Báo Trung Quốc lu loa: Trung Quốc đang bị tàu ngầm nước ngoài bao vây

20/01/2014 08:05
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo biện minh rằng, TQ đang bị "bao vây tàu ngầm" ở các vùng biển xung quanh, đồng thời phản ánh nhu cầu cấp bách của TQ để phục vụ cho tham vọng lãnh thổ.
Mô hình máy bay chở khách cỡ lớn C-919 Trung Quốc
Mô hình máy bay chở khách cỡ lớn C-919 Trung Quốc

Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 16 tháng 1 đưa tin, trong năm 2013, công nghiệp hàng không Trung Quốc có sự tiến bộ mang tính "bùng nổ": việc nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu J-20 thuận lợi, máy bay chiến đấu J-15 cũng đã hình thành sức chiến đấu, phiên bản cải tiến của J-10 (tức là J-10B) cũng đã bước vào sản xuất hàng loạt, máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất cũng đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất lô 50 chiếc đầu tiên, đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo và sản xuất phiên bản cải tiến giai đoạn thứ hai.

Máy bay ném bom chiến đấu Phi Báo của Trung Quốc cũng đã đưa ra một loại mới. Máy bay vận tải Y-20 cũng bắt đầu thử nghiệm chiếc thứ hai.

Như vậy, theo bài báo, năm 2013 là một năm công nghiệp hàng không Trung Quốc đạt được nhiều thành quả nhất về nghiên cứu chế tạo và sản xuất, tiến bộ lớn nhất, lấp khoảng trống nhiều nhất, không chỉ đã nâng cao hiệu quả trình độ công nghệ hàng không quân dụng của Trung Quốc, đã rút ngắn khoảng cách công nghệ với trình độ tiên tiến thế giới, hơn nữa trong đó có loại vũ khí ngang hàng với Mỹ, châu Âu.

Nhưng, ở phạm vi vùng biển xa, Trung Quốc sẽ còn yếu khả năng săn ngầm lâu dài, đồng thời ở vùng biển xung quanh có "dòng chảy ngầm", ở biển Hoa Đông có lực lượng tàu ngầm khổng lồ của Nhật-Hàn kiềm chế, ở Biển Đông các nước nhỏ đều đang tích cực tăng cường "sát thủ dưới biển", nên theo bài báo, điều này "đã quyết định Hải quân Trung Quốc phải tiếp tục tăng cường nâng cao và hoàn thiện khả năng săn ngầm trên biển trong tương lai".

Tàu ngầm AIP mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Tàu ngầm AIP mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Mối đe dọa tàu ngầm hiện nay của Trung Quốc

Tàu ngầm có các đặc điểm như tính ẩn náu tốt, tính tấn công mạnh, không dễ bị phát hiện, luôn là lực lượng răn đe quan trọng của hải quân, thậm chí 1-2 tàu ngầm đều có thể chi phối thắng bại của một cuộc chiến tranh trên biển, đây là lý do các nước đang ra sức phát triển công nghệ và vũ khí săn ngầm.

Đồng thời, trang bị tàu ngầm cũng trở thành mục tiêu được hải quân các nước rất quan tâm, những nước có điều kiện công nghệ thông qua tự chế tạo để thực hiện, những nước không có khả năng nghiên cứu chế tạo thì tiến hành nhập khẩu để thực hiện mục đích của mình. Sau khi bước vào thế kỷ 21, các vùng biển xung quanh Trung Quốc "tồn tại mối đe dọa tàu ngầm thực tế ở khắp nơi", trong đó vừa có mối đe dọa truyền thống tồn tại mấy chục năm, vừa có mối đe dọa mới xuất hiện trong giai đoạn mới.

Theo bài báo, ở biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều triển khai rất nhiều tàu ngầm động cơ thông thường và hạt nhân hiện đại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã tạo ra mối đe dọa tương đối lớn và lâu dài cho Trung Quốc.

Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc có ưu thế công nghệ về tàu ngầm thông thường, còn Hạm đội 7 Mỹ lại có công nghệ tàu ngầm động cơ hạt nhân tiên tiến hơn, trong khi đó, tình hình săn ngầm trên hướng này của Trung Quốc lại không lạc quan.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Charlotte Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Charlotte Hải quân Mỹ

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản coi tàu ngầm là một lực lượng trên biển quan trọng, bắt đầu từ giữa thập niên 50 của thế kỷ 20, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản bắt đầu khôi phục khả năng chế tạo tàu ngầm của họ, đến thập niên 1960 thì họ đã có thiết kế độc lập, khi đó đã chế tạo được tàu ngầm thông thường trình độ tiên tiến thế giới.

Sau đó, Nhật Bản đã liên tiếp đổi mới thế hệ tàu ngầm, đã lần lượt chế tạo tàu ngầm các lớp như Yuushio, Harushio, Oyashio và lớp mới nhất hiện nay là Soryu lắp hệ thống AIP.

Dựa vào khả năng sản xuất đóng tàu và công nghiệp quân sự mạnh, tàu ngầm thông thường của Nhật Bản đã có thực lực rất mạnh trên các phương diện như công nghệ chế tạo, tính năng hoạt động, khả năng chạy êm, thiết bị điện tử và vũ khí tiên tiến, ngoài sự hạn chế về động cơ, trình độ công nghệ tổng thể và khả năng tấn công của tàu ngầm lớp Soryu mới nhất đã tương đương với tàu ngầm hạt nhân.

Đồng thời, Nhật Bản còn tích cực mở rộng lực lượng tàu ngầm của họ, từ 16 chiếc vốn có tăng lên 20 chiếc. Những tàu ngầm thông thường trang bị hiện nay của Nhật Bản phần lớn là tàu ngầm lớp Soryu hoặc lớp Oyashio mới nhất, lực lượng tàu ngầm thông thường của họ sẽ không ngừng tăng lên theo thời gian, trong giai đoạn Hải quân Trung Quốc ngày càng mạnh hiện nay, rõ ràng là, mối đe dọa của tàu ngầm Nhật Bản đối với Hải quân Trung Quốc là lớn nhất.

Tàu ngầm Zuiryu lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm Zuiryu lớp Soryu Nhật Bản

Một lực lượng hải quân đáng chú ý khác ở biển Hoa Đông là Hải quân Hàn Quốc, Hàn Quốc hiện đã trang bị 9 tàu ngầm thông thường Type 209 do Đức chế tạo, ngoài khả năng săn ngầm, chống hạm, loại tàu ngầm này còn có khả năng phóng tên lửa chống hạm dưới nước, Type 209 tuy là sản phẩm thiết kế vào giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, nhưng vẫn là một lực lượng tác chiến dưới biển quan trọng không thể coi thường của khu vực Đông Á.

Để tiếp tục nâng cao thực lực của lực lượng tàu ngầm, năm 2007, Hàn Quốc đã mua 3 tàu ngầm thông thường Type 214 mới nhất của Đức, có hệ thống vũ khí mạnh và thiết bị điện tử tiên tiến, thiết bị động lực (động cơ) cũng áp dụng hệ thống AIP, có khả năng lặn mạnh hơn và khả năng chạy êm cao hơn.

Theo bài báo, Trung Quốc sẽ tập trung cho hướng Biển Đông, ở hướng này từ lâu không có mối đe dọa tàu ngầm quá lớn, do bị tác động bởi quy mô hải quân, thực lực kinh tế và nhân tố chính trị, các nước quanh Biển Đông phát triển lực lượng tàu ngầm rất chậm chạp, nhưng, cùng với đạt được lợi ích kinh tế (dầu mỏ) ở Biển Đông, "các nước nhỏ" cũng bắt đầu đổi mới lực lượng trên biển, trên không, và tàu ngầm đã trở thành sự lựa chọn đầu tiên của các nước này.

Hiện nay, các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia đều đã mua tàu ngầm, trong đó Hải quân Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm 636MV lớp Kilo của Nga, ngoài khả năng chạy êm rất tốt, vũ khí trên tàu cũng đã được đổi mới, có thể sử dụng ngư lôi chống hạm, săn ngầm có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn, lô tàu ngầm lớp Kilo này là một lô có uy lực nhất, trình độ tự động hóa được cải thiện khá lớn so với loại Kilo sản xuất trước đó.

