Thi tuyển sinh 10: Có nơi học sinh chờ 70 phút mới phát đề, quá mệt mỏi!

11/06/2023 06:32
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những môn thi, kể từ khi thí sinh bước vào phòng thi theo quy định cho đến khi nhận đề thi để làm bài, các em phải ngồi chờ đợi đến 70 phút.

Kỳ thi tuyển sinh 10 đã và đang diễn ra ở gần hết các địa phương trong khoảng 2 tuần đầu tiên của tháng 6 trong thời tiết nắng nóng, nhất là thời điểm đầu giờ chiều. Vì thế, thí sinh vào phòng thi không đơn thuần chỉ có áp lực làm bài, nóng nực mà ngay cả thời gian ngồi chờ đợi thời điểm phát đề thi cũng khá mệt mỏi.

Tham khảo lịch thi của nhiều địa phương cũng như trực tiếp chứng kiến quá trình thi cử ở một số hội đồng thi tuyển sinh 10, người viết nhận thấy thời gian chờ đợi phát đề của thí sinh có nơi chưa thực sự hợp lý, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm thế làm bài của thí sinh.

Có những môn thi, kể từ khi thí sinh bước vào phòng thi theo quy định cho đến khi nhận đề thi phải ngồi chờ đợi đến 70 phút. Hơn 1 giờ đồng hồ ngồi không trong phòng thi chờ đợi như vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh khiến cho nhiều em cảm thấy uể oải, mệt mỏi.

Bởi, nếu tính cả thời gian chờ đợi, làm bài, nộp bài, có môn thí sinh phải ngồi trong phòng thi khoảng 4 giờ đồng hồ liên tục trong một buổi. Rõ ràng, đây là một áp lực không hề nhỏ cho những học sinh đang ở tuổi 15 tham dự kỳ thi có sự cạnh tranh trực tiếp để có 1 suất vào lớp 10 công lập.

Lịch thi của thành phố Cần Thơ khá hợp lý (Ảnh: H.M.)

Lịch thi của thành phố Cần Thơ khá hợp lý (Ảnh: H.M.)

Có môn thi, thí sinh phải ngồi chờ đợi 70 phút mới được phát đề thi

Trước khi tiến hành tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10, các sở giáo dục sẽ thông báo cụ thể những mốc thời gian thi của từng buổi thi.

Chẳng hạn như ở Cần Thơ yêu cầu buổi sáng thí sinh sẽ có mặt ở phòng thi lúc 7 giờ 00; 7 giờ 25 sẽ phát đề và 7 giờ 30 sẽ tính giờ làm bài. Buổi chiều, thí sinh có mặt lúc 13 giờ 30, phát đề tại phòng thi lúc 13 giờ 55 và thời gian tính giờ làm bài từ lúc 14 giờ 00.

Nếu sắp xếp thời gian như thế này tương đối hợp lý vì thí sinh không phải chờ đợi quá lâu trong phòng thi.

Tuy nhiên, có rất nhiều địa phương yêu cầu buổi sáng thí sinh có mặt ở phòng thi lúc 7 giờ 00 nhưng mãi đến 7 giờ 55 mới phát đề tại phòng thi, 8 giờ 00 mới tính thời gian làm bài.

Buổi chiều, thí sinh có mặt làm thủ tục vào phòng thi lúc 13 giờ 00, thời gian phát đề lúc 13 giờ 55 và tính thời gian làm bài lúc 14 giờ 00. Như vậy, thí sinh phải ngồi trong phòng thi chờ đợi 55 phút.

Học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh chờ đợi thời gian phát đề 55 phút (Ảnh: H.M)

Học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh chờ đợi thời gian phát đề 55 phút (Ảnh: H.M)

Cá biệt, có những địa phương yêu cầu thí sinh thi môn chuyên có mặt tại phòng thi lúc 13 giờ 00 nhưng mãi đến 14 giờ 10 mới phát đề cho thí sinh. Thời gian tính giờ làm bài lúc 14 giờ 15. Thời gian làm bài môn chuyên là 150 phút nên mãi 16 giờ 45 mới đến thời gian thu bài.

Việc thu bài tuyển sinh 10, nhất là những môn chuyên thường rất chậm bởi thí sinh làm bài khá nhiều tờ nên giám thị phải cẩn thận kiểm tra thông tin thí sinh, số báo danh, số tờ của từng bài thi.

Chính vì thế, phần nhiều các phòng thi chuyên sẽ hoàn tất lúc 17 giờ 00 và phải khi nào giám thị thực hiện xong việc thu bài cả phòng thì thí sinh mới được ra về.

Như vậy, thí sinh phải ngồi 4 giờ liên tục trong phòng thi với rất nhiều áp lực nên đây sẽ là khoảng thời gian không hề dễ chịu, nhất là lúc chờ đợi phát đề thi theo quy định. Bởi, trong phòng thi gần như các thí sinh hoàn toàn xa lạ với nhau vì các em đến từ nhiều trường Trung học cơ sở.

Hơn nữa, trong phòng thi- dù chưa đến thời gian làm bài thì các em cũng gần như không được trao đổi qua lại. Vì thế, lặng lẹ ngồi chờ từ 55 phút- 70 phút, giám thị- thí sinh ngồi nhìn nhau như vậy là một áp lực khá lớn cho thí sinh và ngay cả với giám thị, nhất là những thầy cô làm giám thị 2.

