Thu hút GS, PGS vẫn là bài toán nan giải của nhiều trường đại học địa phương

22/12/2023 06:25
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ đối với cơ sở giáo dục địa phương, mà tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng hiện đang là khó khăn của một số địa phương.

Dựa theo Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư trong 3 năm gần đây (năm 2021 – 2023) do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố cho thấy, số lượng giáo sư, phó giáo sư hiện nay tập trung chủ yếu ở các thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Trong đó, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm (chiếm khoảng hơn 50% số lượng giáo sư, phó giáo sư cả nước – xét theo đơn vị công tác).

Điều này đã dẫn tới những lo ngại liên quan đến việc mất cân bằng về cơ cấu giáo sư, phó giáo sư giữa các địa phương. Đặc biệt là các tỉnh, thành phố không trực thuộc trung ương sẽ khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao này.

Dù có cơ chế nhưng vẫn khó thu hút giáo sư, phó giáo sư về địa phương làm việc

Tuy chỉ mới được thành lập trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng Trường Đại học Kiên Giang đã luôn chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ và có những chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về trường giảng dạy.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang chia sẻ: “Mặc dù vẫn biết đầu tư về con người là yếu tố đặc biệt quan trọng cho sự phát triển, nhưng dựa vào nguồn lực còn nhiều khó khăn, hiện nay số lượng giáo sư, phó giáo sư của trường còn hạn chế”.

Theo thầy Thành, nếu chỉ xét trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ sẽ là cơ sở thu hút được những đối tượng này về làm việc nhiều hơn so với Trường Đại học Kiên Giang hay các cơ sở giáo dục đại học khác trong vùng. Bởi đây là thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều điều kiện để phát triển.

Hiện nay, Trường Đại học Kiên Giang đang tiếp tục xây dựng thêm những chính sách để thu hút nguồn nhân lực tiếp tục phục vụ sự phát triển của trường. Tuy nhiên, đây mới là vấn đề đang được đưa ra thảo luận, xây dựng trong nội bộ. Dự tính chính sách này sẽ trình Hội đồng trường phê duyệt vào kỳ họp quý 4/2023 sắp tới.

Còn tại Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa - ngôi trường có bề dày lịch sử trên 56 năm, những năm qua cũng rất quan tâm và ưu tiên đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục – Phó cô Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, Hội đồng trường đã ban hành chính sách về việc thu hút, đãi ngộ đối với giảng viên có trình độ cao, cụ thể là: Nhà trường có chính sách thu hút đối với giảng viên về trường làm việc có trình độ tiến sĩ là 100 triệu đồng, trình độ phó giáo sư là 200 triệu đồng; còn đối với đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư và giáo sư đang làm việc tại trường, nhà trường có chính sách đãi ngộ trực tiếp hoặc thưởng ngoài lương hàng tháng”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục – Phó cô Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục – Phó cô Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Không chỉ vậy, những chính sách, chế độ lương thưởng cho các cán bộ trường được quy hoạch đi học nâng cao cũng luôn được chú trọng.

So với một số trường đại học địa phương trong khu vực lân cận, chính sách này của Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa được đánh giá là khá ổn, giúp cán bộ yên tâm công tác. Nhưng số lượng giáo sư, giáo sư của trường hiện nay của trường đại học này vẫn còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của trường lại rơi vào các ngành đặc thù liên quan đến nghệ thuật.

“Hiện nay, trường có nhiều ngành học đặc thù thuộc khối nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể thao...) nên việc giảng viên khối ngành này tích lũy các điều kiện đủ để làm hồ sơ bảo vệ học hàm giáo sư, phó giáo sư có nhiều khó khăn. Chưa nói đến lĩnh vực đặc thù này thu hút giảng viên và giữ chân giảng viên có trình độ cao còn khó khăn hơn nữa” – cô Thục chia sẻ.

Đa phần giáo sư, phó giáo sư đều muốn “vươn ra biển lớn”

Liên quan đến những ý kiến về việc chênh lệch đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ở các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, đại diện Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) nhận định: Hiện nay, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chủ yếu là giảng viên của các cơ sở đại học. Trong khi đó, các trường đại học lại thường tập trung ở các thành phố lớn trực thuộc trung ương. Từ đó dẫn tới câu chuyện về sự chênh lệch đội ngũ giáo sư, phó giáo sư giữa các tỉnh thành.

