Tiến sĩ xã hội học mổ phanh trào lưu "thích là... tụt"

05/05/2011 13:44
(GDVN) - Dường như đang có một trào lưu "thích là tụt" trong showbiz Việt. Dưới góc nhìn xã hội học, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình đã có những phân tích thấu đáo.

(GDVN) - Những màn khỏa thân lẻ tẻ đến trường hợp "đình đám" của Ngọc Quyên cách đây không lâu, và mới nhất là bộ ảnh bị coi "như là khiêu dâm" của cặp người mẫu Thanh Hằng - Sơn Tùng, dường như đang có một trào lưu "thích thì nude" trong giới showbiz Việt. Dưới góc nhìn xã hội học, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình đã có những phân tích khá thấu đáo về hiện tượng này.

{iarelatednews articleid='1534,1517,1486'}

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cũng chính là người đã chủ trì đề tài khoa học rất có tiếng vang và được đánh giá cao hồi cuối năm ngoái về game online, giúp cộng đồng nhìn nhận một cách khách quan hơn về tác động của trò chơi trực tuyến đối với xã hội.

- Thưa tiến sĩ, mới đây có một cặp người mẫu nam nữ chụp ảnh nude gây cảm giác phản cảm cho dư luận. Nhưng họ lại khẳng định “chỉ chụp chơi, không hề có ý định PR hay truyền đạt thông điệp gì tới mọi người cả”. Theo ông, những hành động như thế đó có thật sự là "không có mục đích gì" không?

Tác giả bộ ảnh đã nói không nhằm mục đích PR, không có thông điệp gì cả, nhưng tôi dám chắc không hoàn toàn là như vậy!

Bởi vì, sức lan tỏa của truyền thông bây giờ là rất lớn. Dẫu thế nào đi nữa thì hành động chụp những bức ảnh bắt mắt, gây sốc, gợi sự chú ý sự tò mò làm cho người khác phải xem, phải tìm đọc, phải đau mắt... thì chí ít cũng mang tính chất quảng cáo. Hành vi đó, việc làm đó tự thân nó có ý nghĩa như vậy, chứ không phải đợi người ta phải nói ra.

Lại có bạn, mục đích nhằm tự quảng cáo cho bản thân mình, nhưng lại nói là tôi chụp loạt ảnh này nhằm bảo vệ môi trường bảo vệ thiên nhiên, bởi lẽ tôi thể hiện những bức ảnh đó trong môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đấy đó cũng là ngụy biện, biện minh cho việc làm của mình. Không phải cứ cái gì hiện diện ở môi trường là bảo vệ môi trường, bởi có những cái hiện diện trong môi trường cũng là phản môi trường, chống môi trường.

Trong trường hợp này, nếu không nhằm đạt tới một thông điệp nào đó, ví dụ như là thức tỉnh hay nhắc nhở cộng đồng về một chủ đề nào đấy, thì chí ít cũng là nhằm để cho cộng đồng thấy anh ta hay chị ta là ai, hoặc đang làm gì.

Ngọc Quyên làm gương bảo vệ môi trường!
Thông điệp "bảo vệ môi trường" mà Ngọc Quyên nói ra, liệu có ai nhìn thấy?



- Vậy nghĩa là theo tiến sĩ , một hành vi chụp ảnh nude rồi tung lên mạng thì không thể nói là "chụp ảnh chơi"?

Những hành vi đó, theo lời họ nói thì không hàm chứa thông điệp nào cả, nhưng tôi cho rằng chúng vẫn cứ có một thông điệp là để cho mọi người biết mình là ai.Bởi vì, ngay cả khi người ta thực hiện một blog cá nhân nhưng lại mở cho người không quen đọc, thì cũng nhằm cho thiên hạ biết mình chứ. Dù người ta không xưng tên họ thì vẫn nhằm cho người khác biết rằng có một người có biệt danh như vậy, suy nghĩ tình cảm như vậy, ái ố hỉ nộ buồn vui, ủng hộ yêu ghét thế nào…

- Việc chụp ảnh nude, nhất là trong giới showbiz, rồi sau đó lên mạng thanh minh hay bình luận dường như đã thành một thứ '"mốt". Ông có ý kiến gì về xu hướng này?

Sau khi ảnh phát tán lên mạng, có nhiều người tru tréo lên rằng tôi bị lỡ, hay người nào thiếu thiện chí post lên, hoặc thậm chí có những người tự mình post lên rồi lại nói là đấy là một thứ tai nạn v.v. Tất cả những lời qua tiếng lại, những bình luận, sự thanh minh đó cũng là để cho thiên hạ biết nhiều hơn đến mình, với tư cách là một cá nhân, một người có vị trí nào đó trong đời sống xã hội.

