Quá nhiều vướng mắc, bất cập khi đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116

14/03/2022 06:32
Hà Anh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng ra trường nhưng không phải đương nhiên trở thành giáo viên mà vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức.

LTS: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116).

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 116; hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội cũng như việc triển khai phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội… Nhưng đến nay nhiều địa phương chưa thực hiện triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Phóng viên: Cho đến thời điểm này, rất ít địa phương triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên. Tại Hải Dương, vấn đề đặt hàng, đấu thầu đã được triển khai chưa, thưa bà?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Đúng là cho đến nay có rất ít các địa phương đã triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên cho dù Nghị định 116/2020/NĐ- CP đã ra đời từ tháng 9/2020, nghĩa là gần 2 năm rồi.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh: quochoi.vn)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh: quochoi.vn)

Điều này không phải do các địa phương chậm chạp, trì trệ trong khâu tổ chức thực hiện mà do còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc khi đi vào thực hiện Nghị định 116 khiến cho các địa phương không thể tự tháo gỡ được nếu như không tiếp tục có những văn bản hướng dẫn, quy định khác. Riêng chuyện tổng rà soát nhân lực ngành giáo dục trong tỉnh để xác định chính xác nhu cầu cũng là việc làm cần có thời gian nhất định.

Hải Dương cũng giống phần đông các tỉnh, đang rất thận trọng rà soát nhu cầu giáo viên còn thiếu, chứ chưa thể tiến hành đặt hàng, ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo giáo viên được.

Một số địa phương còn thấy vướng mắc về mặt pháp lý khi thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, trong khi việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Nếu đặt hàng đào tạo, sau này người được đặt hàng cũng phải tham gia tuyển dụng, nếu không đạt thì không được vào ngành. Trong khi đó, những sinh viên tốt nghiệp sư phạm không phải do địa phương đặt hàng vẫn có quyền thi tuyển biên chế bình đẳng với sinh viên đăng ký theo diện đặt hàng. Bà nghĩ sao về thực trạng này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi nhắc lại, sở dĩ các tỉnh chưa thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các cơ sở đào tạo theo tinh thần của Nghị định 116 là do có quá nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vướng mắc đầu tiên là việc có đấu thầu, nghĩa là chúng ta coi việc đào tạo giáo viên cũng như việc cung cấp một mặt hàng, các cơ sở đào tạo là doanh nghiệp cung cấp mặt hàng đó.

Trong khi, chất lượng và uy tín, bề dày kinh nghiệm đào tạo giữa các cơ sở giáo dục này là không giống nhau nếu không muốn nói là có những độ chênh đáng kể. Tuy nhiên, khi đưa ra đấu thầu thì còn nhiều yếu tố khác nữa để quyết định cơ sở nào sẽ thắng thầu. Sẽ ra sao nếu như những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng, có bề dày thành tích lại liên tục trượt thầu vì những lý do nào đó?

Thứ hai là việc sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng (hiểu ngắn gọn là nhà nước chi trả tiền đào tạo) ra trường nhưng không phải đương nhiên trở thành giáo viên mà vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục. Trong quy định của Nghị định 116, nếu sinh viên đó tốt nghiệp mà không công tác trong ngành thì sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Thế nhưng nếu không trúng tuyển thì sao? Có phải bồi hoàn chi phí hay không (không trúng tuyển là lý do khách quan, không phải ý chí chủ quan của các em). Nếu không phải bồi hoàn chi phí đào tạo đối với trường hợp trượt trong các kỳ thi tuyển dụng thì liệu có trường hợp cố tình trượt để không bồi hoàn chi phí hay không?

Hơn nữa, những sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội (tự bỏ tiền ra để đi học, không được hỗ trợ) vẫn được quyền thi tuyển, và nếu trúng tuyển thì có sự không công bằng trong chính sách (cùng là giáo viên, người thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, người không được hỗ trợ).

Tất cả những bất cập vừa nêu khiến cho Nghị định 116 chưa thực hiện được ở rất nhiều địa phương. Số tiền bỏ ra để đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên của mỗi địa phương hàng năm sẽ chiếm một phần ngân sách không nhỏ nhưng lại đứng trước nhiều bất cập chưa có giải đáp nên các địa phương chưa thể tiến hành được.

Nhiều địa phương không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 hoặc có đặt hàng nhưng lại chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên. Cần giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Với những khó khăn bất cập tôi vừa nêu, cộng thêm việc không phải bất cứ địa phương nào cũng có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, hoặc không phải địa phương nào cũng bố trí được nguồn lực ngân sách để đặt hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID bùng phát ảnh hưởng sâu đến sự phát triển kinh tế như hiện nay, thì việc cần làm ngay trước mắt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương rà soát để tham mưu cho Chính phủ có những tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Nghị định 116.

Cần phải hoàn thiện hệ thống các quy định, tránh sự xung đột pháp lý về các quy định trong đào tạo cũng như tuyển dụng giáo viên.

Thêm nữa, việc đấu thầu, đặt hàng phải căn cứ vào nhu cầu, vào tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, không thể bắt buộc các địa phương cùng thực hiện như nhau, theo một khung định sẵn. Và việc đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên có thể coi là một loại "hàng hóa đặc biệt" nên những quy định về đấu thầu cũng cần xem xét lại một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Tôi cho rằng cần có những quy định riêng mang tính đặc thù chứ không phải chúng ta cứ dập khuôn theo những quy định về đấu thầu hàng hóa! Nếu không cẩn trọng, những sai sót trong quá trình này sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, mà sự trả giá có khi phải tính bằng sự tổn thương tri thức của cả một thế hệ, một dân tộc, chứ không đơn thuần là những thiệt hại kinh tế đong đếm được.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Hà Anh (thực hiện)