Xét rộng ra hơn, không chỉ đối với cơ sở giáo dục địa phương, mà tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng hiện đang là khó khăn của nhiều địa phương.

“Vấn đề này đã nói lên sự khác nhau về cơ chế chính sách trong việc đào tạo, giữ chân nhân tài và cơ chế thu hút đội ngũ nhân lực trình độ cao ở địa phương. Để làm được điều đó, một phần lớn cũng phụ thuộc vào cơ chế, chính sách thu hút nhân tài của Ủy ban nhân dân các tỉnh” – vị đại diện Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) chia sẻ.

Nhiều giảng viên, nhà khoa học giỏi lựa chọn làm việc tại các trường đại học lớn. Ảnh minh hoạ: VNU

Nhiều giảng viên, nhà khoa học giỏi lựa chọn làm việc tại các trường đại học lớn. Ảnh minh hoạ: VNU

Cũng có những quan điểm tương đồng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục cho biết, số lượng giáo sư, phó giáo sư tập trung ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, trực thuộc trung ương là điều dễ hiểu, phù hợp với tình hình khách quan hiện tại. Bởi nơi đây tập trung số lượng lớn các trường đại học và các viện nghiên cứu; hơn nữa, đây phần lớn đều là những trường đại học có bề dày lịch sử, có chất lượng hàng đầu của cả nước nên sẽ giúp đội ngũ giáo sư, phó giáo sư có nhiều điều kiện để phát huy năng lực, trí tuệ cho khoa học và giảng dạy.

Cũng theo cô Thục, việc tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu lớn ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố trực thuộc trung ương cũng đem đến sự chênh lệch lớn về số lượng hồ sơ đăng ký, công nhận giáo sư, phó giáo sư hàng năm.

Nhìn rộng hơn sang khía cạnh về việc chuẩn bị về hồ sơ xét tiêu chuẩn đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư, bên cạnh những yếu tố cần và đủ theo quy định, hai khía cạnh giảng dạy và nghiên cứu khoa học là những minh chứng quan trọng, thì các giảng viên công tác tại các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu sẽ có nhiều cơ hội để tích lũy các điều kiện hơn. Bởi nội thân các trường đại học này đã có rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh...

Hơn nữa, đa phần đội ngũ giảng viên hiện nay đều mong muốn được “vươn ra biển lớn”. Bởi khi rời địa phương đến các trung tâm kinh tế lớn, các thầy cô sẽ được tiếp xúc với những điều kiện làm việc, nghiên cứu tối ưu nhất, được giảng dạy trong môi trường chất lượng cao.

Có một thực tế là, kể cả là những người đã được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay ở địa phương, nếu có điều kiện họ vẫn muốn được chuyển ra làm việc, nghiên cứu ở các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Điều này có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn một trong những nguyên nhân lớn nhất liên quan đến cơ hội để phát triển.

Với cô Nguyễn Thị Thục, đây vừa là thuận lợi, nhưng ít nhiều cũng tạo ra sự mâu thuẫn, chênh lệch về đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ở các địa phương.

Vì vậy, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa, cùng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi cơ sở giáo dục địa phương, các ngành, các cấp cũng cần quan tâm hơn nữa để hỗ trợ các cơ sở này. Từ đó, vừa giúp các trường đại học địa phương thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy và nghiên cứu, vừa tạo ra được nhiều giá trị, lợi ích hài hòa hơn cho các địa phương.

Khi các trường đại học địa phương phát triển mạnh mẽ, uy tín với người học và xã hội được nâng cao sẽ thu hút nhiều hơn sinh viên lựa chọn học. Điều này sẽ góp một phần giảm áp lực cho các đô thị lớn; giảm chi phí học tập; kinh tế - xã hội của địa phương phát triển;... Đặc biệt, điều này sẽ tạo nhiều điều kiện để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn đối với giáo dục đại học, đặc biệt là đối với con em vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều điều kiện khó khăn.

Kim Minh Châu