Nghiên cứu khoa học là hoạt động tìm hiểu, quan sát, thí nghiệm, phân tích… dựa trên những số liệu, dữ liệu và tài liệu thu thập được nhằm phát hiện ra bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng, tìm ra những kiến thức mới hoặc tìm ra những ứng dụng kỹ thuật mới, mô hình mới có ý nghĩa thực tiễn.
Nghiên cứu khoa học hay phương pháp nghiên cứu khoa học được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng nhằm rèn luyện kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu và phát huy cao khả năng tự học.
Từ đó, tạo dựng môi trường lành mạnh, sân chơi bổ ích kích thích tinh thần sáng tạo của sinh viên.
Đã có không ít các trường đại học đã tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiên cứu khoa học nhằm khuyến khích sinh viên tham gia vào hoạt động này.
Nghiên cứu khoa học không chỉ dành cho nhà khoa học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Phương Thảo, giảng viên chính Bộ môn Ngôn ngữ - Truyền thông, Trợ lý Khoa học và Sau đại học Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Nghiên cứu khoa học, vấn đề này mới nghe đã không ít người nhầm tưởng đó chỉ là công việc của các nhà khoa học.
Nhưng trong 20 năm trở lại đây, hoạt động này đã trở thành mối quan tâm lớn của các bạn sinh viên, hình thành nên một phong trào sôi nổi: phong trào “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.
Và có tiếp xúc, làm quen với nghiên cứu khoa học, chúng ta mới thấy đây thực sự là một hoạt động thiết thực, hữu ích”.
Khoa Việt Nam học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. (Ảnh của Khoa Việt Nam học) |
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đỗ Phương Thảo chia sẻ thêm: “Việc lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học nói chung đều phát hiện ra vấn đề mới, khai thác và làm sống dậy chúng, cùng với đó thể hiện tính đặc thù của chuyên ngành theo học.
Ví dụ, với đặc thù của ngành Việt Nam học, việc lựa chọn đề tài cũng sẽ có ý nghĩa riêng.
Với chuyên ngành Văn hóa thường nổi bật với 2 hướng chọn đề tài: Một là những báo cáo đi theo hướng khai thác sâu, làm sống dậy những nét đẹp về văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện đặc thù của chuyên ngành.
Hai là đi tìm hiểu những vấn đề của văn hóa đương đại, đặc biệt là biến đổi văn hóa, bảo tồn và phục dựng văn hóa truyền thống hay vấn đề của phong cách sống hiện đại.
Với chuyên ngành Địa lý - Du lịch sẽ có 2 hướng tiêu biểu: nghiên cứu Địa lý- Kinh tế hoặc nghiên cứu về Du lịch.
Bên cạnh đó, với các đề tài chuyên ngành Ngôn ngữ - Truyền thông hay khoa học Giáo dục đều nhằm đưa ra giải pháp khắc phục tồn đọng”.
"Nỗi sợ nghiên cứu" ngăn cản tinh thần cầu tiến, vượt ngưỡng an toàn của sinh viên
Khi bắt tay thực hiện một bài báo cáo khoa học, sinh viên phải xác định chính xác các phương pháp nghiên cứu cần thiết dựa trên đối tượng nghiên cứu cụ thể, điều này kích thích sự vận động, tìm tòi, sự vận dụng toàn bộ kiến thức được học với khả năng nắm bắt thực tiễn.
Bên cạnh những sinh viên hăng hái, nhiệt tình dấn thân, thử sức lĩnh vực mới vẫn còn có sinh viên rụt rè, ngần ngại không muốn hoặc tham gia hời hợt với hoạt động này.
Chính từ thái độ đó, hình thành “nỗi sợ vô hình” mang tên tham gia nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Đỗ Phương Thảo, giảng viên chính Bộ môn Ngôn ngữ - Truyền thông, Trợ lý Khoa học và Sau đại học Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh của Khoa Việt Nam học) |
Khi được phóng viên hỏi về lý do sinh viên “ngần ngại” tham gia nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Đỗ Phương Thảo cho biết:
“Trước tiên phải kể đến công tác tuyên truyền, truyền cảm hứng làm nghiên cứu khoa học với sinh viên còn hạn chế, chưa thực sự có nhiều chính sách đãi ngộ, trợ cấp đặc biệt cho sinh viên làm nghiên cứu nên chưa thu hút được đa số sinh viên tham gia.
Bên cạnh những sinh viên có thái độ, tinh thần tích cực vẫn còn có những bạn sinh viên chưa vượt lên được sức ỳ của chính bản thân, gặp khó khăn là bỏ, không có kế hoạch dài hơi, nước đến chân không kịp nhảy nữa thì đổ lỗi cho thời gian.
Một số bạn có những suy nghĩ rất thực tế: Nghiên cứu khoa học không phục vụ gì cho nghề nghiệp trong tương lai, có làm nghiên cứu khoa học cũng không thay đổi được tấm bằng tốt nghiệp.
Sự “tỉnh táo” này của các bạn đã làm thui chột đi niềm đam mê và hứng thú cần có đối với người làm khoa học.
Có nhiều bạn gặp khó khăn về đề tài, về cách giải quyết vấn đề, cách điều tra, khảo sát,… nhưng lại ngại liên lạc với người hướng dẫn để tìm cách giải quyết”.
