Thời gian năm học còn ít, chỉ nên tập trung dạy và học chính khóa

09/03/2020 06:30
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Lãnh đạo ngành giáo dục ở các tỉnh cần cân nhắc giảm bớt, thậm chí là bỏ hẳn một số hoạt động phong trào trong những tháng còn lại của năm học.

Kể từ sau khi nước nhà thống nhất (1975) cho đến nay, có lẽ chưa bao giờ việc dạy và học ngành Giáo dục lại bị gián đoạn như năm học này. Nhiều trường đại học đã cho sinh viên nghỉ hết tháng 3 (nghỉ 2 tháng), nhiều cấp học phổ thông nghỉ đến đến hết ngày 15/3 (nghỉ 6 tuần).

Tuy nhiên, với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong những ngày gần đây thì hết thời gian này cũng chưa biết học sinh, sinh viên có còn phải nghỉ thêm nữa hay không. Hàng loạt kế hoạch bị đình trệ lại, các nhà trường, giáo viên, học sinh hoàn toàn bị động trong suốt những tuần qua.

Dịch bệnh khiến cho thời gian của năm học này còn rất ít (Ảnh minh họa: TTXVN).
Dịch bệnh khiến cho thời gian của năm học này còn rất ít (Ảnh minh họa: TTXVN).

Dịch bệnh đã khiến cho mọi kế hoạch bị đảo lộn

Nếu như mọi năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì học sinh, sinh viên cả nước bắt đầu bước vào học tập ngay. Những kế hoạch đã được ban hành từ đầu năm học cứ thế mà thực hiện. Vì thế, kế hoạch năm học được bảo đảm và phụ huynh cũng yên tâm đi làm.

Thế nhưng, đối với năm này thì hoàn toàn khác, qua Tết thì học sinh phổ thông phải nghỉ học 1 tuần, 2 tuần, 4 tuần rồi thậm chí cấp Trung học cơ sở trở xuống nghỉ đến 6 tuần. Nhiều kế hoạch, thông báo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở  Giáo dục vừa ban hành xong lại phải thu hồi lại để ra thông báo khác.

Thậm chí nhiều sinh viên đã lên đường để trở lại trường học tập đành phải bắt xe quay về vì nhà trường lại thông báo tiếp tục nghỉ học.

Chưa bao giờ những ngày cuối tuần lại có nhiều cảm xúc với học sinh và giáo viên như bây giờ. Nghỉ học nhiều quá khiến cho học sinh ngán cả chuyện ở nhà, nhiều em mong muốn được đi học trở lại vì ở nhà buồn quá.

Phụ huynh cũng hoàn toàn bị động và vất vả nhiều hơn trong việc quản lý con em mình ở nhà. Bởi, nghỉ học ở nhà nhiều quá khiến cho học sinh mải mê vào các trò chơi online trên điện thoại, máy tính. Trong khi, không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể sát sao với con em mình được.

Vì thế, con nghỉ học mà cha mẹ lại lo lắng. Thế nhưng, với tình hình dịch bệnh như thế này thì phụ huynh cũng chỉ biết tìm cách khắc phục chứ cho con đến trường vào thời điểm dịch bệnh thì cũng không thể nào yên tâm được.

Thời gian năm học còn ít, chỉ nên tập trung dạy và học chính khóa ảnh 2Ngành Giáo dục nên giảm bớt hoạt động tập thể sau kỳ nghỉ phòng tránh dịch bệnh

Đối với ngành Giáo dục của các địa phương cũng gần như hoàn toàn bị động. Những kế hoạch chữa cháy như dạy trên truyền hình, dạy trực tuyến được triển khai nhưng không phải trường nào cũng mang lại hiệu quả.

Trong khi, hàng loạt kế hoạch của ngành không thể triển khai được vì thầy và trò các trường học đều nghỉ. Khung thời gian năm học đều phải điều chỉnh lại và tất nhiên là khó khăn sẽ dồn lại phía sau.

