Trường ĐH "mách" thí sinh cách đặt nguyện vọng để gia tăng cơ hội trúng tuyển

17/07/2024 06:10
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Để tránh xảy ra sai sót không đáng có khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần nắm chắc quy chế tuyển sinh, quy trình xét tuyển trước khi đặt nguyện vọng.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7 tới đây sẽ là thời gian để thí sinh xét tuyển đại học năm 2024 đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Với các phương thức tuyển sinh đa dạng, thí sinh có rất nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, các thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh bỏ lỡ cơ hội vào đại học theo đúng nguyện vọng mà mình mong muốn.

Nghiên cứu kỹ tránh sai sót

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân chia sẻ, thông thường khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ có 1 số sai sót cơ bản như:

Thứ nhất, thí sinh không thực hiện hết các thao tác, thông tin đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống. Thí sinh cần lưu ý phải điền đúng và đầy đủ thông tin, tránh sai sót ảnh hưởng kết quả trúng tuyển sau này.

Thứ hai, việc đăng ký quá ít nguyện vọng dẫn đến cơ hội trúng tuyển có thể xảy ra rủi ro bởi điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào số chỉ tiêu và số thí sinh đăng ký xét tuyển, điều này hoàn toàn khó nắm bắt một cách chính xác. Do vậy, thí sinh cần đăng ký nhiều hơn 3 nguyện vọng để giảm rủi ro, tuy nhiên, không nhất thiết phải đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

Cuối cùng, một lỗi sai mà thí sinh nên tránh đó là nhập sai mã trường, tên trường, thí sinh cần đảm bảo rằng đã nhập đúng mã trường khi thực hiện các bước đăng ký để tránh xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: website nhà trường.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: website nhà trường.

Cũng theo thầy Hải, thí sinh đăng ký nguyện vọng nên ưu tiên nguyện vọng 1 là ngành/trường mà thí sinh yêu thích nhất, nếu nguyện vọng 1 thí sinh đã trúng tuyển vào trường mình đăng ký thì các nguyện vọng sau đó sẽ "vô hiệu". Chỉ khi nào nguyện vọng 1 không trúng thì mới xét tuyển tiếp đến các nguyện vọng kế tiếp.

Cùng bàn về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trước thì các nguyện vọng sau sẽ không được xét nữa. Khi đó các em không thể chọn nguyện vọng khác ngoài nguyện vọng đã trúng tuyển dù có đủ điểm xét tuyển của các nguyện vọng sau. Vì thế, thí sinh cần lưu ý sắp xếp thứ tự nguyện vọng 1 là ngành/trường yêu thích nhất.

Bên cạnh đó, đối với những thí sinh đã được trường thông báo trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, nếu không đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có thể trượt vì trúng tuyển sớm là trúng tuyển có điều kiện, chưa được xem là trúng tuyển chính thức.

Ngoài ra, nếu thí sinh được cộng điểm ưu tiên, thí sinh cần kiểm tra kỹ lại các thông tin để đảm bảo tính chính xác trong quá trình xét tuyển.

Còn theo Thạc sĩ Đoàn Thị Hương Thủy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, một số sai sót trong khi đặt nguyện vọng mà thí sinh cần lưu ý là thí sinh không thực hiện hết các thao tác và điền đầy đủ thông tin đăng ký xét tuyển trên hệ thống bởi nếu thực hiện không đúng và đủ theo các bước thì hệ thống sẽ không ghi nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh.

Bên cạnh đó, sau khi đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng, từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.

Một lưu ý nữa mà các bạn thí sinh cần chú ý là đối với những ngành/trường thí sinh yêu thích thì nên ưu tiên đặt nguyện vọng ở trên vì thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trước, thì các nguyện vọng sau sẽ không được xét nữa. Đồng thời, khi đặt nguyện vọng cũng nên lựa chọn những ngành và trường phù hợp với năng lực của mình.

Chiến thuật sắp xếp nguyện vọng

Chia sẻ về cách thức sắp xếp nguyện vọng một cách hiệu quả trong tuyển sinh đại học, theo thầy Hải, thí sinh cần lưu ý những điểm cơ bản như xác định các ngành học yêu thích và danh mục các trường có đào tạo ngành học đó để xác định thứ tự nguyện vọng cho bản thân. Nguyện vọng 1 là ngành học, trường học mà thí sinh yêu thích nhất.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần xem thông báo mức điểm xét tuyển của các ngành và trường học mong muốn, đồng thời, tham khảo đề án tuyển sinh của trường để biết được mức điểm trúng tuyển các năm trước và số chỉ tiêu xét tuyển năm 2024 cũng như tìm hiểu các tiêu chí phụ của trường nếu có.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần chọn ngành trước và danh mục các trường đào tạo ngành theo thứ tự nguyện vọng 1 đến các nguyện vọng sau. Các em nên chọn ít nhất từ 3 nguyện vọng ở 3 trường khác nhau để gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường

Cùng chia sẻ về cách sắp xếp nguyện vọng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7 năm 2024, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển hoàn toàn trực tuyến, trên hệ thống quản lý thí sinh http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/ hoặc trên cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng vào các cơ sở đào tạo, các ngành khác nhau.

Thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Khi thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, thì các nguyện vọng sau không được xét nữa.

Ngoài ra, đối với thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng, từ ngày 22/7/2024 đến 17 giờ ngày 31/7/2024, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên hệ thống (những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học).

Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hoặc cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác để các trường xét tuyển, nếu trúng tuyển thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.

Cũng theo thầy Phi Anh, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được phép đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét không giới hạn số lần trên hệ thống.

Như vậy, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành trong cùng một trường hoặc đăng ký vào các trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.

Bên cạnh đó, các em cần tham khảo điểm chuẩn vào các ngành thuộc các cơ sở đào tạo mà thí sinh mong muốn đăng ký dự tuyển trong những năm gần đây và đối sánh với điểm thi trung học phổ thông của mình, từ đó có cơ sở cân nhắc, sắp xếp, đăng ký nguyện vọng phù hợp.

Đối với thí sinh đã được công bố đủ điều kiện trúng tuyển trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông theo phương thức xét tuyển sớm vào một hoặc nhiều ngành thuộc các cơ sở đào tạo, thí sinh nên đăng ký ít nhất một nguyện vọng vào ngành đã được công bố đủ điều kiện trúng tuyển trên hệ thống để được xét tuyển theo quy định và đảm bảo trúng tuyển trong trường hợp các nguyện vọng phía trước không trúng tuyển.

Đồng quan điểm, theo cô Thủy, đối với các bạn đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, nếu thí sinh thật sự yêu thích ngành và trường đó thì nên đặt nguyện vọng 1, bởi trúng tuyển sớm là trúng tuyển có điều kiện, để có thể trở thành tân sinh viên của trường, thí sinh cần đặt nguyện vọng trên hệ thống và thực hiện đầy đủ thao tác thì sẽ chắc chắn cơ hội trúng tuyển.

Thu Trang