Thu tiền học thăng hạng, nhiều địa phương đang đi ngược với Luật Giáo dục?

12/06/2019 06:50
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo viên học tập nâng cao trình độ phải có tiền. Ai không nộp tiền sẽ chẳng bao giờ được bước tới lớp học. Các địa phương có đang đi ngược với Luật Giáo dục?

Câu chuyện giáo viên buộc phải học tập nâng cao trình độ để tham gia thăng hạng hoặc giữ hạng hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều thầy cô giáo.

Điều làm nhiều giáo viên bức xúc nhất chính là việc mình phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để tham gia học tập nâng cao trình độ.

Giáo viên đi học thăng hạng đang phải đóng khoản tiền khá lớn (Ảnh minh họa: Nguồn từ webiste trường Tiểu học Đồng Quang A, Quốc Oai, Hà Nội)
Giáo viên đi học thăng hạng đang phải đóng khoản tiền khá lớn (Ảnh minh họa: Nguồn từ webiste trường Tiểu học Đồng Quang A, Quốc Oai, Hà Nội)

Thăng hạng và giữ hạng

Tác giả Nguyễn Hương (Cục nhà giáo &cán bộ quản lý) đã có bài viết “Hiểu đúng về thăng hạng giáo viên” đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Chuyện giáo viên thăng hạng là không bắt buộc. Theo quy định giáo viên các cấp học được xếp vào 3 hạng (I, II, III đối với giáo viên THCS, THPT; II, III, IV đối với giáo viên mầm non, tiểu học).

Trong đó, sau khi được xếp vào hạng thấp nhất, giáo viên sẽ có quá trình tích lũy các điều kiện (về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) để đủ điều kiện tham dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề.

Việc thăng hạng bắt buộc phải được thực hiện thông qua một kỳ thi hoặc xét do cơ quan có thẩm quyền tổ chức quyết định.

Nếu một giáo viên từ lúc vào nghề cho đến khi nhận quyết định nghỉ chế độ không tham gia thăng hạng và vẫn chỉ ở hạng thấp nhất cũng không sao.

Giáo viên chúng tôi không phải cái mỏ để đào tiền

Còn trong trường hợp, giáo viên có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn thì bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng mong muốn được bổ nhiệm vào.

Để được thăng hạng, cá nhân giáo viên phải có kế hoạch và lộ trình cho việc tích lũy các điều kiện, minh chứng, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ cần thiết cho kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền quy định.{1}

Rõ ràng, giáo viên muốn chuyển hạng cao hơn phải có quá trình tích lũy các điều kiện (về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) để đủ điều kiện tham dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề.

Và nói theo Luật Giáo dục được quy định ở điều 80,việc học nâng cao trình độ của giáo viên là trách nhiệm của nhà nước.

Bởi thế, giáo viên đi học thăng hạng và giữ hạng sẽ không mất tiền.

Và gần như rất ít địa phương làm được điều này trừ thành phố Vũng Tàu.

Thu tiền học thăng hạng giáo viên, nhiều địa phương đang đi ngược với Luật Giáo dục?

Luật số: 38/2005/QH11 về Chính sách đối với nhà giáo, nêu rõ:

Điều 80. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo.

Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

Luật đã quy định rõ như thế, có thể thấy việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho nhà giáo chính là trách nhiệm của nhà nước.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII (tháng 12 năm 1996), Đảng ta đã khẳng định:

“Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu. Nhận thức sâu sắc giáo dục - đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là nhân tố quyết định tǎng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư phát triển.

Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đối với giáo dục - đào tạo, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương. Có các giải pháp mạnh mẽ để phát triển giáo dục”.

Khốn khổ cho nhà giáo chúng tôi, biết lấy tiền đâu đi học chứng chỉ nghề nghiệp?

Chẳng bỗng dưng giáo dục lại được xem trọng như thế.

Bởi, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước.

Chẳng có lý gì, giáo dục là quốc sách hàng đầu mà nhà giáo đi học nâng cao trình độ lại phải mất một khoản tiền không hề nhỏ.

Nếu không có tiền, giáo viên chấp nhận dậm chân tại chỗ nghĩa là tự mình thụt lùi về tri thức.

Và như thế, chẳng phải học sinh là người chịu thiệt thòi nhất hay sao?

Đã xem giáo dục là quốc sách hàng đầu nên Luật Giáo dục mới quy định việc bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước.

Khi đã là trách nhiệm thì phải dạy miễn phí, sao lại thu tiền giáo viên?

Nhưng hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đều phớt lờ chuyện này.

Giáo viên muốn học tập nâng cao trình độ phải có tiền. Ai không nộp tiền sẽ chẳng bao giờ được bước tới lớp học.

Điều này, những địa phương đang tổ chức thăng hạng thu tiền có đang đi ngược với Luật Giáo dục hay không?

Tài liệu tham khảo:

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hieu-dung-du-ve-thang-hang-giao-vien-bai-1-bat-buoc-3994795-b.html{1}

Phan Tuyết