Trong các bài viết Thẩm phán Tòa án quận Cầu Giấy đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ và thiếu khách quan; Tập đoàn FLC tự công bố nợ Tập đoàn Hòa Bình 213 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa trả; Nói thẳng với 6 luật sư của FLC, "chây ì nghĩa là nợ mà không chịu trả", Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải thông tin nêu ra các bằng chứng hết sức quan trọng, chứng minh bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì nợ hàng trăm tỷ đồng" là hoàn toàn đúng sự thật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa các căn cứ pháp lý chứng minh, bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì nợ hàng trăm tỷ đồng" được đăng tải trên báo là hợp pháp và có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Thư xác nhận công nợ phải trả do chính Tập đoàn FLC gửi tới Tập đoàn Hòa Bình đề nghị xác nhận số tiền doanh nghiệp này phải trả là 213 tỷ đồng. |
Báo cáo tài chính quý IV/2017 của Tập đoàn FLC công bố tự xác nhận phải trả Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình là 213 tỷ đồng. |
Báo cáo tài chính 2017 của FLC đã được công bố công khai. |
Cụ thể, trong phần trình bày quan điểm, phần xét hỏi, tranh luận tại tòa, ông Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã dẫn giải cụ thể các căn cứ pháp lý cho thấy bài báo hợp pháp và vẫn đang tồn tại trên báo:
"Thứ nhất, Tập đoàn FLC cho rằng Báo sai tôn chỉ mục đích. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chúng tôi đăng tải bài viết này không vi phạm tôn chỉ mục đích.
Phần tôn chỉ mục đích các cơ quan nhà nước đã có ý kiến. Bài báo được sản xuất hợp pháp và hiện tại vẫn tồn tại trên trang báo.
Hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, giấy phép hoạt động báo chí là một công cụ quản lý nhưng bên cạnh đó có Hiến pháp, Luật Báo chí chứ không chỉ có giấy phép hoạt động báo chí.
Giấy phép hoạt động báo chí cũng chỉ là công cụ quản lý báo chí, không phải giấy phép hoạt động cấp cho doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp được hoặc không được làm gì?
Báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là cơ quan ngôn luận tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là diễn đàn của các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân, không phải doanh nghiệp.
Đến bao giờ Tập đoàn FLC mới chịu trả tiền cho Tập đoàn Hòa Bình? |
Chưa kể, ngay trong Giấy phép hoạt động báo chí cấp cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có điều khoản về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Sự vụ FLC chây ì trả nợ Tập đoàn Hòa Bình là một mối quan hệ được điều chỉnh bởi pháp luật và Báo lên tiếng là đúng.
Trả lời câu hỏi của FLC tại sao bài báo này được đăng, chúng tôi khẳng định, căn cứ đầu tiên là đơn kêu cứu của Tập đoàn Hòa Bình.
Hàng trăm con em của những người lao động của Tập đoàn Hòa Bình rất có thể đã bị ảnh hưởng học tập, sinh hoạt vì khoản nợ này. Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin từ Tập đoàn Hòa Bình phản ánh và có liên lạc với FLC nhưng họ không trả lời.
Tiếp nữa, chúng tôi căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 tại Điều 25 ghi “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”. Tập đoàn Hòa Bình là một trong đối tượng được điều chỉnh bởi điều này. Họ có quyền được đưa tin trên báo chí, họ có quyền kêu cứu tới báo chí.
Trách nhiệm của báo chí cũng được ghi rất rõ tại Điều 4; Điều 43 của Luật Báo chí. Các báo, nếu không đăng tải, cũng phải có văn bản trả lời theo quy định của pháp luật.
Tôi nhấn mạnh lại, bài báo được sản xuất hợp pháp và vẫn đang tồn tại.
Việc cơ quan quản lý Nhà nước có thể có các quyết định xử phạt về tôn chỉ mục đích với hoạt động của Báo, Báo cũng đã có đơn khiếu nại về vấn đề này.
Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng không có bất cứ yêu cầu nào là báo phải gỡ bỏ bài viết, cũng không có nhận định nào nói Báo đưa tin sai sự thật...
Về cáo buộc từ phía Tập đoàn FLC cho rằng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin sai sự thật, cho đến nay, các tài liệu mà chúng tôi nhận được từ phía Tập đoàn Hòa Bình, quá trình tiếp cận tài liệu cho thấy, chúng tôi đưa ý kiến của Tập đoàn Hòa Bình là có cơ sở.
