Viện thuộc trường đại học: Có nhiều thuận lợi nhưng cũng vô vàn khó khăn

02/10/2023 06:36
Nhật Lệ
GDVN- Các viện trực thuộc trường đại học thường có 2 chức năng là nghiên cứu và đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các viện mới chỉ làm tốt chức năng đào tạo.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay có nhiều viện được thành lập trực thuộc các trường đại học. Ngoài đào tạo, viện còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Để tìm hiểu về mô hình hoạt động của viện, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với lãnh đạo một số cơ cơ sở giáo dục đại học có viện trực thuộc.

Thông tin với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Lao động - Xã hội cho hay, nhà trường từng có đề án thành lập viện nghiên cứu. Tuy nhiên, viện chưa kịp thành lập thì đề án đã bị hủy bỏ. Theo thầy Hà, có 2 khó khăn lớn nhất khi thành lập viện trực thuộc trường đại học, đó là: Các đơn vị chưa hoàn toàn tự chủ tài chính thì không được thành lập viện và vướng mắc về nguồn kinh phí duy trì.

"Để có nguồn kinh phí duy trì thì viện phải tự đi đấu thầu tìm kiếm các đề tài nghiên cứu và những nghiên cứu này cần đảm bảo giá trị nhất định, phải được sử dụng và chuyển giao công nghệ", thầy Hà nhận định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Lao động - Xã hội. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Lao động - Xã hội. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Bên cạnh đó, đối với các ngành nghề thuộc viện cần có giấy phép thì viện phải chứng minh được năng lực. Trong đó có yêu cầu về đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao, cơ sở vật chất...

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp cho biết: “Muốn đăng ký các ngành nghề cần có giấy phép khi thành lập viện thì phải chứng minh năng lực nhất định. Ví dụ như Viện Quản lý đất đai và Phát triển Nông thôn hoạt động về đo đạc bản đồ thì bắt buộc phải có giấy phép đo đạc của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam do Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp. Viện cũng cần phải có đầy đủ năng lực cả về nhân sự và máy móc thiết bị”.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp. (Ảnh: Website nhà trường)

Tiến sĩ Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp. (Ảnh: Website nhà trường)

Chức năng nghiên cứu khoa học của viện bị hạn chế

Thông thường các viện trực thuộc trường đại học sẽ có 2 chức năng là nghiên cứu và đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam hầu hết các viện mới chỉ làm tốt chức năng đào tạo, còn chức năng nghiên cứu khoa học còn hạn chế.

Trước thực tế này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Chỉ có những viện về lĩnh vực công nghệ thì hoạt động nghiên cứu khoa học mới hiệu quả và đem lại nguồn thu. Còn các viện thuộc khối trường kinh tế hiện đa phần chú trọng vào hoạt động đào tạo, còn hoạt động nghiên cứu chủ yếu là phục vụ cho sinh viên nâng cao kỹ năng, trao đổi giảng viên với nước ngoài để nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên.... nên không tạo ra nguồn thu trực tiếp.

Bên cạnh đó, đối với các viện mới thành lập thì việc phải đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học sẽ gặp khó khăn vì phải chứng minh năng lực. Khi ấy, viện bắt buộc phải liên doanh, liên kết với các đơn vị có năng lực bên ngoài mới đủ điều kiện triển khai.

Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa thu hút được giảng viên tham gia. Tại Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Trung cho hay:

“Viện có số lượng giảng viên tiến sĩ chiếm tỷ lệ khá cao. Đây đều là những giảng viên có rất nhiều ý tưởng nghiên cứu hay nhưng bị giới hạn vì ngân sách cho việc nghiên cứu rất thấp. Do đó, nếu viện muốn nghiên cứu thì phải tự trả tiền cho các đề tài.

Tuy nhiên đề tài lại khoán theo sản phẩm và phải chứng minh cụ thể các hoạt động nghiên cứu mới được trả phí. Trong đó, mức phí chi trả bình quân/ngày cho việc nghiên cứu cũng rất thấp. Vì thế, mức hỗ trợ này không đủ để khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu. Bởi thực tế giảng viên đi giảng tính theo giờ mức thu nhập cao hơn nhiều so với việc đi nghiên cứu”.

Đối với các viện có hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thì nguồn thu cũng không quá lớn. Chia sẻ về nguồn thu của hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Quản lý đất đai và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Bá Long - Viện trưởng thông tin:

“Ở viện ngoài đào tạo thì cũng triển khai dự án nghiên cứu và tư vấn cho các địa phương liên quan đến chức năng của viện như: quy hoạch, đo đạc, định giá đất... Thông thường, thời gian cho một đề tài nghiên cứu dao động khoảng 2-3 năm. Còn với các dự án thì thời gian sẽ theo yêu cầu của chủ đầu tư. Có những dự án ngắn hạn thì thời gian chỉ một vài tháng.