Tất cả những chuyện đó đều cho thấy người ta có mục đích, những toan tính riêng tư, chỉ có điều sự đậm nhạt và màu sắc trong mỗi câu chuyện khác nhau. Có thể nhìn nhận đó là những hành vi thiếu ý thức xây dựng, nhưng trong đó lại hàm chứa ý thức về sự tồn tại cá nhân mình. Những anh đấy, chị đó có thể có những tuyên ngôn hùng hồn rằng  không nhằm mục đích gì cả, nhưng một cách vô ý thức hay có ý thức đều đưa đến cùng một cảm nhận cá nhân như nhau.

- Hai hành động chụp nude, một hành động nói rằng nhằm mục đích bảo vệ môi trường, một hành động bảo là không mang có thông điệp gì. Theo tiến sĩ về bản chất hai hành động đó có khác nhau không?

Cách tiếp cận vấn đề của hai người đó có thể khác nhau, có người tự vuốt ve mình, tự đặt thân thể mình trong môi trường thiên nhiên và tự cho rằng mình đẹp. Và sau đó, thêm thắt vào, cho rằng mình chiến đấu, cho rằng mình bảo vệ môi trường. Còn người nữa thì nói rằng tôi không để làm gì. Vậy tự người xem hoàn toàn có thể đưa ra câu hỏi: chụp để làm gì? Chỉ để thỏa mãn cái tôi mà thôi. Cho nên, xét về bản chất thì hai hành động nó cũng gần gũi với nhau chứ không xa lạ hay đối chọi với nhau.

- Trong trường hợp của người mẫu Thanh Hằng - Sơn Tùng, khi chụp bộ ảnh họ chỉ mới gặp nhau lần đầu mà lại rất “ăn ý”, thậm chí có những động tác táo bạo khiến cho những người xem ảnh phải thấy “nóng mắt”. Theo ông, những cái đó thể hiện điều gì?

Tôi nghĩ câu chuyện này liên quan đến giá trị sống và những cái gọi là "lệch chuẩn" trong đời sống xã hội. Nhưng cái quan trọng là vì sao chúng ta phải quan tâm đến những hiện tượng, việc làm đó. Những hành động đó mang tính chất rất riêng tư mà, hoặc cố tình hoặc không cố tình, đã bị "xã hội hóa". Đối với một nước Á Đông như Việt Nam, đất nước chúng ta có những đòi hỏi tế nhị hơn, kín đáo hơn so với phương Tây, thì không thể cứ biện minh là tôi cập nhật, tôi thường thượng, tôi gần với lối sống phương Tây hơn mọi người.

Nude nghệ thuật là phải ôm diết, hờ hững thò vào quần nhau như thế này?
Bức hình bị lên án gay gắt nhất của cặp Thanh Hằng - Sơn Tùng.



- Vậy theo tiến sĩ, những hành động như vậy có ảnh hướng, tác động đến tâm lý giới trẻ bây giờ, vốn đã có những suy nghĩ "rất thoáng", hay không? Chúng có cổ suy thêm cho những hành vi chụp ảnh nude rồi tung lên mạng internet như gần đây trên cộng đồng mạng không?

Đặc điểm của giới trẻ là chuộng những cái mới, cái lạ, thích khẳng định mình. Vậy những hành vi, những việc làm, những xử sự như vậy của những người hoặc đã nổi tiếng hoặc đang nổi tiếng, tham gia vào đời sống truyền thông ít nhiều đều có tác động đến giới trẻ. Rõ ràng nó là một sự kích thích. Và nó xuất phát từ tâm lý đám đông. Và tất nhiên nó có ảnh hưởng đến cách nhìn, cách thẩm, cách tiếp nhận về những yêu cầu của Chân, Thiện, Mỹ, và nó sẽ hướng đến những câu hỏi rằng con người ta có hành xử lệch lạc không, có bị lệch chuẩn hay không?

Nếu những hành vi không đẹp, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc được dung dưỡng, được cổ súy, bắt chước, lây lan... nó sẽ đe dọa đến lý tưởng sống, mục tiêu và tính hướng đích của giới trẻ. Thông qua những việc làm đó, họ khẳng định cái tôi của mình trong xã hội, hoặc đôi khi họ có thu nhập ở đâu đó... Nhưng cuối cùng nó vẫn liên quan đến giáo dục giá trị sống, hành vi chuẩn mực và ít nhiều cũng liên quan đến việc có lệch chuẩn hay không trong hành vi xã hội của giới trẻ.

Trong đời sống xã hội cũng có một chiều khác nữa, có thể coi đó là một sự cộng hưởng, từ phía những người "chiến đấu" bảo vệ văn hóa, thuần phong mỹ tục. Cái dư luận đấy cũng có sức lan tỏa và đẩy lùi xu hướng đó. Vấn đề ở đây chúng ta phải tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của dư luận trong đời sống cộng đồng, để "lên án" những hành vi lệch chuẩn như vậy và để xây dựng một giá trị lành mạnh, tốt đẹp cho xã hội.

- Xin cảm ơn tiến sĩ!

Tuấn Anh thực hiện