Thương mại hóa và con đường của giáo dục Việt Nam

30/09/2013 08:17
TS. Ngô Tự Lập
(GDVN) - Đóng góp ý kiến cho sự nghiệp đổi mới căn bản giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, những ý kiến thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Trong bài đầu tiên chúng tôi trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết của TS. Ngô Tự Lập (ĐHQG Hà Nội) về vấn đề nhìn nhận thương mại hóa trong giáo dục hiện nay và con đường đi tới của Giáo dục Việt Nam.

Bài 1: Những hình thức đầu tư cho giáo dục đại học

Theo tác giả hiện nay chúng ta có hai cách quan niệm về giáo dục, đó là: 1) coi giáo dục như là hoạt động công ích và 2) coi giáo dục là dịch vụ, tức là một hoạt động kinh doanh. Hai quan niệm này là cơ sở cho hai cách tổ chức giáo dục đại học.

Mỗi cách đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, phụ thuộc không chỉ vào hệ thống chính trị - xã hội, truyền thống văn hóa, mà còn phụ thuộc vào những đặc điểm của thời đại, những thay đổi về bản chất của nền kinh tế và từ đó là những thay đổi về chức năng của trường đại học.

Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng phân tích bối cảnh hiện nay của Việt Nam và thế giới, từ đó chỉ ra rằng giáo dục đại học Việt Nam không chỉ cần phải chấp nhận, mà còn phải chủ động thương mại hóa giáo dục đại học một cách hợp lý, theo nghĩa là kết hợp những ưu điểm của cả hai quan niệm nói trên.



Vì sao kết quả đầu tư giáo dục bị giảm đi?

Quan niệm về giáo dục như là hoạt động kinh doanh gần đây nổi lên mạnh mẽ và châm ngòi cho nhiều tranh cãi, nhưng thật ra đã có từ xa xưa. Ngay cả trong xã hội Việt Nam thời phong kiến cũng đã có những ông giáo kiếm sống nhờ dạy học, mặc dù “học phí” có thể không cao như ở các trường đại học Anh-Mỹ hiện đại và không phải bao giờ cũng trả bằng tiền. Học phí, đó là chi phí người học bỏ ra để đầu tư cho tương lai.  

Nhưng không chỉ trong các lớp học của các thầy đồ xưa hay trong các trường đại học tư hiện đại người học mới phải bỏ tiền để đầu tư cho tương lai. Sự đầu tư ấy là điều kiện tiên quyết cho mọi hình thức giáo dục, cả công và tư. Sự khác nhau chỉ là cách tổ chức đầu tư mà thôi.

Ở mô hình đại học công ích, tiền đầu tư là tiền thuế, cũng tức là từ tiền của dân. Khoản đầu tư này được giao cho một cơ quan chuyên trách, thường là Bộ giáo dục, chủ yếu để đảm bảo cho các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập cùng với các cơ quan quản lý và bổ trợ khác. Vì nguồn vốn đầu tư công cho bất kỳ quốc gia nào đều là hữu hạn nên trong trường hợp này hàng loạt chính sách được đưa ra để lựa chọn lĩnh vực và đối tượng đầu tư (hạn chế số trường, hạn chế số sinh viên thông qua kỳ thi đại học…)

Ảnh có tính chất minh họa.
Ảnh có tính chất minh họa.

Mô hình này có một điểm mạnh, đó là có thể tập trung phát triển những ngành khoa học cơ bản hay khoa học xã hội và nhân văn, những ngành không đem lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với nền học thuật của một quốc gia.

Về mặt lý thuyết, mô hình này có thể hoạt động tốt, nếu như các cơ quan nhà nước và các trường đại học thực hiện tốt các chức năng của mình (không có tham nhũng, minh bạch trong tuyển dụng, không có tệ quan liêu…) Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí là khá phổ biến ở các trường công, đặc biệt là ở các nước có dân trí thấp và hệ thống công quyền lạc hậu như Việt Nam. Kết quả là hiệu quả đầu tư bị giảm đi đáng kể.

