Cơ bản đủ giáo viên và cơ sở vật chất
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Võ Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Trường đang đào tạo 21 nghề trình độ cao đẳng, 22 nghề trình độ trung cấp và 15 nghề trình độ sơ cấp và có đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải lúc nào trường cũng tổ chức được đủ các ngành nghề mà còn phải dựa vào số lượng cũng như nguyện vọng của học viên. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường vẫn đang liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa cho học sinh có nhu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, việc liên kết này cũng có hai mặt, mang đến những thuận lợi nhưng cũng kèm theo một số khó khăn nhất định.
Về thuận lợi, học sinh sẽ được học song song cả chương trình nghề, cả chương trình văn hóa phổ thông, trong tương lai có thể học lên trình độ cao hơn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ yêu cầu tay nghề giỏi mà còn đòi hỏi nhân sự phải có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Bên cạnh đó, nếu có bằng cấp, các em sẽ có nhiều lợi thế khi chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu lao động nước ngoài.
Song song với thuận lợi, việc liên kết dạy văn hóa với các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng mang lại khó khăn trong sắp xếp lịch học, cân đối nội dung chương trình học sao cho đảm bảo, giúp học sinh vừa nắm vững kiến thức nghề vừa có đủ kiến thức văn hóa.
Vì thế, theo đánh giá của tôi, Thông tư 15 sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả học sinh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trước khi Thông tư 15 ra đời, Bộ đã hướng dẫn các trường nghề thực hiện dạy văn hóa theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT. Tuy nhiên Thông tư 16 đã có từ lâu, nội dung kiến thức đã cũ, không còn phù hợp với xu hướng đào tạo hiện nay. Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng các trường nghề đã có hướng dẫn mới, cụ thể hơn, tạo điều kiện cho học sinh hệ 9+ học lên bậc cao đẳng sau khi hoàn thành xong chương trình trung cấp. Chắc chắn các em sẽ trưởng thành hơn, có nhiều cơ hội nghề nghiệp hoặc các em có thể học lên trình độ cao hơn nữa.
Thông tư cũng quy định rõ ràng hơn, giúp các trường thuận lợi trong tuyển sinh cũng như giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của người học. Khối lượng kiến thức văn hóa theo Thông tư mới quy định sẽ vừa sức đối với học sinh và không khiến các em chán nản khi theo học.
Một giờ trải nghiệm hướng nghiệp của học sinh trên địa bàn tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: website nhà trường |
Nhà trường đang khẩn trương rà soát, đánh giá về số lượng giáo viên cũng như về cơ sở vật chất. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nhanh chóng triển khai dạy chương trình văn hóa trong trường. Bên cạnh đó, trường cũng đang xây dựng đề cương chi tiết, phân phối chương trình theo khung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
Trước hết, chúng tôi có thuận lợi vì cơ bản đủ đội ngũ giáo viên cơ hữu có nhiều năm kinh nghiệm trong dạy văn hóa. Về cơ sở vật chất, trường cũng có đủ các phòng chức năng phục vụ cho các môn học. Bên cạnh đó, trường cũng có thêm thuận lợi là nằm ở cạnh một trung tâm giáo dục thường xuyên và một trường trung học phổ thông nên nếu gặp khó, chúng tôi sẽ nhờ sự giúp đỡ của các trường.
Còn khó khăn trước mắt là theo Thông tư mới, môn Lịch sử là một trong 3 môn học bắt buộc. Riêng môn học này, trường đang thiếu giáo viên và sắp tới sẽ phải ký hợp đồng bổ sung hoặc liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên".
Còn băn khoăn môn học lựa chọn, cần hướng dẫn chi tiết hơn
"Như trong Thông tư 15 đã đề cập, việc giảng dạy văn hóa trong các cơ sở nghề nghiệp là do các trường tự chủ. Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Sử, nhà trường có thể chọn lựa tổ chức dạy một trong 4 môn lựa chọn là Vật lý, Hóa học, Sinh học và Địa lý phù hợp với ngành học. Tuy nhiên, nhà trường cũng cần nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết hơn nữa của các cơ quan quản lý như: khi triển khai phải thực hiện những bước như nào, chuẩn bị thủ tục hồ sơ, báo cáo, tổ chức lớp học ra sao", ông Võ Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Còn theo ông Phạm Hồng Giang, Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 3 cao đẳng, 4 trung cấp, 18 trung tâm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai, chỉ đạo các trường sớm thực hiện Thông tư 15. Thuận lợi là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều đã có kinh nghiệm dạy văn hóa.
Tuy nhiên, tôi đánh giá khối lượng kiến thức trong chương trình còn khá nặng. Để học sinh chú tâm vào học nghề chúng ta cũng cần xem xét đến việc giảm khối lượng kiến thức. Hoặc là giảm một môn học nào đó để tránh tình trạng học sinh bỏ dở giữa chừng.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều trường vẫn băn khoăn, thắc mắc về việc học lên trình độ cao hơn của học sinh. Học 4 môn thì các em mới chỉ có thể học liên thông lên cao đẳng nhưng muốn thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì vẫn chưa có quy định cụ thể. Ví dụ như phải bổ sung những môn học nào, khối lượng kiến thức ra sao, cơ sở giáo dục nào sẽ dạy bổ sung phần kiến thức ấy. Còn vấn đề thiếu giáo viên hay cơ sở vật chất thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ phải chủ động tuyển dụng hoặc mua sắm bổ sung, vì chúng tôi không có ngân sách đầu tư cho các trường nghề”.
Trước đó, cuối tháng 7/2022 tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức dạy văn hóa ở các trường nghề, trường nghệ thuật; đưa giáo dục nghề nghiệp vào trường phổ thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mỗi năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khoảng 350.000 học sinh vào học trình độ trung cấp. Trong đó có trên 80% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng học và thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy, cần sớm có hướng dẫn cụ thể để Thông tư 15 sớm đi vào thực tiễn, tạo điều kiện để người học học tập suốt đời.