Thông thường các viện trực thuộc trường đại học sẽ có 2 chức năng là nghiên cứu khoa học và đào tạo. Một số viện được sáp nhập, chuyển từ khoa lên viện. Trong khi đó, tại một số trường đại học thì viện lại được cơ cấu, tổ chức lại từ trung tâm nghiên cứu.
Mặc dù có 2 nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học nhưng hầu hết các viện trực thuộc trường đại học hiện nay mới chỉ làm tốt chức năng đào tạo. Ngược lại chức năng nghiên cứu khoa học vẫn còn gặp khó khăn cả về đề tài, nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện.
Khác với nhiều viện trực thuộc khác, Viện Biến đổi khí hậu của Trường Đại học An Giang không làm nhiệm vụ đào tạo mà chỉ tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Dẫu vậy, viện vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Nhẫn Tánh nhận quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu. (Ảnh: Website Viện Biến đổi khí hậu) |
Tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trần Nhẫn Tánh, Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu cho hay: Viện Biến đổi khí hậu thành lập ngày 19/01/2022 trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, trực thuộc Trường Đại học An Giang.
Viện là nơi tổ chức thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển nông thôn, môi trường, biến đổi khí hậu nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, Viện Biến đổi khí hậu có 8 nghiên cứu/dự án đang triển khai, 4 nghiên cứu/ dự án đang viết báo cáo hoàn thành và 6 nghiên cứu/dự án đang tham gia với các đơn vị khác.
Trong đó, có những đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng trực tiếp giúp bà con nông dân thích ứng với lũ và cải thiện môi trường theo hướng thuận tự nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP.
Có thể kể đến đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình canh tác lúa mùa chịu ngập sâu ở điều kiện xả lũ trong vụ thu đông nhằm khôi phục hệ sinh thái đất đai và nguồn lợi thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh An Giang. Hay đề tài đánh giá đặc tính nông học và chất lượng của bộ giống/dòng lúa mùa (Oryza sativa L.) để thành lập tập đoàn gen giống lúa, nhằm tạo ra nguồn vật liệu chọn giống để hình thành các nghiên cứu sâu hơn về giống lúa chịu ngập tại vùng thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long.
Viện Biến đổi khí hậu thử nghiệm mô hình lúa mùa chịu ngập vụ thu đông. (Ảnh: Nhật vật cung cấp) |
Bên cạnh đó, viện cũng thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế như đề tài “Nghiên cứu đồng bằng” được tài trợ bởi The UK Research and Innovation (UKRI) Global Challenges Research Fund (GCRF) và những nghiên cứu khác liên quan đến môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thiếu kinh phí cơ bản, khó giữ chân nhà khoa học
Thực tế hiện nay khó khăn chung mà các viện trực thuộc trường đại học gặp phải là “bí” về đề tài nghiên cứu khoa học, thiếu hụt tài chính và nhân lực - người có thể đeo bám được với mảng nghiên cứu lâu dài. Nhiều viện để duy trì hoạt động cần đi đấu thầu, tìm kiếm các đề tài nghiên cứu. Chia sẻ về vấn đề này tại Viện Biến đổi khí hậu, Thạc sĩ Lê Thanh Phong, Phó Viện trưởng cho hay:
“Ở Viện Biến đổi khí hậu không bị bí đề tài nghiên cứu mà gặp tình trạng không đủ kinh phí để thu hút nhân lực chuyên sâu thực hiện. Cụ thể, để thực hiện một đề tài/dự án cần nguồn nhân lực chuyên môn thường xuyên bám sát thực địa thì mới có thể làm được.
Tuy nhiên, do thu nhập thấp và bối cảnh tự chủ tài chính, viện không đủ kinh phí thể giữ chân được những chuyên viên có thể hỗ trợ việc nghiên cứu chuyên sâu.
Bên cạnh đó, việc thanh toán đề tài/dự án sau khi hoàn thiện là một khó khăn đối với người nghiên cứu. Khi các thủ tục nhiều và phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung nghiên cứu và có thể làm giảm sự hứng thú trong nghiên cứu”, Thạc sĩ Lê Thanh Phong cho hay.
Thạc sĩ Lê Thanh Phong, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học An Giang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ngoài ra, với những đề tài được cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước thì áp lực về kết quả của đề tài thường khá lớn, thậm chí có những nghiên cứu, phải mang tính dài hạn, rủi ro cao thì ít nhà khoa học dám mạo hiểm xin kinh phí để thực hiện.
