Giáo viên nhiều tỉnh thành trong cả nước hiện đang rất bức xúc về việc nhận được yêu cầu phải đi học thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Không ít người luôn hỏi “chứng chỉ nghề nghiệp” là gì? Sao cứ sinh ra nhiều yêu cầu làm khổ giáo viên đến thế?
Thông báo được gửi cho từng giáo viên để chào mời lớp học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp (Ảnh tác giả) |
Xưa nay, thầy cô giáo chỉ biết rằng mình tốt nghiệp một trường sư phạm chính quy, được tuyển dụng vào ngành làm công việc giảng dạy và giáo dục học sinh thế là đủ.
Vậy mà, hết yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, nay lại đến chứng chỉ nghề nghiệp.
Mỗi chứng chỉ phải bỏ tiền ra học nhưng chẳng khác gì đi mua, và làm thế để làm gì?
Chúng tôi mới đi học chứng chỉ tin học dù vi tính của giáo viên đủ dùng (soạn giáo án, soạn bài giảng điện tử, vào một số phần mềm nhập điểm, tìm kiếm thông tin trên mạng phục vụ học tập và giảng dạy) nhưng vẫn phải buộc có một chứng chỉ làm căn cứ.
Mệt nhất là buộc phải học chứng chỉ ngoại ngữ dù suốt cả năm cũng chẳng cần dùng đến một câu.
Hãi nhất là, mang tiếng đi học thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ nhưng có học được buổi nào đâu? Tới nộp tiền, cho đề cương và vào phòng thi chép vào.
Học thì giả nhưng tiền nộp lại là thật. Chỉ 2 chứng chỉ này đã ngốn hết chục triệu đồng.
Giá cả cũng thiên biến vạn hóa, mỗi nơi một giá, nơi rẻ nhất gần 3 triệu đồng, nơi đắt lên đến mười triệu chưa kể tiền đi lại, tiền ăn ở cho những giáo viên ở xa.
Nay chúng tôi nhận tiếp thông báo phải học ngay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhiều thầy cô chỉ biết than trời.
Đối tượng đi học là, những giáo viên chưa thăng hạng và những giáo viên đã thăng hạng (có nghĩa là tất cả giáo viên đều phải đi) vì họ bỗng dưng bị “đòi nợ” phải có chứng chỉ để bổ sung vào hồ sơ.
Nếu tính số lượng giáo viên phải bổ sung chứng chỉ nghề nghiệp trong một tỉnh quả là khá lớn.
Nhiều giáo viên vừa mới đi học lấy xong 2 chứng chỉ tin và ngoại ngữ, tiền nợ chưa trả xong đành phải vay mượn để đi học tiếp chứng chỉ nghề nghiệp.
Một số giáo viên cho biết hiệu trưởng của mình nói đến năm 2020 nếu thầy cô giáo nào chưa trả nợ xong chứng chỉ sẽ phải trở về ăn lương hệ trung cấp.
Bởi thế, ai cũng lo sợ, dù có phải vay mượn thêm hàng chục triệu đồng họ cũng không dám không đi.
Giá như từng địa phương mở lớp để giáo viên học tập trung, chi phí cho người dạy lấy từ nguồn kinh phí của địa phương thì giáo viên đỡ khổ biết mấy.
Một số đồng nghiệp ở Đăk Lăk, Đắc Nông cho biết, giá một chứng chỉ nghề nghiệp họ đã học là hơn 3 triệu đồng.
Còn một số giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh lại học mất 5 triệu đồng.
Đồng lương nhà giáo ít ỏi, chúng tôi biết lấy đâu tiền để mua mấy giấy tờ dù chẳng thể giúp gì thêm cho việc dạy và giáo dục học sinh của mình.
Gia đình chỉ có vợ hoặc chồng là giáo viên còn đỡ. Nhưng phần lớn cả hai vợ chồng đều là nhà giáo thì số tiền bỏ ra để đi học mấy cái chứng chỉ ấy xem như mất đứt gần một năm tiền lương còn gì.
Cấp chứng chỉ tiếng Anh chỉ cần có tiền là đạt, thị trường ngầm bạc tỉ |
Không ít giáo viên đã tham dự lớp học chứng chỉ nghề nghiệp cho biết, nội dung học cũng chỉ là những điều mình đã từng được dạy trong trường sư phạm. Nay ngồi nghe lại thấy mệt và chán.
Chính giảng viên họ cũng chẳng hào hứng dạy nên dạy và học qua loa vài buổi là tổ chức thi nhưng sao số tiền bỏ ra lại lớn đến thế?
Một số thầy cô từng truy vấn một giảng viên về điều này và nhận được câu trả lời họ cũng chỉ được trả theo tiết dạy khoảng hơn trăm ngàn đồng/tiết.
Mọi vấn đề về tài chính do lãnh đạo địa phương tính toán và bao sô.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu lãnh đạo ngành từng địa phương có sự “phết phẩy, hoa hồng” gì trong số tiền giáo viên đóng để học chứng chỉ nghề nghiệp học hay không?
Nếu ăn cả những đồng tiền còm của nhân viên, của đồng nghiệp mình quả là tệ quá!