Trung bình nguồn thu của viện từ hoạt động nghiên cứu khoa học dao động khoảng 1 tỷ đồng/năm”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đối với Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Trung cho biết: Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đem lại nguồn thu cho viện là chuyển đổi số. Viện sẽ nghiên cứu trực tiếp công nghệ và chuyển giao cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tư vấn chuyển đổi công nghệ về kinh tế gắn liền với đào tạo ngắn hạn cho các doanh nghiệp cũng đem lại nguồn thu cho viện. Cụ thể, viện sẽ đưa ra những tư vấn về quản lý rủi ro, tư vấn liên quan đến quản trị mô hình phát triển,... Những tư vấn đó được triển khai theo gói bao gồm cả nghiên cứu và đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp. Nhờ vậy mà nguồn thu của Viện Đào tạo Quốc tế cũng ở mức khá tốt.

“Năm 2022, tổng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu và tư vấn của viện là 10,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ nghiên cứu công nghệ chuyển đổi số là 3,5 tỷ đồng. Nguồn thu từ hoạt động tư vấn về quản lý rủi ro, các nghiệp vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính, kiểm toán, kế toán là 4,5 tỷ đồng. Còn lại 2,5 tỷ đồng đến từ việc tư vấn đề tài nghiên cứu.

Năm 2023 theo thống kê của viện từ đầu năm đến nay nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và tư vấn hợp tác với các doanh nghiệp là 14 tỷ đồng”, thầy Trung cho biết thêm.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đem lại doanh thu cho Viện Đào tạo Quốc tế là hoạt động chuyển đổi số. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đem lại doanh thu cho Viện Đào tạo Quốc tế là hoạt động chuyển đổi số. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thuận lợi và khó khăn khi tự chủ tài chính

Trong bối cảnh tự chủ tài chính hiện nay, các viện đào tạo trực thuộc trường đại học cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung đối với Viện đào tạo Quốc tế có những thuận lợi phải kể đến như:

Thứ nhất, viện sẽ chủ động được các nguồn thu. Đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động đào tạo. Cụ thể, chương trình đào tạo của viện là chương trình của nước ngoài, đã được kiểm định thì được phép thu phí theo định mức kỹ thuật. Dù vậy nhưng Viện đào tạo Quốc tế cũng không tăng học phí.

Thứ hai, viện có thể chủ động tuyển thêm được nhiều nhân lực chất lượng cao mà không cần phụ thuộc vào nguồn biên chế. Đặc biệt nếu nhân lực là người nước ngoài hay Việt kiều thì càng có lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế.

“Nếu viện có đủ năng lực chi trả thì sẽ được tuyển dụng đa dạng hơn. Nhất là người nước ngoài hoặc Việt kiều, tức là tuyển dụng theo hợp đồng công việc không cần biên chế, viên chức.

Viện đào tạo Quốc tế nếu như tuyển được Việt kiều là những cán bộ sống ở nước ngoài sẽ là đầu mối rất tốt giúp cho hoạt động hợp tác quốc tế và trao đổi giảng viên đi nước ngoài hiệu quả hơn. Hoạt động này rất quan trọng giúp cho các giảng viên được trải nghiệm ở nước ngoài, nâng cao được năng lực nghiên cứu”, thầy Trung nhận định.

Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác quốc tế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác quốc tế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nói về những thuận lợi của việc tự chủ tài chính, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp khẳng định: Khi chuyển từ khoa sang viện thì ngoài giảng dạy còn có các hoạt động tư vấn dịch vụ, chuyển giao khoa học công nghệ. Điều này góp phần tạo ra nguồn thu nhập cũng như bổ sung kiến thức thực tế cho giảng viên, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Khi trường phát triển theo mô hình viện đào tạo và nghiên cứu sẽ giúp cho giảng viên có động lực tham gia vào các đề tài, dự án nghiên cứu. Nếu là khoa bình thường thì áp lực này không cao. Còn khi thành lập viện thì bắt buộc viện phải có hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Do đó lãnh đạo viện cũng cần chủ động khai thác các đề tài, dự án nhiều hơn.

Bên cạnh những thuận lợi trên thì việc tự chủ tài chính cũng đặt ra nhiều thách thức với các viện. Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khi tự chủ tài chính nếu viện không tuyển sinh được thì lập tức lương giảng viên sẽ bị giảm vì không có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí nhà nước.

“Như vậy viện sẽ khó giữ chân được giảng viên chất lượng cao. Hoạt động nghiên cứu của viện cũng sẽ yếu đi vì không có đội ngũ giảng viên giỏi. Tự chủ tài chính ở nước ta đâu đó còn chưa phù hợp vì tự chủ phải tự lo tiền lương giảng viên. Nhưng ở nước ngoài các trường công lập tự chủ tài chính nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ những trường có năng lực tốt, để trường đó phát triển mạnh mẽ hơn. Và từ đó trường có nguồn quỹ tốt nhất để phát triển, phục vụ sinh viên. Còn tự chủ tài chính ở Việt Nam rất khó để vừa chi trả lương cho giảng viên, vừa chia sẻ với người học, bởi vì phải phụ thuộc rất nhiều vào học phí của sinh viên", thầy Trung nhấn mạnh.

Nhật Lệ