ thông quốc gia năm nay về cho địa phương là giải pháp hợp lí nhất.
Bởi sẽ có những địa phương kết thúc năm học rất muộn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do dịch bệnh phức tạp.
Học sinh của hai địa phương này có thể nghỉ học đến tháng 5, trong khi nhiều tỉnh thành khác có thể mở trường trở lại sớm hơn vì không có dịch bệnh.
Như thế, mỗi tỉnh sẽ tổ chức thi tốt nghiệp riêng dựa vào đề minh họa của Bộ nhưng sẽ linh hoạt hơn trong việc giới hạn chương trình.
Chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh có thể chỉ ra thi nội dung chương trình ở học kì 1, nhưng các tỉnh thành khác sẽ có thêm một phần của học kì 2.
Chỉ có môn Ngữ văn là thi theo hình thức tự luận, các môn và tổ hợp môn còn lại thi trắc nghiệm theo ma trận nên cũng không sợ đề khó hay dễ.
Đến thời điểm này, chắc chắn Bộ đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau phù hợp với diễn tiến của dịch bệnh, kể cả trường hợp xấu nhất.
Nhưng có thể khẳng định, chưa thể bỏ kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 như đã phân tích.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hai-ly-do-de-khong-to-chuc-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-nam-nay-post208117.gd
[2] //baochinhphu.vn/giao-duc/se-dam-bao-muc-tieu-day-hoc-va-muc-tieu-ky-thi/391412.vgp
[3] //news.zing.vn/tranh-cai-quanh-chuyen-thi-hay-khong-thi-thpt-quoc-gia-post1060476.html?fbclid=IwAR3b3ItZGa5c-EkKZ4-R6d3xjhpM1RDyf7dVifWtlQ8asPQoyPwLJ0jZAS0
[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phuong-an-nao-cho-ki-thi-quoc-gia-nam-nay-post207748.gd