Bà Phạm Chi Lan:"Lộ rõ sự ngang ngược khi mở thầu tại thềm lục địa VN"

02/07/2012 06:52
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Họ đã làm một việc bất chấp đạo lý thì có thể họ lại “suy từ bụng ta ra bụng người” mà nghĩ rằng các nước, các tổ chức khác sẽ tham gia cuộc mời thầu này”.
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã công bố mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại 9 lô nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải chủ quyền, thềm lục địa của Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Về mặt kinh tế, phản ứng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là đơn vị doanh nghiệp nhà nước đang khai thác dầu khí ở Biển Đông như vậy là kịp thời và mạnh mẽ (PVN cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái trên biển Đông - PV). Ngoài ra, những hội liên quan như Hội Luật gia, Hội Các doanh nghiệp dầu khí cũng đã lên tiếng tiếp. Phía nhà nước cũng đã có công hàm phản đối gửi phía Trung Quốc. Đó là những phản ứng đầu tiên mà chúng ta đang làm. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh: B.H/VnExpress)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh: B.H/VnExpress)

Ngoài ra trên thế giới, tại hội thảo Biển Đông ở Mỹ, một số học giả và một số chính khách nước ngoài đã lên tiếng cho rằng, hành vi của Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc như vậy là không đúng và ngang ngược vì khu vực mời thầu thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những sự phản đối đó thể hiện rằng các nước cũng ủng hộ Việt Nam trong vụ việc này”.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY



Nói về ý kiến cho rằng Trung Quốc đang “thèm khát” dầu mỏ mà có hành động ngang ngược như vậy, bà Phạm Chi Lan cho biết: “Tôi không nghĩ động lực trực tiếp của Trung Quốc trong vụ việc mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại 9 lô thuộc chủ quyền của Việt Nam là xuất phát từ việc thiếu dầu mỏ của nền kinh tế đang phát triển mạnh. Cái chính ở đây là thái độ ngang ngược, lấn lướt của họ. Họ vẫn còn ngang ngược cho đến chừng nào các nước trong ASEAN và các nước khác có quyền lợi liên quan ngồi vào bàn đàm phán và có thỏa thuận chung về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông - một công cụ pháp lý mạnh mẽ hơn của tất cả các bên liên quan. 
Philippines trong vụ tranh chấp đảo vừa qua với Trung Quốc đã thể hiện rất tốt thái độ cứng rắn của họ từ Chính phủ và người dân. Về con đường ngoại giao họ vận động được nhiều nước lên tiếng ủng hộ họ. Chúng ta nên học Philippines ở điểm đó. Những cái gì là quyền lợi chính đáng của chúng ta thì chúng ta phải bảo vệ. Vì thiếu dầu mỏ mà đi cướp của nước khác thì không bao giờ là lý do chính đáng”.

Khi được hỏi về lời mời thầu từ phía CNOOC, bà Lan nói: “Tôi không tin những quốc gia khác có đủ tỉnh táo để hiểu về Công ước Luật biển của Liên hợp quốc, hiểu những quy định quốc tế chung mà lại đi tham gia vào lời mời thầu của CNOOC. Ngang ngược như vậy thì chỉ có họ mà thôi.

Các nước khác sẽ xem xét kỹ quan hệ của mình với ASEAN và các nước khác trên thế giới với những lợi hại trong việc tham gia mời thầu để quyết định có nên nhận lời hay không. Nếu tham gia, vị thế của các nước đó sẽ bị ảnh hưởng xấu trên thế giới.

Tôi không biết Trung Quốc nghĩ như thế nào nhưng họ luôn cho rằng, mình là thị trường hấp dẫn và với thế mạnh hiện nay thì có quyền áp đặt hoặc lôi kéo các nước vào một vụ việc. Họ đã làm một việc bất chấp đạo lý thì có thể họ lại “suy từ bụng ta ra bụng người” mà nghĩ rằng các nước, các tổ chức khác sẽ tham gia cuộc mời thầu này”.

Bà Lan nói thêm: “Tôi mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn của mình với Trung Quốc, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc để người dân thể hiện thái độ của mình với quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình, đặc biệt trong bối cảnh Luật biển vừa được thông qua với tỷ lệ rất cao gần như tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội và sự phấn khởi của mọi người.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Việc thông qua Luật biển tăng thêm ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước, đã tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân đối với chủ quyền thiêng liêng của đất nước...”.
Hồng Chính Quang