Thông tư ở trên giời, trẻ con ở mặt đất

02/02/2023 06:39
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu đã đủ thời gian để Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xem xét những nội dung chưa phù hợp của quá trình đổi mới giáo dục bậc phổ thông?

Thời gian qua, nhiều người đã tìm ra điểm bất cập trong khung chương trình, "sạn" trong các cuốn sách giáo khoa thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các loại “sạn” được phát hiện hết sức đa dạng, từ nguồn học liệu, kiến thức chuyên môn, chính tả, ngữ pháp đến những nội dung thuộc phạm trù đạo đức, chẳng hạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 1, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” trong bài tập đọc Tấm Cám đã “vô tình” dạy trẻ lớp 1 thói trộm cắp qua câu văn: “Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”.

Tập hợp các bất cập đã được phát hiện liệu có tạo thành một khối sạn đủ lớn làm giảm tốc độ hoặc làm chệch bánh “đoàn tàu đổi mới giáo dục” – như ví von của một vị nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo? [1]

Ảnh minh họa: pgdgialam.edu.vn

Ảnh minh họa: pgdgialam.edu.vn

Nhân nói về “đoàn tàu đổi mới giáo dục”, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình đổi mới giáo dục (tháng 12 năm 2018), có một ý kiến khá thú vị của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam khi đó là Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong:

“Đoàn tàu giáo dục của thế giới hiện đại đã rời nhà “ga nông nghiệp” từ lâu, đã qua “ga công nghiệp”, “ga kinh tế tri thức” rồi đang tiến vào “ga Industry 4.0”. Đoàn tàu giáo dục Việt Nam vẫn đỗ ở “ga nông nghiệp”, học sinh của chúng ta không vui vẻ gì khi lục tục lên các toa tàu cũ kỹ này”. [2]

Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố ngày 26/12/2018. Tổng Chủ biên, Chủ biên chương trình này đều là các bậc lão làng nhưng sản phẩm của họ thực tế hiện nay đang làm đau đầu của không ít giáo viên, học sinh.

Xin không bàn đến những chuyện đã được mổ xẻ quá nhiều liên quan đến sách giáo khoa hoặc nội dung “tích hợp” như chuyện đào tạo giáo viên “tích hợp”, chuyện ba giáo viên cùng dạy một môn “tích hợp” hoặc một giáo viên dạy ba phân môn Vật lí, Hóa học, Sinh học,…

Xin dẫn một “chuyện nhà” nhưng tình cờ lại trùng với “chuyện thiên hạ” đang làm xôn xao dư luận, đó là việc học sinh lớp 10 xin chuyển trường.

Bài báo “Phụ huynh ‘khóc ròng’ khi muốn chuyển trường cho con lớp 10” có đoạn:

“Kết thúc học kỳ 1 của năm học đầu tiên dạy học lựa chọn ở lớp 10, nhiều cơ sở giáo dục dù muốn nhận học sinh xin chuyển đến nhưng cũng phải lắc đầu vì trường mình không trùng môn tự chọn trong tổ hợp môn học”. [3]

Không biết những người viết ra chương trình giáo dục mới trong quá trình soạn thảo khung chương trình có lường trước khả năng sẽ có 108 tổ hợp môn “lựa chọn”?

Nếu tách môn Nghệ thuật thành 02 phân môn (Âm nhạc và Mỹ thuật) thì số tổ hợp sẽ là 204. [4]

Sau khi Quốc hội quyết định môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT, theo đó môn Lịch sử từ môn lựa chọn trong tổ hợp môn khoa học xã hội theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT sẽ trở thành môn học bắt buộc.

Theo quy định tại điều 2 khoản 2.1, Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT thì các môn học lựa chọn gồm: “Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật” và học sinh được phép chọn 04 môn từ các môn lựa chọn (bỏ yêu cầu mỗi nhóm môn chọn ít nhất 01 môn). Đến lúc này số tổ hợp môn lựa chọn sẽ là tổ hợp chập 4 của 9 phần tử và dễ dàng tính ra con số 126!

Quy định này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đề cập trong bài báo [3].

Học sinh lớp 10 cùng trường hoặc khác trường có thể chọn các “tổ hợp môn lựa chọn” khác nhau và do đó sau một học kỳ sẽ không thể chuyển từ trường này sang trường khác nếu trường định chuyển đến không dạy tổ hợp môn giống như trường cũ.

Vấn đề “đặc hữu” của Việt Nam này tưởng chừng đơn giản lại không hề đơn giản vì liên quan đến rất nhiều gia đình người Việt và những quan hệ quốc tế về giáo dục.

Chỉ cần có khả năng tài chính, các gia đình người Việt có thể cho con du học ngay từ lớp 10 tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật, Úc, Singapore,… với một vài điều kiện (chứng minh tài chính, người bảo lãnh, trình độ ngoại ngữ,…) nhưng không hề liên quan đến “tổ hợp môn học lựa chọn”.

