Bộ Giáo dục cần sớm có hướng dẫn việc dạy học trực tuyến đừng để mạnh ai nấy làm

12/03/2020 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Muốn công nhận kết quả dạy và học trực tuyến thì phải có cơ sở, quy trình chuẩn để làm căn cứ quản lý, đánh giá",đại biểu Hồ Thanh Bình nói.

Vừa qua, có 150 trường, cơ sở giáo dục ngoài công lập cùng gửi cầu khẩn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).

Một trong những nội dung được các trường tư thục kiến nghị là công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online).

Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến kiến nghị này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Theo tôi quan sát, nhiều sở giáo dục và đào tạo một số tỉnh đã triển khai việc dạy học trực tuyến nhưng chủ yếu với tinh thần là không để học sinh lãng phí thời gian.

Đặc biệt là triển khai mạnh ở các lớp cuối cấp giống như một hình thức để tránh lãng phí thời gian, tôi chưa thấy một văn bản nào chính thức để hướng dẫn cả”.

Theo đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sớm nghiên cứu một quy trình hướng dẫn về tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến dựa trên tinh thần tự giác. Bởi không có tinh thần tự giác, không có biện pháp, kiểm tra giám sát thì sẽ khó công nhận được kết quả từ hình thức đào tạo này.

Đại biểu phân tích, các hoạt động dạy và học trong nhà trường như truyền thống, các cấp quản lý có nhiều hình thức để kiểm tra, giám sát từ người dạy đến người học, chương trình, thời gian đầy đủ.

Vì vậy, nếu muốn đánh giá, công nhận kết quả dạy và học trực tuyến thì các yếu tố trên cũng phải được xây dựng phù hợp để làm căn cứ đánh giá.

“Kinh nghiệm quốc tế và cả Việt Nam cho thấy, hoàn toàn có thể thiết lập được quy trình để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả.

Hiện nay các địa phương đang mạnh ai nấy làm.

Trong các chỉ đạo liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đề nghị các địa phương chủ động các biện pháp cần thiết để thực hiện việc dạy và học. Tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có một động thái chính thức nào về hướng dẫn việc dạy và học trực tuyến.

Bởi muốn được công nhận kết quả dạy và học thì phải có cơ sở, quy trình chuẩn để làm căn cứ quản lý, đánh giá. Nó tạo ra sự minh bạch, công bằng, khách quan trong đánh giá”, đại biểu Hồ Thanh Bình nói.

Đại biểu nhấn mạnh: “Việc học trực tuyến (có nhiều hình thức như dạy học qua truyền hình, dạy online… - Phóng viên) thì ở đâu cũng có thể làm, vấn đề là cần quy trình, kiểm tra, giám sát ra sao. Cá nhân tôi cho rằng về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn làm được.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cho 73.000 học sinh lớp 12 nghỉ đến hết 15/3
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cho 73.000 học sinh lớp 12 nghỉ đến hết 15/3

Ngược dòng lịch sử, trong thập niên 90, tôi nhớ chúng ta cũng có hình thức dạy học qua truyền thanh. Các trường đại học mở đã từng làm việc đó.

Việc học trực tuyến cũng đã được vận dụng từ lâu rồi. Hiện nay việc học trực tuyến được nâng lên ở mức độ bài bản, tính tương tức người dạy và người học cũng cao hơn rất nhiều mang tính cá nhân hóa rất cao.

Tôi biết nhiều trường tư thục triển khai việc dạy và học trực tuyến rất bài bản, có hệ thống. Các em có tài khoản riêng, được giao bài, làm bài và nộp bài online. Tất cả mọi việc đều có sự giám sát…”.

Đại biểu cho rằng, trong lúc dịch bệnh Covid-19 xảy ra, thời gian nghỉ học dài như thời gian qua thì việc đa dạng hình thức giáo dục đào tạo sẽ giúp ngành giáo dục chủ động đối phó thay vì bị động như hiện nay.

Trước đó, ngày 6/3, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục xem xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người.

Theo đó, văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tại văn bản số 07/HH-VP đề ngày 2/3/2020 về việc kiến nghị khẩn cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và sớm có ý kiến về việc này.

Trong nội dung kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu rõ, thời gian qua, hai Hiệp hội chúng tôi đã trình lên Thủ tướng (tại các công văn số 04/HH-VP ngày 20/02/2020 và 05/HH-VP ngày 26/02/2020 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và công văn Vaefa02/2020 ngày 26/02/2020 của Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam) kiến nghị cho khẩn trương triển khai chuyển sang áp dụng đại trà các phương thức dạy học từ xa (mà trước tiên là dạy học qua truyền hình) ở quy mô toàn quốc ngay trong mùa dịch Covid-19 này.

Giải pháp trên hoàn toàn phù hợp với những đòi hỏi cho một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến của dịch như đã nêu ra ở trên.

Qua theo dõi trên các kênh thông tin truyền thông, việc thay thế phương pháp dạy truyền thống trên lớp bằng các phương thức dạy học từ xa (bao gồm dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến online…) đã được Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác triển khai, song song với lệnh đóng cửa trường học đại trà.

Đỗ Thơm