Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh sử dụng tài khoản cá nhân đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, xem, sửa) thông tin của mình trên hệ thống.
Từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7 thí sinh xét tuyển đại học năm 2024 sẽ đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Các chuyên gia lưu ý thí sinh cần đưa ra “chiến thuật” hợp lý để có thể tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học.
Nắm chắc kế hoạch chung và tuân thủ đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chia sẻ, trong đăng ký xét tuyển, thí sinh cần lưu ý trước tiên là tuân thủ đúng quy định và kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trên đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh; thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định tại cổng thông tin của cơ sở đào tạo; tất cả các nguyện vọng của thí sinh bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cũng theo thầy Hiếu, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cũng cần lưu ý những điểm sau:
Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, xem, sửa) thông tin của thí sinh trên hệ thống. Đồng thời, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia (nội dung hướng dẫn đăng tải tại hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia).
Đồng thời, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển. Nếu nguyện vọng 1 thí sinh đã trúng tuyển vào trường mình đăng ký thì các nguyện vọng sau đó sẽ không xét được nữa.
Cuối cùng, thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo, nếu đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống để được xét tuyển theo quy định.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương gửi lời khuyên tới các em thí sinh nên lưu ý ưu tiên lựa chọn ngành nghề dựa trên các yếu tố như: sở thích, nguyện vọng cá nhân, tính ưu việt của ngành nghề mình chọn, xu hướng công việc trong tương lai,...
Đặc biệt, các em học sinh nên có thao tác biết cách so sánh điểm trúng tuyển giữa các ngành, các trường mà mình lựa chọn của những năm học trước đó. Đồng thời, thí sinh cần tìm hiểu, nghiên cứu các chương trình/ngành học đã trúng tuyển sớm từ trước để quyết định đăng ký trên hệ thống được phù hợp.
Từ việc đề ra các tiêu chí trên, các em hãy đưa ra một danh sách những ngành học muốn đăng ký và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sở thích, nguyện vọng và tương quan với mức điểm các năm trước.
Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chạy dữ liệu xét tuyển theo thứ tự thí sinh sắp xếp và dừng lại ở nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Vì vậy, các em phải tự sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự từ mức độ yêu thích, quan tâm nhất là những nguyện vọng ở đầu, và giảm dần theo mức độ sở thích hoặc tương quan của mức điểm trúng tuyển của năm ngoái.
Đáng chú ý, việc đăng ký xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có một vài trường hợp thí sinh hiểu nhầm rằng khi tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện vào một trường đại học sẽ không thể đăng ký xét tuyển vào các trường đại học khác, song, thông tin này hoàn toàn là sai lệch.
Thí sinh có thể tự do đăng ký xét tuyển sớm vào các trường đại học khác nhau và chỉ khi thí sinh đăng ký, sắp xếp các nguyện vọng của mình trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đó mới là lúc các em phải đưa ra quyết định về chương trình ngành học và ngôi trường mà mình muốn theo học.
Nếu thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm và muốn theo học chương trình đó, thì có thể ưu tiên đặt nguyện vọng này lên đầu. Trong trường hợp thí sinh muốn đăng ký các nguyện vọng khác, các em hoàn toàn có thể sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của bản thân.
Chiến thuật sắp xếp nguyện vọng "top đầu", "top trung" và "chốt chặn"
Chia sẻ về cách sắp xếp nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển, thầy Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, phương án tuyển sinh năm 2024 vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định như các năm vừa qua, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Việc đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển và có thể điều chỉnh không giới hạn số lần trong thời gian cho phép là một chính sách nhằm tăng tối đa cơ hội trúng tuyển cho các em.
Đối với các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm, nếu các em vẫn mong muốn chọn ngành được xét tuyển sớm để theo học, để chắc chắn cơ hội trúng tuyển vào đại học, khi đăng ký lên hệ thống thí sinh nên đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1.
Đối với thí sinh chưa đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào bất cứ một ngành nào hoặc đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành mình chưa mong muốn, để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học thí sinh cần tìm hiểu kỹ Đề án tuyển sinh của các trường; so sánh kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của mình với điểm trúng tuyển của các ngành dự định đăng ký và cũng nên so sánh phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 với các năm trước để có những nhận định ban đầu làm cơ sở khi đăng ký.
Khi đăng ký, thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng, như vậy sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Các em nên đặt những nguyện vọng mình kỳ vọng trúng tuyển lên trên (chú ý nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thí sinh cũng nên đề ra chiến lược, chiến thuật đăng ký phù hợp, không nên tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào một top những ngành/trường có mức độ cạnh tranh quá cao, điều này tìm ẩn nhiều rủi ro và giảm cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh.
Các em nên căn cứ năng lực của mình chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung, phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn rất nhiều, giảm thiểu rủi ro hết mức có thể.
Còn đối với thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành mình chưa mong muốn thì sau những nguyện vọng đã đặt phía trên, nên đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở cuối để làm phương án "chốt chặn".
Theo thầy Hiếu, để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần hết sức lưu ý và thực hiện đúng theo quy định và kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh cần tìm hiểu, dựa vào năng lực của mình và đề ra chiến lược đăng ký phù hợp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển của mình. Đặc biệt với các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm, bắt buộc phải đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định để xử lý nguyện vọng và có kết quả trúng tuyển chính thức.
“Năm ngoái, đã có rất nhiều thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng lầm tưởng không đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn tới bị trượt oan. Khi đăng ký lên hệ thống, thí sinh cần phải thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn, xác nhận và nộp lệ phí theo đúng quy định.
