Bác sĩ ở các huyện miền núi Quảng Ngãi bỏ việc hàng loạt?

25/07/2013 14:02
Tấn Tài
(GDVN) -Quảng Ngãi xảy ra tình trạng bác sĩ ở các huyện miền núi tự ý bỏ việc đến làm việc tại các phòng khám tư nhân ở các huyện đồng bằng và các tỉnh lân cận.
Thời gian gần đây, ở Quảng Ngãi xảy ra tình trạng bác sĩ ở miền núi tự ý bỏ việc đến làm việc tại các phòng khám tư nhân ở các huyện đồng bằng và một số cơ sở y tế ở các tỉnh, thành phố lân cận và thường vào thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề này, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Đây còn là bài toán nan giải của tỉnh này vì mới đây Quảng Ngãi đang có chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về y tế.
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân

 Bác sĩ bỏ việc

Hiện tại, các địa phương ở miền núi Quảng Ngãi đang thiếu bác sĩ rất trầm trọng nhưng thời gian qua có không ít bác sĩ sau khi ra trường không “mặn mà” về miền núi công tác. Thậm chí có những y sĩ ở những địa phương này được cử đi học bác sĩ nhưng khi ra trường không về lại địa phương công tác.

Đành rằng trước khi đi học ngành y tế đều có cam kết ràng buộc, nhưng một số trường hợp sẵn sàng bồi thường kinh phí đào tạo mà trước đó do cơ quan chủ quản chi trả.

Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Ba Tơ, chỉ trong vòng 2 năm nay (2012,2013) đã có 5 bác sĩ; trong đó có 3 bác sĩ tuyến xã và 2 bác sĩ tuyến huyện bỏ việc về đồng bằng công tác. Bác sĩ Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ cho biết, nguyên nhân bác sĩ bỏ việc ở miền núi chạy về xuôi chủ yếu là do muốn có thu nhập cao.

"Các trường hợp này gia đình, cha mẹ ở lại đây hết, nhưng do cuộc sống  mà một số người muốn đến những nơi có lương cao nên họ phải ra đi”- Bác sĩ Phượng khẳng định.

Không chỉ riêng ở huyện Ba Tơ mà hầu hết 6 huyện miền núi của tỉnh đều có nhiều trường hợp bác sĩ bỏ công tác. Mới đây tỉnh đã ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác, làm việc ở địa phương; đặc biệt là nguồn nhân lực cho ngành y tế.

Đây có thể xem là việc trải “thảm đỏ” thu hút nguồn nhân lực về công tác tại tỉnh nói chung, các huyện miền núi nói riêng. Tuy nhiên, đó là chỉ việc thu hút nguồn nhân lực còn việc “giữ chân” thì còn bỏ ngỏ.

Sẽ có chính sách giữ chân bác sĩ

Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2015, tất cả các trạm y tế tuyến xã đều có bác sĩ. Vì thế để thu hút nguồn nhân lực cao ngành y tế Quảng Ngãi đang có chính sách để “giữ chân” nhũng người tài.

Trả lời chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Tấn Đức Giám đốc sở y tế Quảng Ngãi cho biết; Những năm qua, một số bác sĩ ở các huyện miền núi nói chung, bác sĩ ở các trạm y tế xã nói riêng đã bỏ việc hoặc xin chuyển công tác là có.

Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân

Nguyên nhân cho rằng, do một số chế độ chính sách đối với bác sĩ công tác ở đó chưa hợp lý là hoàn toàn chưa đúng. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã chủ yếu khám, điều trị cho những bệnh thông thường với trang thiết bị y tế cơ bản, còn chủ yếu làm công tác y tế cộng đồng, triển khai thực hiện các Chương trình y tế quốc gia.

Do đó, một số ít bác sĩ bỏ việc hoặc xin chuyển công tác lên bệnh viện tuyến trên trong và ngoài tỉnh, các phòng khám tư nhân để có điều kiện nâng cao chuyên môn kỹ thuật, tay nghề. Mặt khác, một số bệnh viện ngoài tỉnh, phòng khám tư nhân mới mở nên có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút bác sĩ đến công tác.

Ông Đức cho biết thêm, từ năm 2010 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cử 108 y sĩ, trong đó có 63 y sĩ ở các trạm theo học bác sĩ hệ tập trung 4 năm tại Trường ĐH Y Dược Huế và Trường ĐH Y Dược TP HCM. Tôi tin rằng, đến cuối nhiệm kỳ, chỉ tiêu 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ là sẽ đạt được. Ngoài ra, Sở cũng đưa ra nhiều biện pháp để tạo thêm động lực góp phần giữ chân bác sĩ tại các huyện miền núi và trạm y tế xã.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Y tế Quảng Ngãi vẫn còn khó khăn nhất định về cơ sở trang thiết bị, nhân lực còn nhiều hạn chế, trong khi đó nhu cầu đầu tư về vốn và nhân lực rất lớn, nên trong một thời gian ngắn, không thể thực hiện được toàn bộ những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra ban đầu. Cơ sở trạm y tế xã chưa được đầu tư đúng mức.

Nhu cầu đòi hỏi được cung cấp các dịch vụ y tế với chất lượng cao và hiệu quả của nhân dân ngày càng nhiều nhưng khả năng đáp ứng của ngành y tế chưa đạt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Những biện pháp thực hiện xã hội hoá công tác y tế tại cộng đồng để góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn rất nhiều hạn chế.                                                         

Tấn Tài