“Khi nghiên cứu về giống lúa thường phải mất từ 5 năm trở lên mới tạo ra giống lúa ổn định và có thể đưa vào ứng dụng thực tế. Nhưng hiện nay ít có những loại dự án cho phép làm nghiên cứu lâu như vậy.
Để đơn vị tồn tại cần phải thực hiện cả nhiệm vụ được nhận lương và thực hiện các hoạt động dự án mang về. Điều này tạo áp lực rất lớn cho người nghiên cứu.
Ví dụ năm 2018, viện nghiên cứu thành công giống lúa mùa nổi Nàng Tây Đùm để ứng dụng tại vùng ngập lũ An Giang và Long An. Đây là kết quả việc vận dụng sự hỗ trợ của nguồn kinh phí từ nghiên cứu mang về và kinh phí được cấp (đề tài cơ sở), mỗi nghiên cứu "góp" một chút để chi cho hoạt động chọn giống này trong 5 năm (2013-2018)”, thầy Phong thông tin.
Để nghiên cứu, phát triển một giống lúa cần thời gian rất dài. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
Về việc hợp tác để thu hút nguồn thu từ các doanh nghiệp, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu cho biết thêm, hiện nay nhiệm vụ chủ yếu của viện là làm nghiên cứu liên quan đến chính sách và nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu thì khó có được các tài trợ lớn từ doanh nghiệp. Chính vì thế, nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp không đáng kể.
Thu nhập thấp, nhiều nhà nghiên cứu phải từ bỏ đam mê
Theo thầy Phong, một thực tế đáng buồn hiện nay là, lương và nguồn thu từ nghiên cứu khiến nhiều nhà khoa học không đủ sống. Vì thế, dù có là đam mê, hoài bão một số nhà khoa học cũng đành chấp nhận từ bỏ.
“Khi mà lương không đủ sống thì nhà khoa học cũng phải ưu tiên cho gia đình mà tìm kế mưu sinh khác. Tại Viện Biến đổi khí hậu cũng đã có một số trường hợp rời đi vì nhiều lý do, nhưng thu nhập là yếu tố chính”, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu khẳng định.
Một đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng được thường mất thời gian dài nên đòi hỏi người thực hiện phải đủ sự kiên trì.
“Hiện nay, viện đang kết hợp với một số đơn vị nghiên cứu trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tổ chức nghiên cứu từ phía Nhật Bản để phát triển dự án về lúa thích ứng biến đổi khí hậu để xây dựng đề cương dự án sử dụng vốn ODA. Điều đó để thấy rằng, việc hình thành một dự án nghiên cứu không hề đơn giản”, thầy Phong cho biết thêm.
Từ thực tế đó, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu kiến nghị, nhà nước cấp tài chính để các viện nghiên cứu đảm bảo cơ bản về lương, phần còn lại thì các nhà nghiên cứu có thể thu hút thêm từ các nguồn đề tài/dự án. Nguồn lương này chính là động lực ban đầu để các nhà nghiên cứu bám trụ lại tại đơn vị nghiên cứu và nuôi dưỡng đội ngũ hỗ trợ.
Cán bộ địa phương tham quan mô hình sử dụng lúa chịu ngập để xả lũ. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
“Thực tế, khi thu nhập quá thấp thì tương lai số người tham gia nghiên cứu khoa học sẽ giảm xuống, thậm chí không còn thiết tha với nghề. Sinh viên khi nhìn vào hoàn cảnh đó cũng không có động lực dấn thân vào nghiên cứu.
Do đó, nhà nước cần có thêm nhiều chính sách để khuyến khích nếu không nước ta sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Ví dụ trong ngành nông nghiệp, trừ cây lúa thì nhiều loại cây trồng khác như: cây ăn trái, rau màu chúng ta thường lấy giống nước ngoài về trồng. Trong khi các nhà khoa học Việt Nam có đủ khả năng nghiên cứu ra sản phẩm”, thầy Phong kiến nghị.
Cũng theo thầy Phong, điểm yếu của các nhà khoa học chính là thiếu kỹ năng liên quan đến kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đôi khi các nghiên cứu hoàn thành có thể bị người khác sử dụng, lấy ý tưởng mà chưa xin phép. Do đó, thầy Phong cho rằng, khi kết quả nghiên cứu có thể thương mại thì nhà nước nên hỗ trợ người nghiên cứu có bản quyền sở hữu trí tuệ. Sau đó, có thể chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu ấy để thu lại kinh phí nghiên cứu, giúp tăng nguồn thu cho đơn vị.