Thông tư 09 bỏ niêm yết công khai ở trường mầm non phù hợp xu thế chuyển đổi số

19/07/2024 06:27
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Với Thông tư 09, các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được chủ động, linh động hơn trong việc nêu chi tiết nội dung thông tin cần công khai.

Ngày 3 tháng 6 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư 09), thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 (Thông tư 36). Thông tư 098 có hiệu lực từ ngày 19/7/2024.

Theo đó, nhiều điểm mới đáng chú ý về công khai đối với cơ sở giáo dục mầm non tại Thông tư 09 được lãnh đạo một số phòng giáo dục và đào tạo trên cả nước đánh giá sẽ mang lại thuận lợi cho các nhà trường cũng như cơ quan quản lý.

Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cơ sở giáo dục mầm non

Một điểm mới đối với việc công khai hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non là mẫu Báo cáo thường niên theo Thông tư 09 chỉ quy định cơ sở giáo dục mầm non cần nêu các yêu cầu thông tin bắt buộc. Tiêu đề, thứ tự chương mục và hình thức trình bày thông tin do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm thể hiện rõ nội dung của thông tin theo yêu cầu chứ không bắt buộc phải làm theo bảng biểu cố định nào.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Thanh Vân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bày tỏ, nội dung các thông tin cần công khai của báo cáo thường niên tại Phụ lục 1, Thông tư 09 đã thể hiện rất đầy đủ những nội dung mà cơ sở giáo dục mầm non phải thực hiện.

Theo cô Vân, việc không làm theo một bảng biểu cố định sẽ tăng cường, nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non. Vì theo điểm mới này, các trường sẽ cần nghiên cứu câu từ, cách thức trình bày trong báo cáo công khai để xã hội và những bên liên quan có thể đọc hiểu được đầy đủ những hoạt động của nhà trường trong năm qua. Và tất nhiên trong báo cáo cũng phải có những số liệu minh họa cụ thể theo từng nội dung.

451259248_1004306448150022_8667615305221498161_n.jpg
Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Hơn nữa, điểm mới này cũng giúp xã hội và các bên liên quan dễ dàng theo dõi, giám sát những hoạt động của nhà trường vì mỗi cơ sở lại có những đặc thù riêng.

Trong khi đó, theo thầy Lê Thanh Kính – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện Thông tư 09 đã được phòng triển khai đến các đơn vị trường học thuộc quản lý của phòng. Đến thời điểm hiện tại, phòng chưa nhận được phản hồi gì cho rằng thực hiện Thông tư 09 sẽ khó khăn hơn so với Thông tư 36 mà nhiều ý kiến cho rằng sẽ tích cực và gọn hơn.

Thầy Kính cho hay, việc thực hiện những bảng biểu cố định theo Thông tư 36 vốn có phần cứng nhắc, khiến một số trường mầm non gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Trong khi đó, với Thông tư 09, các trường sẽ chủ động, linh động hơn trong việc nêu chi tiết nội dung thông tin cần công khai. Việc trình bày cũng sẽ gọn gàng và nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần phải lưu ý rằng, nội dung công khai phải đảm bảo tính lưu trữ và đầy đủ theo quy định của Thông tư.

Cùng bàn về điểm mới trên khi thực hiện báo cáo công khai theo Thông tư 09 đối với cơ sở giáo dục mầm non, cô Nguyễn Thị Hường – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên (phụ trách chuyên môn cấp học Mầm non) cho biết, cách làm như vậy giúp thể hiện sự sáng tạo trong cách thức trình bày thông tin công khai của cơ sở giáo dục mầm non, giúp các nhà trường dễ dàng thực hiện hơn. Bởi, không bị ràng buộc vào các bảng biểu cố định như khi thực hiện theo Thông tư 36, các trường có thể tự do lựa chọn cách thức trình bày phù hợp, từ đó gia tăng sự tương tác, giám sát từ cộng đồng, xã hội đối với những hoạt động của nhà trường.

Bên cạnh đó, các trường mầm non cũng sẽ phải có tính trách nhiệm, tự giải trình lớn hơn về độ chính xác và tính minh bạch của thông tin mà nhà trường công khai khi được chủ động trong cách trình bày thông tin công khai về kết quả hoạt động của mình như vậy.