Như vậy, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, những điều này cũng đều ngăn cản tinh thần cầu tiến, vượt ngưỡng an toàn của sinh viên.
Nghiên cứu làm hoàn thiện và phong phú thêm các tri thức khoa học
Thực tế cho thấy nghiên cứu khoa học là cả một quá trình làm việc xâu chuỗi, sắp xếp công việc đòi hỏi chính xác, kiên trì, tỉ mẩn, đòi hỏi người làm nghiên cứu trau chuốt từng câu chữ, nghiêm túc trong từng công đoạn.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.
Nghiên cứu khoa học có mục tiêu chủ yếu đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mang tính học thuật hoặc thực tiễn, làm hoàn thiện và phong phú thêm các tri thức khoa học, đưa ra các câu trả lời để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
Từ đó, nghiên cứu khoa học làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của người đọc, thuyết phục người đọc tin vào bản chất khoa học và kết quả thực nghiệm nhằm đưa người đọc đến quyết định và hành động phù hợp để cải thiện tình hình của các vấn đề đặt ra theo chiều hướng tốt hơn.
Để có một báo cáo khoa học chất lượng, Tiến sĩ Đỗ Phương Thảo chia sẻ: “Ngay từ khâu chọn đề tài đã quyết định đến 30% chất lượng của một đề tài nghiên cứu.
Do đề tài nghiên cứu là phần tiếp cận đầu tiên với người đọc, cần đảm bảo cung cấp thông tin, kiến thức về đề tài.
Từ đó xác định: Lý do chọn đề tài; đối tượng và phạm vi nghiên cứu cần khoanh vùng phạm vi nghiên cứu rộng/hẹp cho phù hợp; mục tiêu và mục đích nghiên cứu hướng đến; phương pháp lựa chọn nghiên cứu và ý nghĩa khoa học, giá trị thực tiễn của đề tài có đóng góp như thế nào với thực tế vấn đề nghiên cứu.
Về nội dung, đảm bảo được 3 chương lớn bao gồm: Những lý luận cơ bản của đề tài; thực tiễn nội dung và đề xuất giải pháp của đề tài nhằm khắc phục những vấn đề tồn đọng của các khách thể/ đối tượng nghiên cứu; kết luận và kiến nghị (Đưa ra các giải pháp, khuyến nghị hay đề xuất hướng phát triển của đề tài).
Cuối cùng về cách trình bày báo cáo nghiên cứu khoa học, tùy thuộc vào từng đơn vị giáo dục khác nhau mà quy chuẩn trình bày đề tài nghiên cứu sẽ có sự thay đổi.
Tuy nhiên, có một vài lưu ý như trình bày sạch sẽ, dễ nhìn; không tẩy xóa, bôi màu; hình ảnh bảng biểu, biểu đồ rõ ràng, chính xác; không tự ý gạch chân các từ, cụm từ; không sử dụng thanh tiêu đề cho toàn bộ bài nghiên cứu.
Trình bày rõ ràng danh mục tài liệu nghiên cứu theo bảng chữ cái. Nếu trong bài nghiên cứu sử dụng nhiều hình ảnh, bảng biểu, bảng số liệu, bảng hỏi, phiếu khảo sát hay các phương trình, hệ phương trình nên trình bày các hình ảnh, bảng số liệu,… trong phụ lục theo thứ tự xuất hiện của chúng trên phần nội dung.
Đặc biệt, người làm nghiên cứu khoa học cần có những đức tính quý báu như: cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì, nghiêm túc, chính xác, trung thực, khách quan…”
Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuy chưa hỗ trợ kinh phí cho sinh viên tham gia làm nghiên cứu khoa học nhưng đã có các chính sách khuyến khích học tập như quyền lợi được xét tuyển thẳng lên học trình độ Thạc sĩ dành cho những sinh viên đạt giải Nhất, Nhì, Ba nghiên cứu khoa học cấp trường.
Cùng với đó là chính sách quản lý sát sao hơn của Nhà trường trong việc công nhận tên đề tài, tên sinh viên thực hiện và tên giáo viên hướng dẫn ngay từ khi sinh viên đăng ký đề tài.
Theo Tiến sĩ Đỗ Phương Thảo, để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh nhằm thu hút sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học thì nhà trường cần quan tâm và đầu tư thích đáng hơn cho hoạt động này.
Trong những năm học tiếp theo, trường cần tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất giúp các bạn hiểu được tầm quan trọng, tính ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu khoa học cũng như ý nghĩa của việc làm nghiên cứu trong quá trình học tập và làm việc trong tương lai.
Đối với các sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên khi hoàn thành, cần được sửa chữa để trở thành những báo cáo tốt, có thể gửi đăng trên một số tờ báo hoặc tạp chí chuyên ngành nhằm nâng cao tính ứng dụng của các sản phẩm khoa học, đồng thời tạo động lực khuyến khích, thu hút nhiều sinh viên tham gia hơn nữa.
Ngoài ra, nhà trường nên hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ trong quá trình nghiên cứu khoa học hay đưa ra quyền lợi đặc cách cho sinh viên tham gia làm báo cáo như cộng điểm rèn luyện, điểm học tập… cũng sẽ thúc đẩy tinh thần tích cực tham gia của sinh viên.