Ở mô hình đại học kinh doanh, vốn đầu tư cũng là của người dân. Tuy nhiên, ở trường hợp này, chính người dân, chứ không phải Bộ giáo dục, là người quyết định đầu tư vào đâu và như thế nào. Người dân sẽ cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn trường, ngành học và cấp học, nhằm đạt được hiệu quả đầu tư cao nhất.

Các trường đại học kinh doanh không nhất thiết phải là trường tư, mà còn có thể là trường công hoặc trường do các tổ chức xã hội, tôn giáo… thành lập. Ở đây, cần phải phân biệt hai khái niệm “có lãi” và “vụ lợi”. Mặc dù mọi trường đại học kinh doanh đều buộc phải có lãi, không phải trường nào cũng vụ lợi. Các trường bất vụ lợi là những trường không chia lãi cho các cá nhân hay tổ chức góp vốn, mà sử dụng tiền lãi thu được để cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao đời sống thầy trò của nhà trường, làm từ thiện hay nộp ngân sách nhà nước - cũng là góp phần thực hiện các hoạt động vì xã hội và cộng đồng.

Các trường vụ lợi có chia lợi nhuận cho cổ đông. Tuy nhiên, ngay cả các trường vụ lợi cũng không nhất thiết phải là đối tượng phê phán. Vấn đề quan trọng đối với người học không phải là các cổ đông có được chia lãi hay không, mà đồng tiền mình bỏ ra có được đền bù bằng chất lượng đào tạo xứng đáng hay không. Đó chính là lý do nhiều gia đình chi hàng tỷ đồng mỗi năm cho con đi du học, trong khi họ có thể cho con học đại học công ở Việt Nam, là những trường đại học công ích, gần như miễn phí.

Tất nhiên, có những e ngại, rằng với tư cách là những nhà kinh doanh, những người kinh doanh giáo dục sẽ đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu. Lý luận này khiến tôi nhớ lại lý luận của những người chủ trương ngăn sông cấm chợ trước Đổi Mới. Khi đó, họ e ngại rằng nếu chấp nhận kinh tế tư nhân, những người kinh doanh – những “con phe” theo cách gọi đầy miệt thị thời đó - sẽ vì lợi nhuận mà đầu cơ, tăng giá và sản xuất hàng kém chất lượng, làm hại người tiêu dùng. Nhưng khi kinh tế thị trường cuối cùng được chấp nhận, thì kết quả hoàn toàn ngược lại.

Lý do thì chẳng có gì mới: bất kỳ người kinh doanh thực thụ nào đều hiểu rằng lợi nhuận gắn liền với chất lượng. Nếu chất lượng đào tạo của một trường đại học không tốt, trong khi học phí cao, thì sớm muộn nó cũng sẽ bị người học tẩy chay. Còn học phí cao mà chất lượng tốt tương xứng thì người học vẫn chọn.

Vậy những người kinh doanh không “thực thụ” thì sao? Câu trả lời của tôi là chúng ta phải điều chỉnh bằng pháp luật. Khi chấp nhận và khuyến khích thương mại hóa giáo dục, chúng ta cần sử dụng cả Luật Doanh nghiệp và Luật Giáo dục Đại học để điều chỉnh hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học.

Một mặt, đại học kinh doanh phải chịu sự điều tiết của Luật doanh nghiệp. Mặt khác, vì giáo dục đại học là một dịch vụ đặc biệt, nó phải chịu sự điều chỉnh của Luật giáo dục đại học, phải chịu sự giám sát và can thiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng giáo viên v.v...Điều này cũng tương tự như doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm phải chịu sự điều tiết của luật doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải chịu sự giám sát của Bộ y tế. Ngoài ra, các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu có, còn chịu sự điều chỉnh của Luật hình sự.