Đảm bảo tính liên kết, liên tục

Bên cạnh đó, về bố cục thông tin công khai, Thông tư 09 đã bố cục lại nội dung công khai gồm 2 phần là phần công khai chung đối với các cơ sở giáo dục và phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học, trong đó, với giáo dục mầm non là từ 4 biểu mẫu (tương đương 4 báo cáo) xuống còn 1 phụ lục (báo cáo thường niên).

Về điểm mới này, theo thầy Lê Thanh Kính, đối với các cơ sở giáo dục mầm non, theo Thông tư 36, các trường phải chia ra nhiều báo cáo công khai khiến người đọc bị gián đoạn thông tin khi phải đọc từ báo cáo này sang báo cáo kia. Việc phải đọc nhiều bản báo cáo như vậy cũng gây khó khăn cho người đọc trong việc đối chiếu, so sánh thông tin. Không những vậy, điều này cũng khiến cho người đọc bị rối giữa các thông tin với nhau, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh.

Hơn nữa, việc phải làm nhiều báo cáo như vậy cũng khiến một số cơ sở giáo dục mầm non tương đối vất vả khi thực hiện.

Trong khi đó, việc chỉ sử dụng 1 báo cáo thường niên theo Thông tư 09 sẽ đảm bảo được tính logic, tính liên kết giữa các thông tin công khai và đặc biệt là tính liên tục trong tư duy cho người đọc.

Nhờ vậy, thông tin đến với các phụ huynh, giáo viên, các cơ quan quản lý hay những bên có liên quan sẽ được rõ ràng, tường minh, cụ thể và dễ hiểu hơn; giúp họ có thể dễ dàng đối chiếu, so sánh ngay, mất ít thời gian để tiếp cận thông tin đầy đủ.

Đối với cơ quan quản lý, việc bố cục lại thông tin công khai như vậy cũng giúp họ nắm bắt nhanh được tình hình thực hiện việc công khai hoạt động của mỗi nhà trường. Do đó, nếu có vấn đề gì có thể kịp thời điều chỉnh nên sẽ hạn chế được mâu thuẫn trong nội bộ các nhà trường. Điểm mới này cũng giúp tăng tính dân chủ cho các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo cô Vân, việc thay đổi từ 4 biểu mẫu (tương đương 4 báo cáo) theo Thông tư 36 xuống còn 1 phụ lục (1 báo cáo thường niên) ở Thông tư 09 sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục mầm non.

Bởi, việc thống kê báo cáo từng nội dung theo mỗi biểu mẫu như Thông tư 36 đã khiến các trường gặp khó trong việc tổng hợp thông tin, số liệu.

Trong khi đó, khi giảm còn 01 phụ lục là báo cáo thường niên sẽ giúp các cơ sở giáo dục mầm non dễ dàng xây dựng bố cục báo cáo chính xác hơn. Điểm mới này cũng giúp cho xã hội thuận tiện hơn khi xem xét, đối chiếu, đánh giá vì tất cả các nội dung hoạt động của cơ sở chỉ nằm trong 1 bản duy nhất.

Còn theo cô Hường, việc bố cục lại thông tin công khai được cụ thể, đầy đủ hơn dù chỉ trong 1 báo cáo sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội thuận lợi giám sát, đóng góp ý kiến và tham gia vào quá trình điều hành, quản lý, dạy và học của nhà trường. Với sự tiếp cận thuận lợi hơn như vậy, phụ huynh cũng dễ dàng lựa chọn cơ sở giáo dục mầm non phù hợp cho con em mình.

Phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục

Về hình thức công khai, qua tìm hiểu của phóng viên, Thông tư 09 đã lược bỏ một số quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non, trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử hoặc các trường hợp cụ thể cần phổ biến trực tiếp đến sinh viên và cha mẹ học sinh).

Cô Vân cho rằng, điểm mới về hình thức công khai ở Thông tư 09 như vậy là phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy học, đồng thời giảm bớt áp lực cho các cơ sở giáo dục mầm non.

Hơn nữa, việc làm này cũng phù hợp với thực tế hiện nay khi xã hội dễ dàng nắm bắt thông tin về nhà trường thông qua cổng thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội, … thay vì qua hình thức truyền thống như trước kia là các trường phải in văn bản giấy rồi niêm yết ở văn phòng trường hoặc triển khai tại các cuộc họp phụ huynh.

z4748310735136_f1bab382c663789f6050a1bc6533938f (1).jpg
Ảnh minh họa: Phương Linh.