Một số người và cơ quan có trách nhiệm nói nhiều đến “hội nhập quốc tế” nhưng hình như lại quên mất chuyện “hội nhập nội bộ” về giáo dục. Quốc tế người ta không đòi hỏi “tổ hợp môn học lựa chọn” thì tại sao Việt Nam lại coi đây là điều kiện bắt buộc phải có nếu muốn chuyển trường?

Nếu học sinh lớp 10 từ các quốc gia khác đến Việt Nam mà ở đó không có “các môn lựa chọn” thì chúng ta xử lý thế nào?

Không ít phát biểu cho rằng phải giáo dục Việt Nam phải “lấy học sinh làm trung tâm”, thế nhưng khi cha mẹ chuyển nơi sinh sống thì con cái lại buộc phải học ở trường cũ, cách xa bố mẹ hàng trăm cây số [3], vậy học sinh hay cơ quan quản lý giáo dục là “trung tâm”?

Và không thể không nêu câu hỏi, chương trình đổi mới giáo dục bậc phổ thông 2018 có khiến mỗi trường trung học phổ thông giống như một “căn cứ” với lũy tre bao bọc là các quy định của ngành, còn học sinh đang được “thử nghiệm” mô hình gắn bó suốt giai đoạn trung học phổ thông với một ngôi trường duy nhất?

Liệu đã đủ thời gian để Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xem xét lại một cách hệ thống những nội dung chưa phù hợp của quá trình đổi mới giáo dục bậc phổ thông?

Bậc trung học phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp và không phải là giáo dục bắt buộc nên cần đẩy mạnh xã hội hóa bậc học này. Ảnh minh họa: vov.vn

Bậc trung học phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp và không phải là giáo dục bắt buộc nên cần đẩy mạnh xã hội hóa bậc học này. Ảnh minh họa: vov.vn

Không ít bất cập xuất hiện khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần gấp rút xử lý, chẳng hạn chúng ta đang thực hiện “liên thông” giữa các trình độ (trong giáo dục nghề nghiệp), liên thông đại học nên không thể tạo ra rào cản khiến quá trình “liên thông” giữa các trường trung học phổ thông không thể thực hiện hoặc thực hiện một cách khó khăn với người học.

Để xóa bỏ rào cản nêu trên khi chưa thể thay đổi nội dung Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm hướng dẫn các trường trung học phổ thông có trách nhiệm bố trí dạy bù (ngoài giờ) những môn bị thiếu cho học sinh chuyển đến trường mình.

Cốt lõi của vấn đề là xóa bỏ tình trạng tồn tại đến 126 tổ hợp môn lựa chọn, việc này chỉ có thể thực hiện khi vận dụng quy luật phủ định của phủ định, nói cách khác, phải tiến hành “đổi mới” của “đổi mới”.

Để “đổi mới” nội dung “đổi mới” đang áp dụng, một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo là không đủ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Một sự thay đổi lớn lao nền giáo dục nước nhà cần có thời gian chuẩn bị, trước mắt Nhà nước có thể xem xét sửa Luật Giáo dục 2019 theo hướng, giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở là giáo dục bắt buộc, Nhà nước bao cấp toàn bộ. Một phần ngân sách chi cho hoạt động này được chuyển từ ngân sách đang sử dụng cho bậc trung học phổ thông.

Bậc trung học phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp và không phải là giáo dục bắt buộc nên cần đẩy mạnh xã hội hóa bậc học này, Nhà nước có thể đặt hàng một số cơ sở giáo dục đào tạo nhân tài kiểu như trường chuyên hiện nay. Khoản ngân sách chi cho giáo dục trung học phổ thông được chuyển cho giáo dục bắt buộc nêu trên.

Để khắc phục tình trạng có tới 126 tổ hợp môn lựa chọn (từ lớp 10), nên phân 9 môn lựa chọn thành 02 ban, “ban Khoa học xã hội” gồm 05 môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học; “ban Khoa học tự nhiên” cũng gồm 05 môn là Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học.

Môn Tin học xếp vào ban Khoa học xã hội là hơi khiên cưỡng song cần thiết để hai ban đều có 05 môn.

Mặt khác cần yêu cầu tất cả các trường trung học phổ thông đều phải có hai ban này, khi đó sẽ chấm dứt chuyện không thể chuyển trường vì khác biệt các môn lựa chọn./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/tran-danh-lon-cua-bo-truong-pham-vu-luan-3310151.html

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/doan-tau-giao-duc-viet-nam-van-do-o-ga-nong-nghiep-20180806085746145.htm

[3] https://vietnamnet.vn/khoc-rong-khi-muon-chuyen-truong-cho-con-lop-10-2098089.html

[4] https://giaoduc.net.vn/co-hay-khong-su-map-mo-giua-108-hay-204-to-hop-mon-ma-hoc-sinh-lop-10-phai-chon-post226368.gd

Xuân Dương