Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Cụ thể, đối với 20 văn bản quy định chi tiết đang nợ thuộc trách nhiệm soạn thảo của các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Y tế, Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ này khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ các nghị định chậm nhất trước ngày 1/3/2020 để hoàn thiện thủ tục ban hành trước ngày 15/4/2020.
Ảnh minh họa: vov.vn |
Riêng Bộ Công an (đối với một số văn bản phức tạp) trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước ngày 15/3/2020; ban hành thông tư trước ngày 15/3/2020.
Đối với 59 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ 32 nghị định chậm nhất trước ngày 15/4/2020 để hoàn thiện thủ tục ban hành trước ngày 15/5/2020; các Bộ chịu trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền đối với 27 thông tư trước ngày 15/5/2020.
Thủ tướng lưu ý, Bộ chủ trì khi xin ý kiến các Bộ, cơ quan khác phải nêu rõ nội dung cần xin ý kiến và hạn trả lời. Trường hợp còn ý kiến khác nhau phải tích cực chủ động trao đổi, làm việc để thống nhất trước khi trình Chính phủ.
Bộ phối hợp phải trả lời đúng hạn những vấn đề được lấy ý kiến, đặc biệt là vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách.
Lồng ghép, giảm thiểu ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết một luật
Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ động tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan; ưu tiên thẩm định nhanh hồ sơ các văn bản quy định chi tiết, đặc biệt là các văn bản đang nợ đọng.
Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất Thủ tướng phân công các Bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết ngay khi các luật, pháp lệnh được thông qua. Trong đó, cần lồng ghép nhiều nội dung trong một văn bản, giảm thiểu tối đa việc ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành một luật.
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập trung xử lý nhanh hồ sơ khi các Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; chủ trì tổ chức họp để Bộ chủ trì soạn thảo cùng các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, rút ngắn thời gian ban hành văn bản.
Bộ trưởng phải giải trình nếu để chậm tiến độ văn bản
Bộ trưởng các Bộ chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm tiến độ.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và các cá nhân, tổ chức liên quan năm 2020. Từng Bộ, cơ quan quán triệt nghiêm túc để thực hiện.
Các đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề các Bộ, cơ quan còn ý kiến khác nhau thuộc lĩnh vực được giao phụ trách; chỉ đạo việc ban hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các văn bản.