Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Thầy đổ nước vào miệng học trò nên chuyển nghề khác

13/01/2016 13:30
Thùy Linh
(GDVN) - Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Đối với những giáo viên đánh đập học sinh, năng lực, phẩm chất không có thì nên luân chuyển họ sang ngành nghề khác".

Vụ việc xảy ra tại tiết sinh hoạt của lớp 7A3 trường THCS Cát Tài, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định.

Theo tường trình của trường THCS Cát Tài, cuối tháng 10/2015, trong tiết sinh hoạt chiều thứ Bảy, thầy Nguyễn Minh Đề mở sổ đầu bài, biết lớp mình chủ nhiệm bị Sao đỏ trừ 2 điểm thi đua do lỗi của Lưu Thế Phong gây ra.

Học sinh này thừa nhận, các bạn cùng lớp đùa giỡn ồn ào đã la lớn “Tụi bay im đi, Sao đỏ đến kìa” nên bị phát hiện, trừ điểm thi đua.

Thầy Đề cho rằng, việc nhắc nhở lớp không phải trách nhiệm của Phong nên yêu cầu học sinh này lên nằm ngửa trên bục giảng.

Lúc đầu, thầy giáo gọi một học sinh lấy nước chai nhỏ đổ vào miệng Phong. Sau đó, ông bưng bình nước uống lớn mở vòi đổ vào miệng đến khi Phong ho sặc sụa mới ngừng tay.

Thầy giáo này còn tát 9 cái vào mặt học sinh vì tội mở sổ đầu bài xem và đi ra ngoài khi trống đánh vào lớp.

Em Nguyễn Thanh Phong bị đánh bằng thước vì ngồi sai sơ đồ lớp.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Thầy đổ nước vào miệng học trò nên chuyển nghề khác ảnh 1
Vụ việc thầy giáo đổ nước vào miệng học trò xảy ra tại trường THCS Cát Tài, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định (Ảnh: thanhnien.vn)

Nguyễn Lê Gia Bảo bị thầy dùng thước đánh vào đầu vì thắc mắc việc thầy trả lại 10.000 đồng tiền thừa không đủ khi nộp học phí. 

Sự việc được nhà trường biết khi các em học sinh và phụ huynh làm đơn tố giác về hành vi phi giáo dục của thầy Nguyễn Minh Đề.

Sau đó, UBND, Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát có Quyết định số 807/QĐ-PGDĐT ngày 17/12/2015 về việc thi hành kỷ luật viên chức đối với thầy Nguyễn Minh Đề bằng hình thức cảnh cáo.

Tuy nhiên mức cảnh cáo này không được dư luận và các bậc phụ huynh đồng tình nên UBND huyện Phù Cát đã giao cho Thanh tra huyện, Phòng GD&ĐT và Phòng Nội Vụ huyện Phù Cát xác minh làm rõ sự việc để đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng đối với hành vi bạo lực học đường này. 

Ngày 12/1, Sở GD&ĐT Bình Định lập đoàn thanh tra vụ việc thầy giáo Nguyễn Minh Đề, trường THCS Cát Tài (huyện Phù Cát) có hành vi thô bạo, xâm phạm thân thể học sinh.

Sự việc xảy ra khiến dư luận xã hội phẫn nộ trước cách hành xử đổ nước vào miệng để phạt học sinh của người thầy này.

Nhìn nhận phương pháp giáo dục đó, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: “Đây là hành vi không thể chấp nhận được của người giáo viên.

Bởi khi khả năng sư phạm không thuyết phục được thì đã dùng biện pháp đày ải học trò.

Hành vi này vừa vi phạm pháp luật vừa thể hiện nhân cách người thầy quá kém. 

Báo chí đã nói nhiều đến những vụ việc tương tự nhưng người thầy vẫn mắc phải cho nên cần kỷ luật nặng.

Hơn nữa, trẻ mầm non chưa nhận thức được mà cô giáo có hành vi đày ải đã không thể chấp nhận được huống chi đây là học trò bậc Trung học cơ sở, trò đã nhận thức, đã biết được mọi việc thì hành vi này càng phải lên án”. 

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Đối với những giáo viên đánh đập học sinh, năng lực, phẩm chất không có thì nên luân chuyển họ sang ngành nghề khác". (Ảnh: TTXVN)
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Đối với những giáo viên đánh đập học sinh, năng lực, phẩm chất không có thì nên luân chuyển họ sang ngành nghề khác". (Ảnh: TTXVN)

Hơn nữa, theo Tiến sỹ, việc đổ nước vào miệng để trừng phạt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của học trò. Đối với từng đối tượng học sinh thì mức độ sẽ khác nhau. 

Nếu là học sinh nghịch ngợm, ghê gớm thì mức độ sẽ thấp hơn, nhưng đối với học sinh ngoan, sợ sệt thì hành vi này của thầy sẽ gây chấn động tâm lý khiến trẻ sợ hãi, thiếu tự tin, thiếu lòng tin với người lớn…

Điều quan trọng hơn nữa là, việc đổ nước vào miệng học trò không phải chuyện đơn giản đổ nước là đổ nước bởi khi trẻ sặc, nước vào phổi thì nguy cơ tử vong rất cao. Tại sao người thầy không lường được hiểm họa này?

Khi xã hội có nhiều xáo trộn như hiện nay, cùng với tâm lý trẻ phát triển chưa toàn diện cho nên cần coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đặc biệt là khâu tuyển chọn.
 
Bởi lẽ, dù đã được các phương tiện truyền thông răn đe, nói đi nói lại nhiều nhưng những hành vi gây “chấn động” của các thầy cô vẫn diễn ra điều đó có nghĩa cách giáo dục của ta chưa hiệu quả. 

Cho nên, đối với những giáo viên đánh đập học sinh, năng lực, phẩm chất không có thì tôi nghĩ nên chuyển họ sang ngành nghề khác chứ không thể để tình trạng như hiện nay.

Bởi lẽ, sai kiến thức thì còn sửa được chứ nhân phẩm không có, năng lực sư phạm không có thì không thể chấp nhận được”, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng này.

Thùy Linh