Theo thầy Kính, việc các trường không phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở nhằm phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số trong giáo dục. Trên thực tế, các thông tin hoạt động đã được nhiều trường thực hiện công khai trên website của mình kèm theo mã QR. Chỉ cần một, hai thao tác đơn giản, phụ huynh cũng như các bên liên quan có thể tiếp cận được với những thông tin này. Hiện nay, vấn đề tuyển sinh cũng đang được nhiều cơ sở giáo dục thực hiện theo hình thức như vậy.

Do đó, việc không phải sử dụng các văn bản in ấn về nội dung công khai thông tin cũng giúp đồng bộ chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động của cơ sở giáo dục.

Không những vậy, nhờ có điểm mới trên, phụ huynh sẽ không bị mất nhiều thời gian phải đến nhà trường để tìm hiểu, nắm bắt thông tin, điều này là đặc biệt thuận lợi là đối với phụ huynh của trẻ mầm non.

Cùng đồng tình với những quan điểm trên, cô Hường cho rằng, việc bỏ quy định niêm yết nội dung công khai tại cơ sở sẽ phù hợp với xu hướng mà chúng ta đang thực hiện là chuyển đổi số trong giáo dục.

Qua đó, các trường mầm non có thể dễ dàng quản lý, cập nhật, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng đến với phụ huynh và xã hội mà không cần phải tốn chi phí in ấn các văn bản. Lãnh đạo nhà trường cũng không cần thiết phải tốn thời gian triệu tập cán bộ, giáo viên để triển khai thông tin khi có văn bản, chỉ đạo của những cơ quan cấp trên.

Hơn nữa, khi tất cả các nội dung thông tin được công bố trên cổng thông tin điện tử tức sẽ được công khai rộng rãi hơn, các nhà trường sẽ càng có trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn về hoạt động của cơ sở mình. Điều này cũng tạo thêm niềm tin vào công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

"Việc công khai trên cổng thông tin điện tử cũng góp phần thúc đẩy các cơ sở giáo dục mầm non nâng cao chất lượng dạy học, quản lý và cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ hiện nay", cô Hường nói.

Cơ sở giáo dục mầm non dễ dàng lưu trữ thông tin khi thực hiện công khai

Khác với Thông tư 36, theo Thông tư 09, các cơ sở giáo dục mầm non sẽ cần nêu thêm các thông tin về thông tin chung, kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả hoạt động giáo dục, kết quả tài chính, kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác.

Đối với điểm mới này, cô Vân bày tỏ, các nội dung yêu cầu nêu thêm trong Thông tư 09 là những nội dung đã có ở 5 tiêu chuẩn tại Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn trường mầm non.

Do đó, việc nêu thêm những thông tin trên sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non dễ dàng liên kết, lưu trữ thông tin và thực hiện công khai theo yêu cầu.

Ngoài ra, việc nêu đầy đủ các thông tin hơn sẽ giúp cho xã hội không còn có sự nghi ngờ về hoạt động quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Mặt khác, qua tìm hiểu của phóng viên, Thông tư 09 đã bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền.

Cô Vân chia sẻ, Thông tư 09 quy định thời gian công khai báo cáo của cơ sở giáo dục trên cổng thông tin điện tử tối thiểu là 05 năm kể từ ngày công bố công khai là điểm mới để nâng cao trách nhiệm về nội dung đã công khai của lãnh đạo nhà trường.

Hiện nay, hầu hết các cơ quan chuyên môn quản lý cơ sở giáo dục mầm non là qua ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tránh thủ tục đi lại nộp báo cáo, giảm bớt áp lực cho bộ phận văn thư tại nhà trường. Hơn nữa, gần như mỗi cơ sở giáo dục mầm non hiện đều có cổng thông tin điện tử, các cơ quan quản lý có thể truy cập để nắm bắt và lưu trữ thông tin của trường khi cần.

Chính vì vậy, cô Vân cho rằng, việc bỏ quy định phải báo cáo về cơ quan có thẩm quyền như vậy là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tường San