Điều chỉnh ngắn bớt thời gian chờ đợi được không?

Những tháng vừa qua, chúng ta đã thấy học sinh lớp 9 căng mình để học tập, ôn luyện nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10. Mệt mỏi, áp lực là điều không tránh khỏi với các thí sinh. Nhưng, các em đã luôn cố gắng vì bản thân, vì sự kỳ vọng của gia đình mình…

Bước vào phòng thi, tâm lý chung là các em hồi hộp, áp lực vì kiến thức lớp 9 khá nặng, có những môn như Ngữ văn với gần 20 tác phẩm văn học và còn phải học cả kiến thức tiếng Việt từ lớp 6 đến lớp 9 nên không phải em nào cũng thoải mái, tự tin.

Ngồi chờ đợi trên dưới 1 giờ trong áp lực như vậy càng tạo cho các em lo lắng và mệt mỏi hơn, nhất là thời tiết mùa hè, không phải phòng thi nào cũng được bố trí quạt mát đầy đủ và bao quát hết cả phòng.

Vì thế, lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương cũng cần lưu ý những điều tưởng chừng rất nhỏ như thế này để điều chỉnh mốc thời gian trong từng buổi thi nhằm tạo cho thí sinh có một tâm lý tốt nhất và đảm bảo sức khỏe cho các em.

Thông thường, kỳ thi kéo dài trong phạm vi khoảng 4-5 buổi vì một buổi phổ biến nội quy, 3 buổi thi, những em thi môn chuyên thì phải 4 buổi thi nên khá căng thẳng bởi những ngày cận ngày thi thường là những ngày ôn thi cao điểm của thí sinh.

Ngồi trong phòng thi, chờ đợi đến 70 phút mới được phát đề thi, thời gian thi kéo dài thêm 150 phút nữa. Rồi thời gian thu bài, thời gian đến trước giờ thi…đến người lớn còn áp lực chứ đừng nói học sinh lớp 9.

Học sinh thi môn chuyên ở An Giang chờ đợi thời gian phát đề 70 phút (Ảnh: phụ huynh cung cấp)

Học sinh thi môn chuyên ở An Giang chờ đợi thời gian phát đề 70 phút (Ảnh: phụ huynh cung cấp)

Các em tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 cũng đồng nghĩa là đầu đến điểm thi nên “lạ nước lạ cái”. Thời gian ngồi trong phòng thi dài như vậy, có những em muốn đi vệ sinh cũng là điều khó khăn vì không đơn thuần ra là mất thời gian làm bài mà còn có sự giám sát của giám thị.

Có những trường Trung học phổ thông xây dựng lâu năm nên nhà vệ sinh không bố trí theo từng dãy tầng học mà bố trí thành một khu riêng nên việc đi lại, tìm nhà vệ sinh cũng là cả một vấn đề.

Hơn nữa, ngồi chờ đợi như vậy sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, giảm đi sự hưng phấn của thí sinh, nhất là buổi chiều vì nhiều em xa trường phải ra khỏi nhà đến điểm thi từ lúc hơn 12 giờ trưa nên việc ngồi không chờ đợi suốt cả tiếng đồng hồ như vậy là một áp lực khá lớn.

Ngay cả với những thầy cô được phân công làm giám thị cũng áp lực vì giám thị 2 cũng phải vào cùng thời điểm với thí sinh, thậm chí còn phải vào trước để ghi số báo danh và làm những thủ tục cần thiết ở hội đồng thi.

Trong khi, thi tuyển sinh thì bao giờ cũng được yêu cầu giám thị hạn chế đi lại trong phòng để không làm ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh. Vì thế, họ cũng gần như phải ngồi một chỗ mấy tiếng đồng hồ ròng rã.

Nếu làm việc, thời gian sẽ qua nhanh, nhưng việc giám thị ngồi gác thi mấy tiếng đồng hồ vào thời điểm chiều cũng mệt mỏi, căng thẳng không kém gì thí sinh.

Vì thế, thay vì thí sinh phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ như một số địa phương đang thực hiện ở những năm qua, cũng như kỳ thi năm nay đã và đang diễn ra thì các sở giáo dục cần nghiên cứu điều chỉnh thời gian chờ đợi hợp lý cho các kỳ thi ở các năm tiếp theo.

Ví dụ, buổi sáng thí sinh tập trung vào phòng thi lúc 7 giờ 00 thì 10 phút sau, hội đồng thi sẽ mở đề tại hội đồng, 7 giờ 25 phát đề tại phòng thi; buổi chiều thí sinh vào phòng thi lúc 13 giờ 30, 13 giờ 55 phát đề tại phòng thi là hợp lý nhất.

Thời gian chờ đợi bao giờ cũng dài đằng đẳng, mệt mỏi bởi kỳ thi tuyển sinh 10 luôn căng thẳng với thí sinh thì việc chờ đợi thời gian phát đề quá lâu càng khiến cho thí sinh căng thẳng thêm.

Một khi thí sinh phải chờ đợi nhiều như vậy dẫn đến tâm thế làm bài cũng mai một ít nhiều, nhất là khi thí sinh thi môn Ngữ văn, môn thi cần nhiều cảm xúc, sự lạc quan và tâm hồn thư thái.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI