Thông tin 3 công khai không đầy đủ, đại diện ĐH Y Hà Nội nói do yếu tố "đặc thù"

06/11/2023 06:42
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Phòng Hành chính Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, do một số hoạt động mang tính chất "đặc thù" của nên hiện tại chưa thể công bố thông tin ba công khai.

Tìm hiểu tại mục công khai thông tin cơ sở dữ liệu hằng năm của Trường Đại học Y Hà Nội có thể thấy đơn vị này cũng đã đăng tải thông tin ba công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Tuy nhiên, chỉ có dữ liệu của 3 năm học là 2020 - 2021; 2021 - 2022 và 2022 - 2023, các năm học trước đó không tìm thấy thông tin.

Ngoài ra, trong 3 năm học có thông tin ba công khai được công bố thì chỉ có 2 năm học được đăng tải đầy đủ dữ liệu thông tin theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT - BGDĐT. Theo đó, trong năm học 2022 - 2023 trường đại học này chỉ có thông tin công khai về cơ sở vật chất và công khai thông tin về tài chính.

Báo cáo 3 công khai yêu cầu quyền truy cập?

Đáng chú ý, tại giao diện chính về công khai thông tin năm học 2022 - 2023 của Trường Đại học Y Hà Nội vẫn hiển thị các đầu mục công khai về: Cam kết chất lượng đào tạo; Công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế; Công khai thông tin cơ sở vật chất; công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu và công khai về tài chính. Tuy nhiên, khi nhấn vào đường dẫn "xem chi tiết" thì trong giao diện của google driver chỉ hiển thị có 2 nội dung công khai như trên.

Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Cũng liên quan đến việc này, trong lần truy cập trước đó của phóng viên vào cuối tháng 9/2022 khi tiếp cận các báo cáo ba công khai của Trường Đại học Y Hà Nội nhấn vào đường dẫn "xem chi tiết" để xem cụ thể các nội dung công khai thì phóng viên lại nhận được hộp thoại yêu cầu phải có "quyền truy cập".

Nhấn tiếp vào "yêu cầu truy cập" phóng viên được gửi về thông báo của hệ thống về việc đã nhận được yêu cầu và chờ bộ phận quản lý đồng ý thì mới có thể xem được các nội dung.

Đáng nói, dù sau đó phóng viên đã truy cập nhiều lần và vào nhiều thời điểm khác nhau, tuy nhiên vẫn không thể tiếp cận được các báo cáo ba công khai nên trong ngày 26/9 phóng viên đã gửi phản ánh đến lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội.

Một ngày sau khi gửi phản ánh, phóng viên truy cập lại và nhận thấy hệ thống đã "mở dần" các thông tin. Đến ngày 1/10 thì các thông tin công khai của các năm đã được mở hết như hiện tại mà không cần phải "có quyền truy cập" như trước.

Các dữ liệu trong báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 của Trường Đại học Y Hà Nội có đầy đủ các đầu mục theo quy định. Ảnh chụp màn hình
Các dữ liệu trong báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 của Trường Đại học Y Hà Nội có đầy đủ các đầu mục theo quy định. Ảnh chụp màn hình
Năm học 2022-2023 chỉ có 2 đầu mục được đăng tải. Ảnh chụp màn hình

Năm học 2022-2023 chỉ có 2 đầu mục được đăng tải. Ảnh chụp màn hình

Tìm hiểu cụ thể về thông tin trong báo cáo 3 công khai trong năm học 2020 - 2021 có thể thấy, trường đại học này đào tạo 1.212 bác sĩ nội trú, 1.694 bác sĩ chuyên khoa 1, 702 bác sĩ chuyên khoa 2, 1.962 Thạc sĩ, 383 Tiến sĩ và 6.017 đại học chính quy.

Trong năm này cũng có báo cáo thống kê về sinh viên tốt nghiệp. Đáng chú ý, tại mục phân loại tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, trong năm học này không có sinh viên nào tốt nghiệp loại xuất sắc. Đối với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, các con số cũng khá thấp, dao động trong khoảng từ 1,1% đến 14,6%.

Đáng chú ý ở một số khối ngành như: Cử nhân Điều dưỡng; Cử nhân Điều dưỡng liên thông vừa làm vừa học và Bác sĩ Y học dự phòng văn bằng 2 tỷ lệ này cũng nằm ở mức 0%.

Ngoài ra, các ngành khác như: Bác sĩ Y học dự phòng có tỷ lệ 1,1%; Bác sĩ Y học cổ truyền có tỷ lệ 1,8% và Cử nhân Khúc xạ nhãn khoa có tỷ lệ 2%. Một số ngành khác có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt loại giỏi ở mức 2 con số như: Bác sĩ Y khoa có tỷ lệ 11,1%; Cử nhân Y tế công cộng là 10,3% và Cử nhân Dinh dưỡng là 14,6%.

Đối với loại khá, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt loại này giao động từ 11% đến 75%. Trong đó ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt có tỷ lệ sinh viên đạt cao nhất với 75,9%.

Tìm hiểu tiếp trong năm học 2021 - 2022, số liệu của trường đại học này công bố cho thấy quy mô đào tạo của năm này với 1.204 Bác sĩ nội trú, 2.203 bác sĩ chuyên khoa 1, 780 bác sĩ chuyên khoa 2, 1.201 Thạc sĩ, 358 Tiến sĩ và 6.149 đại học chính quy.

Đáng nói, phân loại tốt nghiệp (%) nhưng các số liệu trong bảng lại thống kế số liệu khá khó hiểu. Đơn cử, đối với loại khá, ngành Bác sĩ Y khoa có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 329%?

Ảnh chụp màn hình số liệu trong báo cáo.

Ảnh chụp màn hình số liệu trong báo cáo.

Phải có "quyền truy cập" có thể là "lỗi hệ thống"?

Liên quan đến các nội dung phóng viên phản ánh, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Y Hà Nội đã có những thông tin phản hồi.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về việc người xem muốn xem được các báo cáo ba công khai phải có "quyền truy cập" mới có thể tiếp cận được các thông tin, Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt - Trưởng phòng Hành chính Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, đó có thể là "lỗi hệ thống", vì các thông tin công khai luôn được nhà trường công bố rộng rãi.

Thông tin thêm về nguyên nhân khiến các nội dung trong báo cáo ba công khai của một số năm học chưa được đăng tải đầy đủ, vị này nhấn mạnh rằng do có một số hoạt động mang tính chất "đặc thù" của nhà trường nên chưa thể công bố thông tin đó lên mạng được.

Tiến sĩ Đạt cũng cho biết thêm: "Trong việc đăng tải thông tin của báo cáo ba công khai có một số hoạt động có thời gian kết thúc chênh so với thời gian của năm hành chính. Vì thế, có thể một số nội dung chưa được cập nhập kịp thời.

Sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thì phía nhà trường đã ghi nhận được bất cập này và đã có công văn gửi cho Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để báo cáo và thông tin cho đơn vị này được biết về những nội dung nói trên.

Có thể một số dữ liệu chưa được công khai nhưng nó liên quan đến yếu tố đặc thù hoạt động của nhà trường".

Trước đó, khi phóng viên vào xem các thông tin tại mục công khai dữ liệu hàng năm của nhà trường thì hệ thống yêu cầu quyền truy cập. Đại diện nhà trường lý giải đó có thể là do "lỗi hệ thống". Ảnh chụp màn hình

Trước đó, khi phóng viên vào xem các thông tin tại mục công khai dữ liệu hàng năm của nhà trường thì hệ thống yêu cầu quyền truy cập. Đại diện nhà trường lý giải đó có thể là do "lỗi hệ thống". Ảnh chụp màn hình

Phóng viên nêu thắc mắc, tại sao hoạt động ba công khai của nhà trường lại phải báo cáo trước với đại điện của Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi mới đăng tải? Về việc này, lãnh đạo Phòng Hành chính Trường Đại học Y Hà Nội lý giải rằng, văn bản báo cáo vừa đề cập chỉ là "văn bản để góp ý" cho dự thảo Thông tư thay thế cho thông tư 36".

"Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có dự thảo xin ý kiến, góp ý Thông tư thay thế cho thông tư 36/2017/TT - BGDĐT. Liên quan đến nội dung và cách thức, thời điểm công khai phía nhà trường thông qua đó để có những ý kiến góp ý.

Hiện tại, Thông tư 36 nó đang bao trùm cho tất cả các cơ sở giáo dục, trong đó có cả các trường phổ thông nữa. Thông thường các trường phổ thông sẽ có thời gian kết năm học vào tháng 5 thì có thể đến tháng 6 hằng năm họ đã sẵn sàng các số liệu để báo cáo. Nhưng đối với một số trường đại học có thể thời gian kết thúc muộn hơn, nhất là đối với hệ sau đại học nên việc đăng tải thông tin trong ba công khai cũng phải phụ thuộc vào điều này", Trưởng phòng Hành chính Trường Đại học Y Hà Nội cho hay.

Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt-Trưởng phòng Hành chính Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt-Trưởng phòng Hành chính Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Đối với nội dung liên quan đến phân loại tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, đặc biệt trong 2 năm học liên tiếp trường đại học này không có sinh viên nào tốt nghiệp loại xuất sắc, lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, với đặc thù của ngành Y thì việc này hoàn toàn dễ hiểu.

Theo đó, vị này nhấn mạnh: "Trong Y khoa thì có thể có một số ngành có thời gian đào tạo là khá dài và rất "khó". Khó ở đây là độ khó về chương trình học, nó cũng thể hiện ở việc điểm chuẩn đầu vào của các ngành thường rất cao.

Với chương trình học như vậy, cộng với thời gian học kéo dài nên việc sinh viên có thể lĩnh hội được kiến thức ở các môn học cũng tương đối khó khăn. Điều này làm cho số lượng sinh viên đạt mức điểm xuất sắc cũng sẽ rất thấp".

Cũng theo Tiến sĩ Đạt, việc nhà trường kiểm soát tỷ lệ học sinh đạt loại xuất sắc như vậy là điều tốt vì có thể đảm bảo được chất lượng của các bác sỹ tương lai.

"Không ai muốn khi mình đi khám chữa bệnh lại gặp phải bác sĩ không có trình độ cao cả. Và mục đích sau cùng chúng tôi cũng muốn hướng tới là chất lượng chứ không phải số lượng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường đại học khi công bố có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc rất nhiều, tuy nhiên kỹ năng thực sự của các sinh viên đó khi ra trường lại không tương xứng với điểm số mà họ đã được đánh giá.

Với Trường Đại học Y Hà Nội cũng vậy, có thể số lượng sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc không nhiều, tuy nhiên chất lượng đầu ra của nhà trường thì lại rất tốt", Tiến sĩ Đạt cho hay.

Trung Dũng