Bão số 6 mạnh cấp 12 sẽ vào miền Trung

03/10/2011 06:48
NHÓM PV/Pháp luật TPHCM
Chiều nay (3-10), tâm bão số 6 (tên quốc tế là Nalgae) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía đông.
Mực nước lũ ở ĐBSCL cao hơn đỉnh lũ lịch sử. Lại vỡ đê ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).

Sức gió giật đến cấp 14

Ngày mai (4-10), bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến chiều, tâm bão trên vùng bờ biển phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế khoảng 290 km về phía đông bắc.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14. Khu vực bắc biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, giật cấp 14. Biển động dữ dội.

Ngoài ra, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở vịnh Bắc Bộ từ đêm nay gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Tại cuộc họp khẩn chiều 2-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ, xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, cản trở quá trình di dời, sơ tán dân và thực hiện lệnh cấm biển.

Quảng Bình chìm trong lũ

Tại Quảng Bình, đến chiều 2-10 đã có gần 3.000 ngôi nhà bị ngập (trong đó có gần 1.400 nhà ngập sâu trên 1 m), 14 trường học bị ngập, hư hỏng. Gần 2.000 ha lúa và hoa màu bị lũ nhấn chìm, trên 40 ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi. Gần 1.000 hộ dân với trên 3.500 người đã được di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, đã có năm người chết (ba trẻ em và hai người lớn) trong lũ và năm người bị thương.

Riêng tại xã Tân Hóa, Minh Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), nước ở đây vẫn còn ngập sâu hơn 4 m, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà. Trên những lèn đá người dân đang phải đối mặt với cảnh đói khát.

Đây là ngày thứ ba người dân phải chống chọi với lũ nên thức ăn nước uống đã hết sạch. Đặc biệt, tại chân lèn thôn 4, xã Tân Hóa, nước bao phủ cả làng. Người dân lên sống trên nóc những ngôi nhà cao, còn số đông sống trên các lèn đá. “Ngày mai nước không rút được là bao, vì có bão gần vào chắc chắn có mưa, nước lên lại. Thức ăn giờ đã hết, cả làng này đều thế” - ông Cao Tiến Như, Trưởng thôn 4, nói. Trong khi đó, ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch huyện Minh Hóa, cho biết: “Vì chủ tịch xã bảo người dân tự chủ được nên chúng tôi chưa có ý kiến lên trên để xin cứu trợ”.

Bão số 6 mạnh cấp 12 sẽ vào miền Trung  ảnh 1

Ngày 2-10, lực lượng cứu hộ đã rút khỏi đê Bắc Viện - Cả Mũi (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) do không thể hộ đê nổi. Ảnh: VĨNH SƠN

Bão số 6 mạnh cấp 12 sẽ vào miền Trung  ảnh 2

Đường đi của bão số 6. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Tiếp tục vỡ đê ở Đồng Tháp

Sáng ngày 3-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ trực tiếp vào các tỉnh ĐBSCL kiểm tra công tác chống lũ.

Tính đến thời điểm này, đã có 10 người chết ở ĐBSCL do lũ. Trong đó, An Giang bốn người, Đồng Tháp hai người, Long An ba người, Cần Thơ một người
Ông Lê Văn Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Đồng Tháp, cho biết lúc 0 giờ 20 ngày 2-10, đê Bắc Viện - Cả Mũi (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) đã bị vỡ, 340 ha lúa bị mất trắng. Một số đoạn đê khác cũng đang bị sạt mái và nước rò rỉ qua thân đê. Đến nay tỉnh Đồng Tháp đã có 1.060 ha lúa bị mất trắng, làm hư gần 1.400 ha hoa màu, thủy sản, vườn cây ăn trái, gần 6.000 căn nhà bị ngập và ba trẻ em bị chết đuối. Sạt lở đất sông tiếp tục xảy ra. Xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) sạt lở làm bứt 55 m bờ sông, ăn sâu vào bờ trên 10 m. Bờ sông Tiền (đoạn ấp Hạ và ấp Tân Phú, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) bị sạt hơn 50 m, ăn sâu vào bờ 15 m làm “mất” con đường nhựa qua đây. Hiện tỉnh còn trên 20.000 ha lúa nằm trong vùng xung yếu.

Tại An Giang, nước lũ vẫn còn rất cao. Cả tỉnh tiếp tục dồn sức gia cố, tôn cao đê ở nhiều tiểu vùng, phòng khi lũ có diễn biến bất thường trở lại.

Dự báo ngày 2-10 của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết lũ trên sông Cửu Long đang dao động ở mức đỉnh và lũ đặc biệt lớn. Mực nước lũ cao nhất tại Long Xuyên (An Giang) đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1978 là 0,11 m. Còn tại cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới), lũ cũng cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1961 là 0,03 m. Ngoài ra, mực nước lũ trên sông Hậu tại Cần Thơ đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2006 là 0,02 m. Dự báo trong vài ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh, sau đó xuống dần nhưng vẫn ở mức rất cao.

Hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên… đều trên báo động 3.

Công điện chỉ đạo đối phó với bão số 6

Theo chinhphu.vn, chiều 2-10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 36 gửi các tỉnh, TP ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên; các bộ Công an, GTVT, Ngoại giao chuẩn bị phòng, chống bão số 6.Bão số 6 (tên quốc tế là Nalgae) với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 đang di chuyển về phía bờ biển nước ta, trong một vài ngày tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển; diễn biến của bão còn phức tạp.

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, TP, các bộ, ngành phải thông báo cho chủ các tàu thuyền biết hướng đi, vị trí của bão để chủ động phòng tránh; hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn (vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 14); đồng thời, chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công; rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm…

TX

NHÓM PV/Pháp luật TPHCM