Tiêu chuẩn, quyền lợi, chế độ của GV được cử đi học lớp Trung cấp chính trị

10/12/2022 06:39
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thời gian học Trung cấp lý luận chính trị, giáo viên vẫn được nhận lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên.

Việc giáo viên được cử học lớp Trung cấp lý luận chính trị (xin gọi tắt là lớp Trung cấp chính trị) do Huyện ủy quyết định và được sự thống nhất của Trường Chính trị tỉnh.

Bài viết hôm nay nhằm cung cấp cho bạn đọc về tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên được cử học lớp trung cấp chính trị, bên cạnh là các quyền lợi về lương, phụ cấp, chế độ mà giáo viên được hưởng.

Ảnh minh họa - thuvienphapluat.vn

Ảnh minh họa - thuvienphapluat.vn

Tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên được cử học lớp trung cấp chính trị

Theo Quy định 57-QĐ/TW năm 2022, quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, tại Điều 5 quy định về đối tượng và tiêu chuẩn học trung cấp lý luận chính trị như sau:

“1. Đối tượng

1.1. Cán bộ, công chức, viên chức

a) Cấp ủy viên cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

b) Phó trưởng phòng và cấp phó các đơn vị tương đương cấp phòng của cấp huyện, cấp tỉnh; phó ban (đơn vị tương đương cấp ban) trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

c) Quy hoạch phó trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) ở Trung ương. Quy hoạch các chức vụ quy định tại Điểm a, b.

1.2. Cán bộ quân đội; Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy cấp tiểu đoàn; phó chỉ huy trưởng, phó tham mưu trưởng, chính trị viên, phó ban chỉ huy quân sự cấp huyện; phó tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn; lãnh đạo phòng (ban) cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh (tương đương). Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

1.3. Cán bộ công an: Đội trưởng, trưởng công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng, phó đội trưởng, phó trưởng công an cấp xã, phó tiểu đoàn trưởng và tương đương; phó trưởng phòng, phó trưởng công an cấp huyện, phó trung đoàn trưởng và tương đương. Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

1.4. Cán bộ có đủ 6 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương đương).

1.5. Giảng viên lý luận chính trị ở trường, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

2. Tiêu chuẩn

- Đảng viên dự bị hoặc chính thức.

- Tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

- Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.”

Như vậy, đối với giáo viên để được cử đi học lớp Trung cấp chính trị hiện nay đã có phần khắt khe hơn trước đây, siết tiêu chuẩn và có thể phải nằm trong diện quy hoạch ít nhất hiệu trưởng và được có thẩm quyền phê duyệt, tốt nghiệp cao đẳng trở lên và độ tuổi nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.

Giáo viên học Trung cấp chính trị có được trả lương, phụ cấp?

Hiện nay có một số cán bộ quản lý, giáo viên được cử đi bồi dưỡng lớp Trung cấp chính trị hầu hết là hệ không tập trung, thời gian học từ 1-1,5 năm, giáo viên vẫn dạy một số tiết trong thời gian không học hoặc thực hiện các công việc chuyên môn khác trong quá trình học.

Nên, trong thời gian học, giáo viên vẫn được nhận lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Mục I Thông tư liên tịch số 01/TTLT/BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, điều kiện áp dụng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên.

Tại điểm b, khoản 2 quy định các trường hợp giáo viên không được hưởng phụ cấp ưu đãi như sau:

“…b) Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;

- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.”

Theo quy định trên, giáo viên đi học chính trị nhưng vẫn tham gia đứng lớp và tham gia hỗ trợ nhà trường về chuyên môn, không thuộc trường hợp không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi như vậy vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 35 Văn bản hợp nhất 26/VBHN-VPQH Luật Viên chức 2019 quy định:

"Điều 35. Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng

1. Viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương."

Như vậy, giáo viên được cử đi học lớp trung cấp chính trị theo quyết định của Huyện ủy. Việc được cử đi học lớp trung cấp chính trị được coi như là một hình thức đào tạo bồi dưỡng viên chức. Trong thời gian đi học, người đượ cử đi học còn được hưởng tiền lương và phụ cấp trong đó có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, các khoản phụ cấp khác theo quy định của pháp luật và quy chế của nhà trường. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.

Chế độ của giáo viên được cử học lớp Trung cấp chính trị

Căn cứ khoản 2 Điều 36 Nghị định 101/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP) quy định về Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng như sau:

“1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước cấp, kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, của cán bộ, công chức, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc…”

Tùy theo quy định của cấp có thẩm quyền, quy chế của đơn vị, giáo viên được cử học lớp Trung cấp chính trị được thanh toán chi phí tiền ăn, tiền nghỉ, tiền tài liệu, tiền hỗ trợ cho học viên là nữ từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của đơn vị.

Theo đó kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quy định về quyền lợi, chế độ của người học Trung cấp chính trị mà cán bộ quản lý, giáo viên nên biết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam