Cảnh “ăn đong” mỗi mùa tuyển sinh
Mấy năm trở lại đây, bức tranh tuyển sinh chung của các trường cao đẳng sư phạm không mấy tươi sáng. Dù chế độ đãi ngộ hấp dẫn từ học phí đến phí sinh hoạt, dù đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, tuyên truyền,... tuy nhiên nhiều trường chỉ tuyển được khoảng hơn 50% chỉ tiêu đặt ra hàng năm.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Văn Tám - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Long An cho biết, năm 2021, trường được giao 160 chỉ tiêu sư phạm mầm non, tuy nhiên thực tế chỉ tuyển được khoảng hơn 70 chỉ tiêu. Tình trạng một số sinh viên học được một thời gian sau đó bỏ học cũng xảy ra.
Tương tự, năm nay, trường tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 160 chỉ tiêu, tuy nhiên đến nay trường cũng mới chỉ nhận được khoảng một nửa số hồ sơ xét tuyển.
Theo nhiều lãnh đạo trường cao đẳng, hiện nay các trường mới chỉ nhận được khoảng 50% hồ sơ so với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Tình hình tuyển sinh cũng không khá hơn, thầy Phùng Quý Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết, năm 2021, mặc dù chỉ tiêu được giao chỉ có 80 sinh viên ngành sư phạm mầm non, tuy nhiên trên thực tế nhà trường chỉ tuyển được 60 chỉ tiêu.
Năm nay, trường được tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 100 sinh viên. Đến hết tháng 8 sẽ kết thúc đợt tuyển sinh lần 1, số hồ sơ trường nhận được hiện tại vẫn chưa đủ.
“Hy vọng sau khi các trường đại học công bố kết quả trúng tuyển, các trường cao đẳng sẽ có thêm nguồn tuyển ở đợt tuyển bổ sung lần thứ 2”, thầy Sơn cho biết.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 17/9 mới là hạn cuối để các trường đại học công bố danh sách trúng tuyển, do vậy hiện nay rất nhiều trường cao đẳng vẫn đang “hồi hộp” chờ đợi để tuyển sinh.
Cũng trăn trở về bài toán tuyển sinh, thầy Trần Ngọc Hiển - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định chia sẻ: “Việc triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP ở tỉnh Nam Định đang làm rất tốt, tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn tuyển. Năm ngoái trường chúng tôi tuyển không đủ chỉ tiêu, mặc dù số lượng tuyển được đã gấp đôi năm kia, vì vậy năm nay nhà trường cũng đang phấn đấu tuyển đủ 117 chỉ tiêu được giao là tốt lắm rồi”.
Các trường cao đẳng gặp khó “đủ đường”
Lý giải việc không thể tuyển đủ chỉ tiêu, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng sư phạm đều cho rằng lý do quan trọng nhất là sức hút của ngành nghề giảm, chế độ lương, đãi ngộ còn quá thấp, trong khi công việc của một giáo viên mầm non lại quá vất vả.
“Lương giáo viên mầm non còn không bằng lương công nhân đi làm tại địa phương”, một lãnh đạo trường cao đẳng chua xót chia sẻ.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Hiện nay, giáo viên mầm non làm việc tại các trường công lập đang áp dụng theo bảng lương được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP dựa vào hệ số và mức lương cơ sở.
Cụ thể, giáo viên mầm non sẽ được bổ nhiệm theo các hạng: Hạng III mã số V.07.02.26; hạng II mã số V.07.02.25; hạng I mã số V.07.02.24. Và tương ứng với các hạng này, giáo viên mầm non sẽ được xếp lương theo hệ số của viên chức dựa theo công thức: Lương = Hệ số x mức lương cơ sở.
Hệ số lương theo từng hạng như sau:
Giáo viên mầm non hạng III áp dụng mức lương của viên chức loại A0, có hệ số lương từ 2,1 - 4,89.
Giáo viên mầm non hạng II áp dụng mức lương của viên chức loại A1, có hệ số lương từ 2,34 - 4,98.
Giáo viên mầm non hạng I áp dụng mức lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, có hệ số lương từ 4,0 - 6,38.
- Mức lương cơ sở: Do ảnh hưởng của COVID-19, cải cách tiền lương bị lùi lại đến thời điểm thích hợp nên mức lương cơ sở vẫn được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.
Như vậy, hiện tại mức lương khởi điểm của một giáo viên mầm non mới ra trường chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng (tại các trường công lập). Rõ ràng với mức lương hơn 3 triệu đồng, thực sự rất khó đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh giá cả thị trường leo thang như hiện nay. (1)
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ đại học. Do đó, quy mô đào tạo của các trường cao đẳng bị thu hẹp lại.
Trong khi đó, theo lãnh đạo một số trường cao đẳng sư phạm, hiện nay việc đi học đại học lại... khá dễ. Nhiều trường đại học tuyển sinh đầu vào với điểm chuẩn chỉ tương đương ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) ngành sư phạm, nên rất ít người lựa chọn học cao đẳng.
Thầy Hồ Văn Tám - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Long An chia sẻ:
“Một số em vùng sâu vùng xa không có tiền đi học đại học thì mới chọn các trường cao đẳng ở tỉnh để học thôi”.
Cánh cửa đại học “rộng thênh thang” cũng là nguyên nhân khiến các trường cao đẳng loay hoay bài toán tuyển sinh. Theo thầy Phùng Quý Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, “sinh viên học trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm. Đa số các em học xong đều muốn tìm một vị trí biên chế nhà nước, tuy nhiên chỉ tiêu biên chế rất ít, các đợt tuyển dụng biên chế cũng không có nhiều. Đây cũng là bối cảnh chung của các tỉnh hiện nay”.
Thầy Trần Ngọc Hiển - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định. Ảnh: Website nhà trường. |
Đây cũng là nhận định của thầy Trần Ngọc Hiển - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định: “Nam Định lâu rồi không tuyển biên chế. Mặc dù Bộ Chính trị vừa có quyết định bổ sung biên chế giáo viên, tuy nhiên để triển khai thì cũng cần thời gian và quá trình”.
Vậy đâu là lời giải cho bài toán tuyển sinh của các trường cao đẳng hiện nay? Theo lãnh đạo các trường cao đẳng sư phạm, Nghị định 116/2020/NĐ-CP là giải pháp ưu việt, tiến bộ của Nhà nước trong việc thu hút sinh viên sư phạm. Tuy nhiên Nghị định 116 mới chỉ đáp ứng được đầu vào, là điều kiện đảm bảo cho sinh viên trong thời gian đi học, còn điều kiện quan trọng hơn hết là “đầu ra và chế độ lương, chính sách đãi ngộ” có điểm còn chưa rõ.
“Nghị định 116 là chính sách rất tốt, tuy nhiên vấn đề đặt hàng đào tạo cần đồng bộ với các quy định về tuyển dụng và sử dụng, phân công công tác cho người học sư phạm sau khi tốt nghiệp để các em có thể yên tâm cống hiến trong ngành.
Ngoài ra, chế độ lương và chính sách đãi ngộ cần được chú trọng hơn nữa thì mới có thể thu hút được người học lựa chọn sư phạm mầm non. Vì đặc thù giáo viên mầm non rất vất vả, áp lực công việc lại rất lớn”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Long An nêu ý kiến.
Vấn đề tuyển dụng sinh viên cũng là trăn trở của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, theo đó, thầy Hiển đề xuất: “Tỉnh đặt hàng thì tỉnh có quyền tuyển dụng (theo cơ chế riêng) với những sinh viên này, tất nhiên các em phải có kết quả học tập khá, tốt".
Tài liệu tham khảo:
(1) https://laodong.vn/ban-doc/luong-giao-vien-mam-non-cong-lap-nam-2022-1073752.ldo?fbclid=IwAR0hRxcCuQEDLTZphZYobkALId7CDWSWoP3IWCUqSOe0se_OfIhgJ3creSI