Nhìn lại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, chúng ta cảm nhận được rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ở đó có những thầy cô, học trò luôn hết lòng vì công việc, vì bổn phận, trách nhiệm với kỳ thi nhưng cũng có những kẻ phải bày mưu tính kế để trục lợi bản thân, hay những kẻ dùng thủ đoạn để được nâng điểm.
Điều đáng trách nhất là hàng chục nhà giáo đã bị lung lạc trước những cám dỗ của đồng tiền, họ đã lợi dụng vị trí đang ngồi, lợi dụng nhiệm vụ được phân công để làm điều phi pháp.
Những người đang phải gậm nhấm nỗi ê chề bây giờ chính là các nhà giáo liên quan đến vụ án (Ảnh: VTV.vn) |
Khi sự việc bị vỡ lở thì những phụ huynh có con được nâng điểm đã vội "cao chạy xa bay". Những nhà giáo, lãnh đạo ngành giáo dục liên quan đến tiêu cực bị khởi tố. Kẻ bị bắt giam, người được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ngay cả những người chưa bị khởi tố thì suốt một năm qua cũng ê chề bởi sự dòm ngó, chỉ trích của dư luận. Dù đang trong hoàn cảnh nào thì những nhà giáo đã “nhúng chàm” cũng không có những tháng ngày thanh thản, yên ổn.
Chúng ta đều biết, khi đã theo đuổi nghề sư phạm thì có lẽ ngay từ lúc làm hồ sơ thi vào ngành này ai cũng đã xác định được tương lai của mình. Giàu sang không đến với nhà giáo chân chính.
Thế nhưng, có những nhà giáo như ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình trong năm 2018 lại muốn “thoát nghèo” một cách bất chính, phi pháp.
Chỉ riêng Sơn La có 4 nhà giáo dính líu đến tiêu cực đã nộp lại cho cơ quan điều tra trên 3 tỉ đồng mà họ đã nhận bước đầu của các phụ huynh và những người trung gian.
Nếu trót lọt, chắc chắn mỗi người sẽ nhận được một số tiền không ít- số tiền một mùa thi như thế này có thể gần bằng lương cả một đời của nhà giáo.
Có lẽ vì cám dỗ của đồng tiền quá lớn nên họ đã hình thành một đường dây, ở đó có cả những nhân vật từ chuyên viên Sở đến Phó Giám đốc Sở, thậm chí trong lời khai của bị can Trần Xuân Yến còn có cả Giám đốc Sở Hoàng Tiến Đức.
Yêu cầu điều tra bổ sung vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang là cần thiết |
Dù cho ông Hoàng Tiến Đức phủ nhận sự việc nhưng không ai có thể tin được điều này. Chẳng có lý do gì mà ông Đức phải “nhờ xem điểm trước” cho khổ thân, mệt xác nếu không phải vì lợi ích.
Việc đánh tráo từ ngữ chẳng qua chỉ là muốn lấp liếm sự hổ thẹn của một người đứng đầu ngành giáo dục Sơn La mà thôi.
Ban Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La đã có tới một cấp phó bị khởi tố, một cấp phó có con đã được xác định là được nâng khống điểm thi, Giám đốc thì bị tố là đã “gửi gắm” 8 thí sinh để “xem điểm trước” thì hỡi ôi ngôi nhà giáo dục ở Sơn La đã thực sự dột từ nóc dột xuống.
Lãnh đạo chủ chốt đã vậy, thì ắt các cấp dưới cũng bắt chước, noi theo là điều dễ hiểu vô cùng.
Ở tỉnh Hà Giang dù con số bị khởi tố không nhiều, chỉ có 4 nhà giáo và 1 cán bộ an ninh nhưng mức độ, quy mô lại ngang bằng 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Thế nhưng, trong 4 nhà giáo ấy thì đã có tới 2 Phó Giám đốc Sở và Trưởng, Phó phòng Khảo thí.
Điều trớ trêu nhất là đến bây giờ các cơ quan điều tra không tìm ra dấu hiệu chạy điểm ở các địa phương này, cho dù 4 bị can ở Sơn La đã nộp lại số tiền phi pháp nhiều tỉ đồng.
Thực tế là chẳng ai dại gì mà đi nhận cái sự việc xấu xa như vậy cả. Thà họ mất tiền còn hơn vừa mất tiền vừa mất quyền mà còn bị truy tố, thậm chí còn phải đi tù.
Xảy ra tình trạng này, chắc chắn ai cũng đoán được bởi ngay từ khi các đối tượng bị khởi tố, bắt giam thì những phụ huynh họ đã có những mưu chước để đối phó với cơ quan điều tra.
Kịch bản chung mà các “diễn viên” cùng thoại chung một lời là “nhờ xem điểm trước” hoặc họ không biết, không liên quan đến việc con họ được nâng điểm.
Sầu đông càng lắc, càng đầy…
Người xưa từng nói: “Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài” nên có lẽ bây giờ những bị can đang nằm ở trong các nhà tạm giam suốt cả năm qua hay đang bị “giam lỏng” ở ngoài sẽ nuối tiếc nhiều điều.
Giá như họ không dính vào tiêu cực của kỳ thi năm 2018 thì kỳ thi năm 2019 này vẫn đàng hoàng ngồi ở ghế chỉ đạo. Họ vẫn được mọi người tôn trọng, được đoàn tụ, quây quần bên gia đình.
Thậm chí ông Hoàng Tiến Đức, ông Phạm Văn Khuông có thể an nhàn nghỉ hưu để sum vầy bên gia đình, người thân.
Nhưng, bây giờ phía trước họ chắc chắn phải đối mặt với phiên tòa pháp lý, phiên tòa lương tâm dài đằng đẵng nhiều năm sau nữa.
Những người “bán” thì bị truy tố, bắt giam hoặc đang sống trong những ngày hồi hộp, lo sợ. Còn những người có tiền, có quyền thì họ vẫn tại vị. Nhiều quan chức là phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm họ vẫn ung dung, nhàn hạ bên ngoài.
Bây giờ ai tin những lời nói những người bị khởi tố nhưng những phụ huynh là quan chức, họ lại có quyền, họ đang tại vị…chắc cũng khối người tin lời nói của họ.
Bài học cho những người ham cái lợi trước mắt để đánh đổi lấy những tháng ngày tù tội và công sức, quá trình phấn đấu, danh dự của một nhà giáo bây giờ chẳng còn gì.
Nếu biết trước lòng người tráo trở, ngoảnh mặt làm ngơ khi sự việc bị phát giác như thế này có lẽ ông Trần Xuân Yến, Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài…và bao những người khác đã không rơi vào hoàn cảnh như bây giờ!
Họ đã không “giúp sức” để làm nên những danh hiệu “thủ khoa” cho con em những đồng nghiệp, những cấp trên, cấp dưới, những bạn bè chung chiếu nhậu ngày nào.
Nhưng, biết trách ai bây giờ khi mình không giữ được thiên lương, không giữ được thanh danh của một nhà giáo mà khi mới vào nghề họ đã nhọc lòng phấn đấu!
Khi đã thấm được nỗi đau, nỗi ê chề này, thì đã có lẽ hàng chục nhà giáo ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình không bao giờ còn cơ hội để làm lại nữa. Âu cũng là cái giá cho lòng tham bất chính mà ra cả!