Hiện nay trong các trường học, ngoài việc dạy và học trên lớp thì hàng tuần nhà trường vẫn đang duy trì khá nhiều hình thức dự giờ thao giảng.
Một tiết dạy dự giờ (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại). |
Nào là thao giảng cấp tổ, cấp trường, cấp liên trường mà thường gọi là thao giảng cụm trường. Một lớp học chỉ vài chục em nhưng khi dự giờ phải có đến mấy chục thầy cô giáo đứng ngồi xung quanh lớp.
Đặc biệt là thao giảng cụm trường, vài ba trường đến chung một điểm để dự giờ một lớp rồi đánh giá, góp ý cho tiết dạy đó.
Khá nhiều giáo viên thắc mắc, chẳng biết trong giai đoạn này khi học trò đi học lại phòng giáo dục địa phương có tạm ngưng việc dự giờ ở các cụm trường? Các nhà trường có tạm ngưng việc hội giảng toàn trường hay không?
Sự cần thiết phải ngưng việc thao giảng dự giờ
Chia sẻ với người viết về việc dự giờ, một đồng nghiệp nói: “Mình thấy trong tình hình hiện tại, hãy đặt sức khỏe học sinh lên hàng đầu.
|
Việc làm cần thiết nhất lúc này là vừa dạy, vừa ôn tập cho các em sau một khoảng thời gian nghỉ khá dài (chắc chắn kiến thức các em đã rơi vãi).
Việc dự giờ trong tình thế này là không cần thiết.
Vì trong một tiết dạy hội giảng, giáo viên thường yêu cầu học sinh phải chuẩn bị rất nhiều thứ (rất mất thời gian của học sinh).
Đó là chưa kể đến khi dạy hội giảng có thêm cả vài chục giáo viên cùng dự làm cho phòng học trở nên ngột ngạt. Điều này hoàn toàn không phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại”.
Một giáo viên khác lại cho rằng: “Việc dự giờ lâu nay vốn diễn nhiều hơn dạy. Dự giờ cụm trường càng thể hiện nhiều hơn việc diễn, tập dượt trước. Thế nên người dự cũng chẳng thể học hỏi gì về phương pháp dạy của những thầy cô thể hiện.
Trong giai đoạn dịch bệnh thế này, việc tập trung đông người cũng không tốt. Hơn nữa nhà trường nên tập trung vào việc dạy, ôn tập cho học sinh là tốt nhất”.
Phải có chỉ đạo từ trên
|
Giáo viên thấy những bất cập của việc dự giờ lẽ nào Ban giám hiệu nhà trường không thấy?
Xin khẳng định rằng, chính Ban giám hiệu càng hiểu rõ hơn chuyện này.
Thế nhưng vì sao họ vẫn quyết thực hiện việc dự giờ?
Vì chính họ không dám làm trái quy định khi chưa có lệnh của cấp trên.
Xưa đến nay, trong môi trường giáo dục dù chúng tôi vẫn thường nghe nói những từ, cụm từ như giao quyền tự chủ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt…thế nhưng trong thực tế dù bất kể là việc lớn nhỏ thì các trường gần như chẳng dám tự quyết mà nhất nhất theo dự chỉ đạo của cấp trên.
Bởi thế, để việc dự giờ thao giảng sẽ ngưng trong giai đoạn học sinh sắp trở lại trường vẫn rất cần sự chỉ đạo triệt để từ Bộ hoặc Sở Giáo dục ở các địa phương.