Chủ nghĩa thực dân học thuật

Mặc dù hai mô hình giáo dục (công ích và kinh doanh) đều có những ưu và nhược điểm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hầu như không còn cơ hội để lựa chọn. Chúng ta gần như bị buộc phải chấp nhận thương mại hóa giáo dục đại học, một khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong thế giới hậu hiện đại, như Jean-François Lyotard đã chỉ ra, tri thức trở thành một thứ hàng hóa và mối quan hệ giữa người cung cấp và người sử dụng tri thức đã trở thành quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, giáo dục, trước hết là giáo dục đại học, đang dần dần trở thành miền đất hứa cho những tập đoàn kinh doanh giáo dục hùng mạnh của các nước phát triển.

Nhận thấy cơ hội làm ăn lớn, ngày càng nhiều trường đại học phương Tây mở ra một bộ phận “Giáo dục Quốc tế”, chuyên khai thác các thị trường này béo bở này tại các nước đang phát triển. Nhiều tập đoàn giáo dục được thành lập hoàn toàn vì mục đích khai thác các thị trường này. Đây chính là cái mà nhiều học giả trên thế giới gọi là Chủ nghĩa thực dân học thuật (academic colonialism).

Chủ nghĩa thực dân học thuật không thô bạo như chủ nghĩa thực dân cũ. Nó được ngụy trang dưới cái tên rất mỹ miều là “Quốc tế hóa giáo dục” và sử dụng những công cụ đặc thù của các tập đoàn thương mại, trong đó nhiều công cụ có mục đích sâu xa là tạo ra ưu thế cạnh tranh của các trường đại học phương Tây.

Một ví dụ là việc xếp hạng các trường đại học. Thoạt nhìn, các tiêu chí xếp hạng rất khoa học và vô tư, nhưng nếu nghiên cứu kỹ ta sẽ thấy rằng nó ưu ái các trường đại học nghiên cứu, chủ yếu là ở các nước phát triển Phương Tây. Những đòi hỏi về công bố quốc tế cũng vậy. Đòi hỏi về công bố công trình trên các tạp chí quốc tế, mà tuyệt đại đa số là các tạp chí bằng tiếng Anh và do các tập đoàn truyền thông phương Tây thống trị, buộc các học giả, nhất là các học giả trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, của các nước ngoài phương Tây phải tham gia một cuộc đấu không cân sức.

Hãy thử tưởng tượng, một giáo sư văn học Trung Quốc người Thái Lan phải viết bài về văn học Trung Quốc bằng tiếng Anh để đăng ở một tạp chí ở Hoa Kỳ, trong khi đáng lẽ ông ta phải viết bằng tiếng Thái và đăng ở Thái Lan (cho các độc giả là sinh viên người Thái), hoặc viết bằng tiếng Hoa và đăng tại Trung Quốc, nơi hàng trăm triệu độc giả có thể thẩm định bài viết của ông. Còn một giáo sư Hoa Kỳ thì chẳng cần phải học ngoại ngữ nào, và ông ta có thể đăng bất kỳ tạp chí nào của Hoa Kỳ.

Với những tiềm lực và chiến lược bành trướng tinh tế và toàn diện như vậy, trong cuộc xâm chiếm thuộc địa kiểu mới này, các tập đoàn tư bản giáo dục phương Tây còn được hỗ trợ bởi các chính phủ và các các tổ chức quốc tế, phần lớn cũng do các cường quốc phương Tây kiểm soát.

Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) có hiệu lực từ năm 1995, chẳng hạn, xác định giáo dục là một lĩnh vực dich vụ mang tính thương mại mà các quốc gia phải thương lượng khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một khi thị trường giáo dục được mở ra, ưu thế tuyệt đối sẽ thuộc về các tập đoàn phương Tây. Khăng khăng cự tuyệt thương mại hóa giáo dục, vì thế, đồng nghĩa với tự đầu hàng ngay trên sân nhà.

TS. Ngô Tự Lập