Thiếu bằng thạc sỹ phải xuống hạng II, nhiều giáo viên THCS hạng I bức xúc

24/10/2021 07:00
Trần Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với những bất cập về điều kiện, tiêu chuẩn, cụ thể là quy định về trình độ thạc sĩ đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I đã khiến cho nhiều giáo viên bức xúc.

Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm thông tư ngày 02/02/2021, Bộ đã gửi dự thảo thông tư đến tất cả các địa phương để góp ý.

Điều mà đa số nhà giáo đều hy vọng là sau khi thông tư chính thức có hiệu lực thì đời sống của đội ngũ giáo viên sẽ được cải thiện, uy tín được nâng lên phù hợp với với sự đóng góp của mỗi người.

Tuy nhiên, với những bất cập về điều kiện, tiêu chuẩn, cụ thể là quy định về trình độ thạc sĩ đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I đã khiến cho nhiều giáo viên bức xúc, thất vọng.

Cả quãng đời cống hiến

Nhà giáo Tr. M.H (Hà Nội) cho biết, thầy công tác đã 37 năm. Năm 2004 thầy tham gia thi và đạt trong kỳ thi nâng ngạch lên giáo viên trung học cao cấp. Thời ấy, đây là danh hiệu và ngạch cao nhất của giáo viên phổ thông.

Sau khi Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BGD ra đời, thầy được chuyển đổi mã số, chức danh nghề nghiệp sang giáo viên trung học cơ sở hạng I.

Trong quá trình công tác của mình, thầy liên tục được Sở Giáo dục triệu tập tham gia làm thành viên ban giám khảo trong hội giảng giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10, từng là chủ tịch hội đồng chấm thi tốt nghiệp trung học cơ sở, là giáo viên cốt cán của Bộ về triển khai sách giáo khoa mới…

Thầy có gần 20 năm làm hiệu trưởng nhưng nay sắp về hưu, không có bằng thạc sĩ nên sẽ bị rớt xuống hạng II. Trong khi nhiều người chưa có đóng góp gì mấy nhưng vì có bằng thạc sĩ nên được giữ hạng.

Là một cán bộ quản lý nên thầy không cho phép mình thể hiện nỗi bức xúc của bản thân trước tập thể hay trên mạng xã hội. Nhưng theo thầy nếu những bất cập này không được khắc phục thì sẽ khiến cho nhiều giáo viên bị rớt hạng không có động lực phấn đấu trong công tác.

Ảnh minh hoạ: Baodantoc.vn

Ảnh minh hoạ: Baodantoc.vn

Cô giáo Ng.H.Ng (Đà Nẵng) cho hay, cô cũng là giáo viên trung học cao cấp chuyển sang. Thời đó giáo viên cấp trung học phổ thông nếu có trình độ thạc sĩ sẽ được chuyển sang ngạch giáo viên trung học cao cấp mà không phải thi nâng ngạch.

Còn giáo viên cốt cán cấp trung học (trung học cơ sở, trung học phổ thông) nếu đạt trình độ đại học, có chứng chỉ ngoại ngữ C thì mới được xét duyệt để tham gia kỳ thi do Bộ Giáo dục tổ chức.

Vì vậy phần lớn giáo viên ở ngạch giáo viên trung học cao cấp là những người có năng lực chuyên môn tiêu biểu, được đồng nghiệp và cơ sở giáo dục công nhận.

Tuy nhiên, cũng như thầy H., cô Ng. sẽ xuống hạng II vì chưa có trình độ thạc sĩ. Cô Ng. cho biết bản thân mình đã 7 lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng chục bằng khen, giấy khen của các cấp, là giáo viên cốt cán của ngành liên tục từ trước đến nay nhưng chỉ vì tiêu chuẩn mới về trình độ mà hạ thấp hạng giáo viên thì quả là không công bằng.

Những người sắp về hưu như thầy H., cô Ng. thì việc chuyển sang một mã số, chức danh nghề nghiệp mới tương đương không có nhiều ý nghĩa về chế độ tiền lương, nhưng cái mà họ mong muốn đó là sự ghi nhận về những cống hiến, năng lực chuyên môn từ cơ quan chủ quản của ngành giáo dục.

Tốn kém, lãng phí về thời gian, tiền của

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên từ hạng II lên hạng I đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Mục đích của kỳ thi này là nhằm để đánh giá, lựa chọn được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của chức danh giáo viên hạng I các cấp học trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT).

Qua đó, cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I và có kế hoạch quản lý, sử dụng, thực hiện các quyền lợi cho đội ngũ này; khắc phục những bất hợp lý về cơ cấu chức danh nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý viên chức.

Đồng thời động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Để tham gia kỳ thi thăng hạng này, nhiều địa phương đã tiến hành rà soát, lựa chọn rất kĩ căn cứ trên nhiệm vụ, tiêu chuẩn theo Thông tư 22/2015-TTLT-BGDĐT-BNV. Một số tỉnh thành không có thí sinh dự thi như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đắk Nông, Kon Tum, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

Thầy Ng. V. S (Phú Yên) cho biết, để tham gia kỳ thi này, thầy và một số đồng nghiệp phải ra tận Quảng Nam để học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I vì các trường đại học ở khu vực miền trung không mở do không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Hai tháng đi về giữa Quảng Nam - Phú Yên, thầy cũng đã hoàn thành xong chương trình chức danh nghề nghiệp hạng I và tham gia kỳ thi thăng hạng do Bộ Giáo dục tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Trải qua những ngày thi vô cùng căng thẳng, vất vả, niềm vui vỡ òa khi biết tin mình đạt trong một kỳ thi với trên 30% thí sinh thi hỏng.

Tuy nhiên với việc áp dụng việc chuyển đổi sang mã số mới, thầy và những người không có trình độ thạc sĩ sẽ phải xuống hạng, điều mà thầy và nhiều đồng nghiệp không bao giờ nghĩ tới.

Nhiều giáo viên trung học cơ sở hạng I cho rằng khi xây dựng chế độ chính sách về mã số, chức danh nghề nghiệp theo thông tư mới, Bộ Giáo dục quá đặt nặng về bằng cấp mà không tính đến những thiệt thòi của đối tượng này. Điều đó đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục đã phủ nhận những kết quả của các kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng trước đây do chính mình tổ chức.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn quan điểm của tác giả.

Trần Vinh