Thầy đi thi, trò cũng đi thi, việc dạy và học cứ thế quay cuồng. Trước "vấn nạn" này, thầy Nguyễn Văn Lự, một thầy giáo ở Vĩnh Phúc và cũng là một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết về câu chuyện đi thi.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Xưa nay, đi thi hấp dẫn lạ kỳ, ai cũng quyết đem tất cả tâm sức, của cải và quan hệ để đạt sở nguyện. Kỳ thi nào cũng tưng bừng thành công và mãn ý. Việt Nam bây giờ lắm thi đến nỗi không mấy ai nhớ hết.
Từ thi người đẹp đến văn hóa, kỹ thuật; từ thi vào trường đến ra trường; thi tuyển dụng đến thi chọn lãnh đạo; thi riêng thi chung, thi giao lưu đến thi khu vực và quốc tế …Thành ra, người Việt, nhiều người chỉ đi học và thi, nhưng có khi không biết đem cái bằng nào ra dùng. Chưa có thống kê tin cậy, một đời cán bộ, viên chức của ta có bao nhiêu chứng chỉ, bằng cấp các loại?
Quốc gia nào cũng chọn hiền tài chủ yếu qua thi. Dùng hiền tài, đãi ngộ hiền tài thế nào để họ mang tri thức được chứng nhận phụng sự nhân dân, tổ quốc?
Hội chứng ôtô đi thi để đánh bóng tên tuổi trở thành mốt sống thời thượng của không ít người trong xã hội bằng cấp của ta. Người ta bỏ nhiều tiền để chống trượt thi Cao học, thi Chuyên viên chính, thi tuyển dụng công chức và tậu bằng cấp như mua đồ siêu thị.
Người ta dùng đủ cách để thành sao, giành vương miện, thành Nhất, Nhì, Vô địch…Chỉ khổ cho cánh thi thật, đi thi cố cho đỗ nhưng rồi ngớ ra không biết đỗ để làm gì. Thành thử, “người đi tớ cũng đi”(Tú Xương), thành phong trào thi rồi lại thi quanh năm suốt tháng.
Nhiều người chỉ đi học và thi, nhưng có khi không biết đem cái bằng nào ra dùng (Ảnh minh họa: Internet) |
Sự khác biệt lớn giữa Viêt Nam và các nước phát triển, trong khi chúng ta quá coi trọng tấm bằng chứng nhận thì họ chỉ đề cao năng lực làm việc, trong khi chúng ta dành tất cả đi thi lấy bằng được tấm bằng, càng nhiều, càng cao càng danh giá thì họ chỉ đi thi khi nào cần thiết.
Tư tưởng có vẫn hơn không như vết dầu loang trong tư duy của người Việt có thể làm kiệt quệ kinh tế gia đình và quốc khố nhà nước. Giảng dạy phổ thông cần gì bằng cao học; làm cán bộ cơ sở cần gì trình độ cao học quản lý; cán bộ, chuyên viên cần gì trình độ Tiến sĩ…
Cái chuyên môn chính của anh dùng hàng ngày chưa thuộc chưa giỏi nói chi đến trình độ cao siêu chuyên ngành! Giá có phương thuốc tẩy u mê thì tốt biết bao. Loạn thi, loạn bằng cấp ở ta đã đến mức nguy cơ như bong bóng sắp vỡ.
Không thể bỏ, bởi lẽ, kỳ thi nào cũng đầy đủ mục đích, ý nghĩa và được tổ chức bề ngoài rất hoành tráng, nghiêm túc và đúng quy chế (chỉ người trong cuộc mới hiểu). Ví thử, chỉ cần nghiêm minh và chuẩn xác 50%, giá trị của chứng chỉ, bằng cấp sẽ tăng 200%, đất nước sẽ phát triển bền vững, một người làm việc bằng 5 bằng 10 người.
Hàng nghìn Thạc sĩ, Tiến sĩ nhờ tiền để qua môn điều kiện Ngoại ngữ và chỉ một người không biết: ông pháp luật. Chứng cứ không có đâu, đừng tin có thật! Chỉ cần hội đồng kiểm định độc lập, nghiêm túc khi sát hạch, kiểm tra ngẫu nhiên là ra vấn đề.
Chúng ta tự hào có huy chương quốc tế Toán, Hóa, Lý, Sinh…Tốn hàng triệu USD, đào tạo, bồi dưỡng để làm đẹp bảng vàng thành tích quốc gia. Chủ nhân những tấm Huy chương đang ở đâu? Có 12/13 nhà Vô địch Olimpia và nhiều em du học bằng ngân sách Chính phủ bằng lòng ở lại giúp nước họ phát triển.
Chúng ta đang vất vả tuyển chọn hạt giống tốt nhất từ cấp 1 đến cấp 3 để đào tạo nhân tài cho đất nước! Chúng ta miệt mài tổ chức nhiều kỳ thi tốn công tốn sức và tiền của nhưng chưa có người tài đức chiêu hiền, đãi sĩ.
Không ít cuộc thi vô bổ và phản cảm bị cộng đồng lên án. Người ta không ngại ngần sử dụng nhiều chiến thuật quân xanh quân đỏ, thuê thầy rước chuyên gia và dùng tiểu xảo để đạt thành tích và bằng cấp.
Không ít các kỳ thi trong nhiều lĩnh vực đang mất dần giá trị thực; các tấm bằng, chứng chỉ thật 100% nhưng chỉ có giá trị thông hành quan lộ hoặc trang trí cho oai.
Chúng ta không chỉ quy lỗi do cơ chế chính sách mà chính những người có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đã không làm tốt, không hoàn thành sứ mệnh của mình.
Chấn chỉnh và hành động ngay làm trong sạch các kỳ thi là điều cấp thiết để nguyên khí quốc gia hưng thịnh cho dân giàu nước mạnh.
Một kỳ thi đang được nhân dân, thầy cô giáo và học sinh cả nước mong đợi và hy vọng sắp diễn ra. Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có phải “bình mới, rượu cũ”?
Câu trả lời tùy thuộc vào tôi, các bạn và những người trong cuộc còn ở phía trước. Giáo dục Cách mạng 70 năm qua đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử làm rạng danh đất nước, trong đó có sự đóng góp của phong trào sôi nổi và rộng khắp của các cuộc thi.
Bao giờ giấc mơ về thi nghiêm túc và thực chất, khách quan, công bằng thành hiện thực? Bao giờ không còn những kỳ thi đúng Quy chế nhưng thành vô nghĩa? Và đến bao giờ dân ta từ bỏ ảo mộng khoa cử, từ bỏ nỗi khổ học và thi theo tinh thần thi rồi lại thi?