Mô hình trường chuyên hiện đang vấp phải hai luồng ý kiến bàn luận sôi nổi: Nên giữ hay bỏ? Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đàm Văn Tuyến - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Long An cho rằng, nếu những người ở ngoài nhìn vào trường chuyên và chỉ tiếp cận qua thông tin các giải thưởng hoặc cho rằng học sinh trường chuyên đào tạo chỉ tham gia các cuộc thi học sinh thì chắc chắn chưa hiểu đầy đủ về nhiệm vụ và hoạt động của các trường chuyên.
“Cần tăng nguồn lực cho các trường chuyên”
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Long An cho rằng, nếu các trường chuyên thực hiện được đầy đủ những nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thì mô hình trường chuyên đóng vai trò rất quan trọng cho việc đào tạo nhân tài chất lượng cao phục vụ đất nước.
Tuy nhiên, với nguồn lực của các trường hiện tại, bao gồm cả nguồn lực về con người, tài chính và cơ sở vật chất chưa đáp ứng để các trường chuyên thực hiện đầy đủ hết các nhiệm vụ. Thầy Tuyến cho rằng, cần tập trung nguồn lực cho các trường chuyên.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Tuyến cho rằng ở dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức trường trung học phổ thông chuyên Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đã có quy định rõ ràng hơn về nhiệm vụ của các trường chuyên. Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định rõ việc giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “quyết định” các chế độ chi ngân sách đầu tư cho trường chuyên thuộc tỉnh.
Trước đây, theo thông tư cũ (Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT) chỉ quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh có trường chuyên “có thể” quy định bổ sung chính sách ưu tiên đầu tư cho trường chuyên. Do đó, với sự thay đổi mới này, theo thầy Tuyến sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho các trường tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm phát triển trường chuyên tốt nhất.
Ngoài ra, trong dự thảo quy định trường chuyên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, theo thầy Tuyến, quy định rất tốt, giúp các em học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, đúng với mục tiêu trường chuyên là tạo nguồn đào tạo nhân tài, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nội dung này đối với giáo viên và học sinh trong chương trình để nâng cao hiệu quả.
Học sinh khối 12 trường trung học phổ thông chuyên Long An tham gia trải nghiệm tại Nông trại Sân chim Vàm Hồ - Ba Tri Bến Tre. Ảnh: Đoàn trường trung học phổ thông chuyên Long An |
Tiếp theo, tại khoản 2, Điều 13 Chương III của Dự thảo quy định nhiệm vụ của giáo viên: “Tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt”.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Tuyến cho rằng quy định này với mục đích khuyến khích các thầy cô giáo nâng cao trình độ là tốt, tuy nhiên yêu cầu bắt buộc 100% giáo viên trong trường đều đạt chuẩn tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt so sánh với thực tiễn rất khó để đạt được, có thể quy định đối với các giáo viên có môn chuyên.
"Nếu tất cả thầy cô giáo dạy Thể dục mà yêu cầu trình độ ngoại ngữ phải tốt thì rất khó. Theo tôi quy định này là tốt, tuy nhiên chúng ta không nên cào bằng.
Bên cạnh đó, một giáo viên giỏi điều cần thiết hơn là phương pháp dạy giỏi, tuy nhiên cái này tôi lại không thấy quy định trong dự thảo”, thầy Tuyến nêu quan điểm.
Cũng liên quan đến vấn đề cào bằng, thầy Tuyến cũng kiến nghị nên tăng mức phụ cấp cho cả giáo viên và thêm cả nhân viên, đồng thời cơ cấu lại mức phụ cấp dành cho giáo viên ở trường chuyên, thay vì cào bằng như hiện nay, nghĩa là tất cả giáo viên dạy ở trường chuyên đều được hưởng mức phụ cấp là 70% thì nên có sự phân cấp ở các đối tượng: Giáo viên dạy môn chuyên, giáo viên dạy đội tuyển và giáo viên dạy môn không chuyên. Điều này sẽ phù hợp với bối cảnh điều kiện về nguồn ngân sách có hạn, tuy nhiên vẫn đảm bảo có nguồn lực thêm để khuyến khích các giáo viên phấn đấu.