Để trở thành sinh viên của trường đại học mình mong muốn, các em cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh, căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tự tin đặt những ngành học mong muốn là nguyện vọng cao (lưu ý nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất) vào trường”, thầy Hiếu chia sẻ.
Còn theo cô Vũ Thị Hiền, việc thí sinh lựa chọn đăng ký nhiều hay ít nguyện vọng hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, khả năng và mong muốn của thí sinh đó.
Đối với các thí sinh đăng ký ít nguyện vọng, việc này có thể giải thích là do các em có thể đã trúng tuyển có điều kiện các hình thức xét tuyển đại học sớm vào chuyên ngành mình mong muốn; hoặc thí sinh tự tin vào khả năng của bản thân mình với kết quả đạt được trong suốt quá trình học tập ở bậc phổ thông cũng như điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vì vậy, thí sinh có thể chỉ cần lựa chọn một hoặc một vài nguyện vọng duy nhất để đáp ứng điều kiện trúng tuyển là hoàn toàn có căn cứ. Hiện nay, hầu hết các trường xét tuyển sớm ở tất cả các chương trình, đa phần thí sinh giỏi và xuất sắc đều đã trúng tuyển.
Mặt khác, thí sinh cũng có thể lựa chọn đăng ký ít nguyện vọng xét tuyển vì trước đó các em đã có định hướng phát triển phù hợp với mong muốn của cá nhân. Từ đó, thí sinh có thể tập trung trọng tâm các nguyện vọng vào đúng ngành mà bản thân muốn theo học.
Việc này có thể đảm bảo khả năng được học đúng ngành mà mình mong muốn, tránh việc chọn sai ngành học, gây ảnh hưởng đến định hướng tương lai của cá nhân.
Tuy nhiên, việc đăng ký nhiều nguyện vọng của thí sinh cũng có thể được giải thích bởi nhiều lý do khác nhau như sau. Thứ nhất, các bạn học sinh trung học phổ thông năng động có thể phát triển được ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, khi đăng ký nhiều nguyện vọng học tập, các em đang có mong muốn mở rộng khả năng trúng tuyển của bản thân ở tất cả các ngành mà bản thân có thể vào học. Qua đó, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội an toàn hơn để lựa chọn được môi trường học tập phù hợp nhất với bản thân.
Thứ hai, các em thí sinh có thể do chưa có được cái nhìn bao quát về ngành học, lĩnh vực học tập và chưa có đủ sự tư vấn cần thiết từ phía phụ huynh và giáo viên về các ngành nghề, cơ sở đào tạo. Vì vậy, các em sẽ có xu hướng đăng ký quá nhiều nguyện vọng khác nhau với mong muốn có thể đảm bảo khả năng trúng tuyển của mình, nhưng điều này cũng có thể dẫn đến sự lãng phí, không cần thiết.
Thấu hiểu tâm tư của các em học sinh trung học phổ thông, hàng năm, nhiều trường đại học luôn mở nhóm trao đổi trên trang nền tảng xã hội hoặc buổi chương trình hướng nghiệp với đội ngũ các thầy cô, chuyên viên tư vấn và các bạn sinh viên ưu tú của các trường.
Điều này giúp đáp ứng mong muốn cho học sinh có được cái nhìn cụ thể về các ngành học và phương thức xét tuyển của cơ sở đào tạo. Từ đó các em có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp với bản thân trong kỳ thi xét tuyển đại học này.
Cùng bàn luận về vấn đề này, một chuyên gia về tuyển sinh đại học từ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khi sắp xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng cũng tương tự như việc mình lựa chọn ngành nghề. Các bạn thí sinh cần lưu ý 3 cạnh của "tam giác" để lựa chọn nghề nghiệp là: sự yêu thích, năng lực bản thân và nhu cầu nguồn nhân lực trong xã hội.
Ngoài ra, học sinh cũng cần chú ý đến các yếu tố khác như vị trí địa lý của trường mình sẽ theo học, mức tài chính cần thiết so với khả năng của bản thân và gia đình, mong muốn và định hướng của cá nhân và người thân,… khi đã chọn được ngành và tiến tới việc chọn trường.
Về cách đặt nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển, các thí sinh cần lưu ý không chọn quá nhiều (sẽ thừa và lãng phí) hoặc quá ít nguyện vọng (vì cơ hội trúng tuyển không cao), mà nên chọn ở mức độ vừa phải khoảng 5-6 nguyện vọng.
Thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng là ngành và trường mình mong muốn được học nhất (khi đã cân nhắc kĩ các yếu tố kể trên), sau đó sắp xếp giảm dần mức độ mong muốn được học cho các ngành và trường ở các thứ tự nguyện vọng tiếp theo.
Đối với thí sinh mong muốn trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, các em cần lưu ý: Đối với phương thức xét tuyển sớm, khi thí sinh đã nhận được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành thật sự yêu thích và mong muốn học thì cần đặt lên nguyện vọng đầu tiên để đảm bảo chắc chắn trúng tuyển.
Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em nên lưu ý một số ngành gần và có mức điểm trúng tuyển trong 2-3 năm trở lại đây mà phù hợp với điểm số mình đạt được hiện tại. Để tăng khả năng trúng tuyển cao nhất thì học sinh nên trừ hao khoảng 1,5 - 2 điểm. Sau khi đã xác định được ngành theo cách trên thì cần đăng ký ngành học ở thứ tự nguyện vọng hợp lý.