Những năm gần đây, đội ngũ nhà giáo trên cả nước rất quan tâm đến chuyện thăng hạng, giữ hạng cho mình bởi ai cũng hiểu nếu không giữ được hạng thì tương lai chế độ chính sách tiền lương sẽ giảm mà khó đảm bảo vị trí việc làm.
Nhưng, để giữ được hạng hay muốn thăng hạng thì lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan.
Bởi chuyện giữ hạng, thăng hạng của giáo viên đâu chỉ là chuyện bằng cấp, chứng chỉ, nhu cầu vị trí việc làm mà còn rất nhiều tiêu chí khác nữa.
Một khi các yêu tố này đầy đủ còn vẫn còn một cửa ải gian nan nữa là nộp hồ sơ để xét hoặc thi tuyển. Tất nhiên, lại thêm một khoản kinh phí dự tuyển mà chắc gì đã được thăng hạng?. Thăng hạng rồi cũng chắc gì đã được tăng lương?.
Giáo viên muốn giữ hạng đã khó, thăng hạng càng khó hơn (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Giáo viên chuyển từ ngạch sang hạng
Người trong nghề giáo có lẽ ai cũng biết, khoảng thời gian thời gian trước năm 2012 khi Luật Viên chức 2010 chưa có hiệu lực thì giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông công lập được xếp theo ngạch.
Ở mỗi cấp học, lại có các thứ bậc khác nhau thể hiện cấp độ của ngạch, bao gồm giáo viên, giáo viên chính và giáo viên cao cấp (tạm hiểu là dưới chuẩn, ngang chuẩn và vượt chuẩn trình độ).
Mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có các quy định cụ thể về chức danh nghề nghiệp viên chức gắn với vị trí việc làm.
Để thực hiện nghị định trên, năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên.
Giáo viên giảng dạy ở các cấp học từ mầm non, đến trung học phổ thông công lập tương ứng với các Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch số số 21/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch số số 22/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch số số 23/2012/TTLT-BGDĐT-BNV.
Cũng từ đây, giáo viên được chuyển từ ngạch chuyển sang hạng.
Chẳng hạn, tại Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Nội vụ đã quy định chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở trong các trường trung học cơ sở công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 3 hạng.
Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.10; Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.11; Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12.
Khi Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) cũng đã có những văn bản hướng dẫn thực hiện nên giáo viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Những giáo viên có bằng đại học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.11. Những giáo viên có bằng cao đẳng được bổ nhiệm chức danh Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12...
Giáo viên có bắt buộc phải thăng hạng và có các chứng chỉ hay không?
Nhiều giáo viên ở cơ sở hiện nay đang băn khoăn giữa việc mình có bắt buộc phải thi thăng hạng, không thi thăng hạng thì có bị làm sao không?, không có các chứng chỉ theo quy định thì có giữ được hạng mà mình đang có?
Theo dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông công lập vừa được công bố ngày 16/6/2020 thì giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông có 4 hạng.
Hạng IV là những giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ hoặc những người chưa đủ chuẩn nhưng không thuộc diện nâng chuẩn (do gần đến tuổi hưu). Giáo viên Trung học phổ thông có 3 hạng.
Trong dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông đều bắt buộc tất cả giáo viên phải có chứng chỉ tin học theo quy định.
Giáo viên mầm non từ hạng II trở lên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng III yêu cầu có trình độ ngoại ngữ bậc 1, hạng II có trình độ ngoại ngữ bậc 2, hạng I có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam .
Giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II có trình độ tối thiểu là bậc 2, giáo viên hạng I có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc III theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Đối với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì giáo viên từ hạng III trở lên đều bắt buộc phải có.
Điều này cũng đồng nghĩa giáo viên không muốn tham gia thi (xét) thăng hạng cũng không sao nhưng muốn giữ hạng thì bắt buộc phải bổ túc đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.
Việc thăng hạng bắt buộc phải được thực hiện thông qua một kỳ thi hoặc xét do cơ quan có thẩm quyền tổ chức quyết định.
Nếu như giáo viên không tham gia thi (xét) thăng hạng cũng không sao, miễn là nhà giáo đó đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng hiện giữ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không vi phạm các quy định của ngành, thì họ vẫn được hưởng lương và các phụ cấp theo quy định.
Những giáo viên có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn thì bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng mình tham gia thi (xét) thăng hạng bởi ngoài tiêu chí cứng về bằng cấp, chứng chỉ còn có nhiều tiêu chí mềm khác nữa.
Thăng hạng chưa đồng nghĩa với việc tăng lương theo hạng
Để có đầy đủ tiêu chí để thi (xét) thăng hạng từ thấp lên cao là một hành trình tích lũy, phấn đấu lâu dài của giáo viên. Khi đáp ứng được văn bằng thì việc đáp ứng tiêu chí về chứng chỉ cũng là một chặng đường dài và vô cùng tốn kém.
Mỗi chứng chỉ đều mất một số tiền rất lớn. Khi thi (xét) thăng hạng cũng phải tiếp tục bỏ thêm một khoản kinh phí từ 400-600 ngàn đồng lệ phí theo quy định hiện hành.
Khi được bổ nhiệm ngạch cao hơn nhưng cũng chưa hẳn được xếp lương ở hệ số cao hơn.
Bởi tại dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông đã hướng dẫn như sau:
“Hệ số lương thấp hơn hệ số lương khởi điểm của bảng lương quy định cho hạng thì vẫn bổ nhiệm vào hạng nhưng không thực hiện xếp lương mà vẫn hưởng hệ số lương và bảng lương đang hưởng cho đến thời điểm được hưởng hệ số ngang bằng với hệ số lương khởi điểm của bảng lương quy định cho hạng thì chuyển xếp vào bảng lương của hạng”.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A đang được hưởng hệ số lương 3,66 bảng lương A1, Ông Nguyễn Văn A đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số …) quy định tại Thông tư này, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số …).
Tuy nhiên, do mức chênh lệch giữa hệ số lương khởi điểm 4,00 của bảng lương A2.2 với hệ số lương hiện hưởng 3,66 là 0.34, lớn hơn mức chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở bảng lương hiện hưởng (0,33) nên ông Nguyễn Văn A vẫn hưởng hệ số 3,66 bảng lương A1.
Thời điểm ông Nguyễn Văn A hưởng hệ số lương 3,99 theo quy định thì mới được xếp lương 4,00 bảng lương A2.2”.
Như vậy, chúng ta thấy rằng yêu cầu về thăng hạng, giữ hạng của giáo viên trong thời gian tới đây là rất khó bởi những yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gần như là bắt buộc đối với tất cả giáo viên hạng III trở lên.
Trong khi, dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông thì giáo viên hạng III vẫn hưởng lương bằng cấp theo hệ số hiện hành (nhưng phụ cấp thâm niên thì tới đây không còn).
Đối với giáo viên hạng II, hạng I thì lương rất cao nhưng đa phần giáo viên dạy lớp sẽ không với tới bởi yêu cầu quá cao!