Trong đó đáng chú ý, con số 213 tỷ đồng nêu trong bài viết là do Tập đoàn FLC tự nhận, tự công bố trong báo cáo tài chính quý IV/2017 và Thư xác nhận công nợ do chính FLC gửi tới Tập đoàn Hòa Bình ngày 8/2/2018”, ông Đào Ngọc Tước nói tại tòa.
Rõ ràng, tại phiên tòa, đại diện Tập đoàn Hòa Bình cũng đã nhiều lần khẳng định tại phiên xét xử là những gì báo đăng hoàn toàn chính xác, đúng sự thật".
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy - bà Phạm Thị Duyên. Ảnh: Tùng Dương |
Dù đại diện của Báo đã dẫn giải rất cụ thể các quy định nhưng trong phần nêu quan điểm của Viện kiểm sát do kiểm sát viên Phạm Thị Duyên trình bày và nhận định của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa - ông Nguyễn Văn Lương lại không đánh giá đúng các cơ sở pháp lý này.
Kiểm sát viên Phạm Thị Duyên vẫn giữ quan điểm cho rằng: “Theo tài liệu xác minh của tòa án, việc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết, Doanh nghiệp tố FLC chây ì nợ hàng trăm tỷ đồng của tác giả Nguyễn Hoàng là không phù hợp với tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép hoạt động Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông thể hiện tại công văn trả 660 ngày 30/5/2019.
Từ các phân tích trên căn cứ vào điều Điều 4, Khoản 8 Điều 9, Điều 12, Điều 42 Luật Báo chí, điều 592 Bộ Luật Dân sự 2015 đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đề nghị Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ bài viết doanh nghiệp tố FLC chây ì nợ hàng trăm tỷ đồng của tác giả Nguyễn Hoàng.
Do đưa thông tin không chính xác, không đúng tôn chỉ mục đích của báo, đề nghị Báo điện tử giáo dục Việt Nam bồi thường thiệt hại bù đắp tổn thất về tinh thần do hành vi xâm hại uy tín, danh dự là 14.900.000 đồng.
Buộc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam công khai xin lỗi tại điều 42 Luật Báo chí”.
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa - ông Nguyễn Văn Lương. Ảnh: Tùng Dương |
Trong phần nhận định về vụ án, thay mặt hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Lương đọc bản án cho rằng: “Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết doanh nghiệp tố FLC chây ì hàng trăm tỷ đồng là không đúng với giấy phép hoạt động của mình.
Khi đăng tải chưa xác minh tính hiện thực khách quan của giữa hai công ty, tìm ra nguyên nhân, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết trên vi phạm khoản 8 điều 9 luật báo chí năm 2016.
Quá trình điều tra Báo điện tử cho rằng đã làm đúng theo giấy phép hoạt động nhưng tại công văn số 290 của Cục Báo chí đã xử phạt hành chính Báo.
Việc báo trình bày đăng tải bài viết theo đúng quy định pháp luật và luật báo chí, luật chống tham nhũng, nhưng những điều luật mà báo đưa ra là không thuyết phục”.
Rõ ràng, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân và hội đồng xét xử vụ án mà chúng tôi dẫn ra đây cho thấy các cơ sở pháp lý mà đại diện của Báo trình bày tại tòa đã không được xem xét một cách khách quan.
Đặc biệt, với một bài báo, cơ quan báo chí thì tôn chỉ mục đích tối thượng phải là sự thật. Và sự thật khoản nợ 213 tỷ đồng là do FLC tự nhận, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không tự đưa ra.
Ông Nguyễn Văn Lương – Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa tuyên đọc bản án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn FLC và cho rằng Bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì nợ hàng trăm tỷ đồng" là không tôn trọng sự thật khách quan; không đánh giá đầy đủ chứng cứ, thiếu hiểu biết pháp luật về báo chí.
Nhận định đánh giá của Hội đồng xét xử trong phiên xét xử này có những biểu hiện không xem xét nghiêm túc những chứng lý quan trọng mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã cung cấp và trình bày; không xem xét nghiêm túc những tài liệu chứng cứ mà Tập đoàn Hòa Bình đã cung cấp.