Thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất

15/03/2024 09:51
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngày 15/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 15/3, tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2024, với sự tham gia của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trong cả nước, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ban ngành có liên quan.

Đến tham dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, kết quả tuyển sinh năm 2023 có 546.686 thí sinh trúng tuyển đã thực hiện việc nhập học tại các trường trong cả nước, đạt tỷ lệ 82,45% tổng chỉ tiêu đại học và cao đẳng mầm non.

Tính từ năm 2020 cho đến nay, số thí sinh trúng tuyển đã thực hiện việc nhập học đều tăng theo từng năm. Trong khi năm 2020 chỉ có 460.160 thí sinh thì sang đến năm 2023 đã có 546.686 thí sinh.

Có 203/322 cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ thí sinh nhập học đạt từ 80% trở lên so với chỉ tiêu.

Trong danh sách các địa phương có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, Bình Dương là địa phương đạt tỷ lệ cao nhất, với 80,61%. Sau đó là Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thừa Thiên Huế.

gdvn_vutruongThuThuyHUB.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu (ảnh: V.D)

Ở chiều ngược lại, tỉnh Sơn La là địa phương có số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học thấp nhất, đạt tỷ lệ 25,79%. Kế đó là Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn và Điện Biên.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (49,45%). Kế đó là phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông rồi mới tới nhiều phương thức xét tuyển còn lại.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, các thí sinh vẫn còn gặp một số sai sót ưu tiên trong quá trình đăng ký xét tuyển, như sai sót khu vực hay đối tượng ưu tiên (khai sai thông tin, điểm tiếp nhận rà soát chưa kỹ), đăng ký xét tuyển không đúng thời gian quy định, chọn không đúng nguồn dữ liệu xét tuyển.

Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy nói, các cơ sở đào tạo cần lưu ý đến việc các cơ sở đào tạo không cập nhật dữ liệu, báo cáo không không đầy đủ kịp thời, không chính xác. Một số trường không tham gia vào hệ thống, xét tuyển vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu, không đưa việc đăng ký xét tuyển vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa và kết quả xét tuyển các chương trình này lên hệ thống.

gdvn_hoinghituyensinh2024.jpg
Toàn cảnh Hội nghị tuyển sinh năm 2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 15/3 (ảnh: V.D)

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác tuyển sinh năm 2024 sẽ cơ bản vẫn giữ ổn định. Thí sinh trong năm nay dự kiến sẽ có 15 ngày để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Dự kiến hạn chót là 17h ngày 18/8, thí sinh phải hoàn thành việc xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1, và từ tháng 9 đến tháng 12/2024 sẽ dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo.

Đối với công tác tuyển sinh năm 2025, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy cho biết rằng sẽ cơ bản vẫn giữ ổn định. Theo đó, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghệ công nghiệp, Công nghệ nông nghiệp), Ngoại ngữ.

Việt Dũng