Tiền lương tăng, giá SGK giảm thể hiện trách nhiệm xã hội, nỗ lực của NXBGDVN

13/08/2024 09:07
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -"Chúng ta cũng nên hướng tới động viên các nhà xuất bản khác cùng chung tay, chia sẻ để ổn định giá cả sách giáo khoa khi năm học mới đang cận kề".

Thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giảm giá thành sách giáo khoa trước thềm năm học mới đã nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.

Cụ thể, giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Trong đó, giá bìa bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" giảm 9,6%; giá bìa bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo" giảm 11,2%; giá sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 được xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản.

Giá thành sách giáo khoa giảm thể hiện trách nhiệm với xã hội

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam - Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho hay, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giảm giá trên dưới 10% các bộ sách đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục trước thềm năm học mới. Điều này đã thể hiện tính nhân văn rất cao, giúp giảm đi gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là đối với phụ huynh, các em học sinh vùng sâu vùng xa vốn rất khó khăn để mua được một bộ sách giáo khoa.

2U1A1234_MOV_snapshot_00_00_119.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh tiền lương được nâng mà giá sách giáo khoa lại giảm đã thể hiện một việc làm rất ý nghĩa và có tính nhân văn của ngành Giáo dục, đáng được xã hội ghi nhận. Trên thực tế, thời gian qua có khá nhiều phụ huynh phản ánh về giá thành sách giáo khoa. Do đó, khi giá thành sách giảm, người dân chắc chắn sẽ đồng tình và phấn khởi hơn.

Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, đây mới chỉ là sự vào cuộc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Do đó, các nhà xuất bản khác cũng phải hợp sức cùng để san sẻ gánh nặng kinh tế cho người dân. Hơn nữa, các nhà xuất bản khác nếu không có động thái như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tất yếu sẽ tự đào thải mình ra khỏi thị trường vốn có tính cạnh tranh.

Mặt khác, theo Đại biểu, hiện nay hầu như tất cả bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 gần như đã được vận hành một cách trơn tru và sẽ có tính ổn định lâu dài.

“Tôi hy vọng, các nhà xuất bản sẽ có động thái tích cực giống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chúng ta phải làm sao để trước thềm năm học mới, vấn đề giá thành không còn là nỗi lo, rào cản của nhiều bậc phụ huynh và học sinh, để tất cả trẻ em đều được dùng sách giáo khoa”, Đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ.

Bên cạnh đó, Đại biểu Hồ Thị Minh cũng mong rằng, khi các bộ sách đã vào “guồng” như hiện nay, những chi phí không cần thiết như chi phí kiểm định...sẽ được các nhà xuất bản tiết giảm hơn nữa để giá thành sách giáo khoa có thể giảm nữa.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh bày tỏ, với việc giảm giá thành sách giáo khoa trước thềm năm học mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ góp phần giúp ổn định chỉ số CPI. Do vậy, chúng ta cũng nên hướng tới động viên các nhà xuất bản khác cùng chung tay, chia sẻ để ổn định giá cả sách giáo khoa khi năm học mới đang cận kề.

Cũng theo bà Hà, vì mục đích an sinh xã hội, cơ chế hiện nay đang hướng tới tiết giảm chi phí để giảm giá thành sách giáo khoa, giảm nhiều ưu đãi.

Do đó, nhiều đơn vị phát hành sách có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn phát sinh, đặc biệt là đơn vị ở những địa phương có địa hình phức tạp, khó khăn trong vận chuyển. Điều này đòi hỏi những đơn vị phát hành sách sẽ cần nỗ lực tiết giảm các chi phí khác để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Do đó, bà Hà nhấn mạnh, các đơn vị phát hành và các nhà xuất bản cần cùng nhau chia sẻ để thực hiện trách nhiệm xã hội.

Bày tỏ ý kiến về thực tế trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho hay:

“Rất hoan nghênh Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cố gắng tiết kiệm mọi chi phí để giảm được giá thành sách giáo khoa. Bởi sách giáo khoa rất cần thiết đối với bất kỳ học sinh nào. Nó liên quan đến toàn thể xã hội, đến hàng triệu học sinh trên cả nước, đặc biệt là những em thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nếu như ngoài Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, những nhà xuất bản khác cũng làm được điều này sẽ là tín hiệu rất tốt cho xã hội, cho toàn ngành giáo dục”.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, khi đi tiếp xúc với cử tri, ông cũng nhận được phản ánh từ nhiều người dân là giá thành sách giáo khoa còn cao so với điều kiện của họ.

Do đó, việc giảm giá thành sách giáo khoa chắc chắn người dân sẽ rất phấn khởi, đồng thời thể hiện sự chuẩn bị chu đáo cho năm học mới của ngành Giáo dục.

"Chúng ta phải làm sao để điều chỉnh giá sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của tất cả người dân, tránh tiêu cực, để cho bất kỳ học sinh nào cũng được tiếp cận, đủ điều kiện học tập tốt", ông Sáu nói.

Giá sách giáo khoa được minh bạch thể hiện trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội

Trước một số ý kiến cho rằng làm sách giáo khoa rất lãi, Đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ, kể từ ngày 1/7/2024 khi Luật Giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực, sách giáo khoa được xếp vào loại hàng hóa được Nhà nước định giá đã phần nào thể hiện tính minh bạch của giá thành các bộ sách giáo khoa hiện nay.

Z4565677910643_Eae3a.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Còn theo Đại biểu Nguyễn Thị Hà, việc giá thành sách giáo khoa được kê khai trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và được Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) phê duyệt đã góp phần thể hiện sự công khai, minh bạch. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của người dân, người tiêu dùng và ổn định dư luận.

Hơn nữa, có thể thấy rằng, trên thực tế, việc tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành sách giáo khoa hiện nay không phải là độc quyền của bất kỳ nhà xuất bản nào nên giá thành cũng sẽ có tính cạnh tranh.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư An, sách giáo khoa là một mặt hàng đặc biệt vì liên quan đến an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính quản lý giá là rất cần thiết để không ai được phép lũng đoạn giá sách giáo khoa trên thị trường. Sự minh bạch như vậy sẽ giúp cho Nhà nước kiểm soát, nhân dân giám sát, không để chuyện tăng đột biến giá sách giáo khoa xảy ra.

Cũng theo bà An, trên thực tế, đã là doanh nghiệp họ sẽ cần có lãi để điều phối chi phí sản xuất, nhân công, … nhưng trên cơ sở hài hòa lợi ích.

Điều này tức là có lợi cho doanh nghiệp nhưng giá thành đưa ra phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay của Việt Nam, phù hợp với chất lượng sách, chất lượng giấy, …

Tường San