Tàu ngầm thông thường Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam
Tàu ngầm thông thường Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam

Trong đó, chiếc tàu ngầm đầu tiên đã bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2013, đến ngày 13 tháng 1 năm 2014, tàu ngầm Hà Nội đã chính thức biên chế cho Hải quân Việt Nam.

Điều này sẽ giúp cho Hải quân Việt Nam đạt tới một tầm cao hoàn toàn mới về khả năng kiểm soát và khả năng tác chiến chống mặt nước ở Biển Đông, điều này sẽ gây khó khăn và tác động đối với các hành động muốn đoạt lấy tài nguyên và đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ (bất hợp pháp) của Trung Quốc trên Biển Đông.

Từ năm 2006, Singapore đã mua 4 tàu ngầm Sjoormen cũ của Thụy Điển, tuy về công nghệ và tính năng tác chiến còn có khoảng cách tương đối lớn so với tàu ngầm thông thường thế hệ vàng hiện nay, dù sao cũng thuộc tàu ngầm thế hệ thứ hai sau Chiến tranh.

Đồng thời, Singapore cũng đã tiếp tục mua 2 tàu ngầm thông thường lớp Vastergotland của Thụy Điển, 2 tàu ngầm này trang bị hệ thống động lực không lệ thuộc vào không khí AIP, đã tiếp tục tăng cường khả năng tác chiến dưới biển. Căn cứ vào thông tin mới nhất ngày 15 tháng 1, Singapore tiếp tục quyết định mua 2 tàu ngầm Type 214 của Đức.

Vào năm 2002, Hải quân Malaysia đã mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp, tàu ngầm này rất tiên tiến, trên tàu lắp tên lửa chống hạm Exocet, có khả năng săn ngầm và chống hạm khá mạnh. Hai tàu ngầm đã bàn giao vào tháng 9 năm 2010.

Tàu ngầm AIP Type 214 của Hải quân Hàn Quốc
Tàu ngầm AIP Type 214 của Hải quân Hàn Quốc

Indonesia là quốc gia trang bị tàu ngầm sớm nhất của khu vực Biển Đông, thời gian trang bị tàu ngầm của họ sớm nhất có thể truy tới thập niên 50 của thế kỷ trước.

Khi đó, Liên Xô đã tặng 12 tàu ngầm thông thường lớp W cho chính quyền Sukarno; nhưng đến thập niên 1980, những tàu ngầm này cơ bản đã không thể sử dụng được nữa, cho nên, Indonesia đã mua 2 tàu ngầm Type 209 của Đức. Năm nay, Indonesia bắt đầu có kế hoạch đổi mới lực lượng tàu ngầm của mình, tiếp tục tăng khả năng tác chiến trên biển.

Tóm lại, theo bài báo, lực lượng tàu ngầm của những nước này đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các tuyến đường chủ yếu của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, Biển Đông, vì vậy, theo bài báo, Trung Quốc phải có khả năng tấn công, dò tìm và trinh sát săn ngầm mạnh và hiệu quả mới có thể phá vỡ cục diện bao vây của rất nhiều tàu ngầm các nước xung quanh.

Trên phương diện này, Trung Quốc cần có một lực lượng máy bay săn ngầm bờ biển. Máy bay săn ngầm bờ biển có thể thu thập số liệu âm thanh nước của tàu ngầm nước khác, tiến hành trinh sát, dò tìm, thu thập số liệu âm thanh và đặc trưng hoạt động của nó, đồng thời cũng có thể phát hiện hiệu quả tàu ngầm nước khác tiến hành hoạt động trinh sát và theo dõi đối với duyên hải Trung Quốc, đây là điều mà vũ khí khác không thể thay thế. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc rõ ràng còn yếu trên phương diện này.

Hải quân Singapore sẽ nhập khẩu tàu ngầm của Đức
Hải quân Singapore sẽ nhập khẩu tàu ngầm của Đức
Đông Bình