Cho học sinh nghỉ học để tránh dịch bệnh thì yên tâm hơn đi học khi mà dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Nhưng, học sinh nghỉ nhiều quá thì mùa hè tới đây sẽ dồn ứ lại những kế hoạch trọng tâm của ngành.

Rất nhiều hội thi, kỳ thi, phong trào thường rơi vào thời điểm của học kỳ II  như hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, các hội giảng, thao giảng chuyên đề, các phong trào ngoại khóa…

Đặc biệt, mùa hè sẽ gắn liền với 2 kỳ thi quan trọng là thi Trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 10. Đi cùng các kỳ thi là việc tập huấn cho giáo viên để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vì thế, mùa hè năm nay thì ngành Giáo dục sẽ vất vả nhiều hơn và thời gian sẽ vô cùng cập rập. Nhất là những tỉnh miền Trung và miền Bắc thì mùa hè thường nắng nóng và cũng mưa bão nhiều.

Các kế hoạch của ngành đang phải tạm ngưng lại

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh (thành phố) đã thông báo tạm ngưng một số kỳ thi của học sinh như Thanh Hóa tạm ngưng kỳ thi học sinh giỏi Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 và lớp 12 cùng một số kỳ thi khác hoặc chuyển sang hình thức thi trực tuyến tại nhà.

Thời gian năm học còn ít, chỉ nên tập trung dạy và học chính khóa ảnh 3Các địa phương cần tính tới phương án xét tuyển lớp 10 trong năm nay

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cũng đã điều chỉnh lùi thời gian kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 chậm hơn gần 1 tháng so với kế hoạch ban đầu…

Và, có lẽ thời gian tới đây thì ngành Giáo dục của các địa phương còn phải điều chỉnh thời gian các cuộc thi, hội thi…nếu như vẫn muốn duy trì các hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước.

Tuy nhiên, với tình hình thực tế thì điều tốt hơn cả là các Sở Giáo dục cần tính toán tới việc bỏ hẳn một số cuộc thi, hội thi nhằm đảm bảo việc trọng tâm nhất là dạy hết chương trình chính khóa. Những hoạt động mà cảm thấy không cần thiết thì nên dừng lại hoặc chuyển sang một hình thức tổ chức khác.

Chẳng hạn, thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh của nhiều địa phương đã lên kế hoạch nhưng nên dừng hẳn lại vì phong trào này được tính cho giáo viên và cũng là hoạt động thường xuyên nên năm nay không tổ chức được thì năm sau tổ chức.

Kỳ thi tuyển sinh 10 cũng cần cân nhắc đối với những địa phương, những trường mà tỉ lệ chọi ít, tính cạnh tranh không cao thì tổ chức xét tuyển là phù hợp. Nó giảm áp lực cho cả thầy và trò mà cũng đảm bảo an toàn cho học sinh không phải ôn luyện và tham gia kỳ thi trong lúc đang có dịch bệnh.

Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở (lớp 9) thì thời điểm này cấp huyện đã tổ chức xong, chỉ còn cấp tỉnh là chưa tổ chức được. Nếu như địa phương nào mà tình hình dịch bệnh không xảy ra thì cả nên tổ chức vào cuối năm học, còn không thì công nhận giải cấp huyện cũng được rồi.

Thời điểm này cũng không có giáo viên, phụ huynh hay học sinh nào thiết tha với kỳ thi này và tất nhiên là họ cũng không trách móc gì. Hơn nữa, việc nghỉ học kéo dài như thế này thì việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cũng sẽ khó có chất lượng cao.

Khó khăn của năm học này thì chúng ta đều đã xác định được. Vì thế, lãnh đạo ngành Giáo dục ở các địa phương cần cân nhắc giảm bớt, thậm chí là bỏ hẳn các hoạt động phong trào trong những tháng còn lại của năm học.

Toàn ngành Giáo dục hãy tập trung thời gian còn lại cho hoạt động dạy và học chính khóa ở nhà trường được tốt nhất cũng là điều đáng trân quý lắm rồi.

NGUYỄN NGUYÊN