BRI và trừng phạt của phương Tây giúp quan hệ Nga-Trung xích lại gần nhau hơn

07/06/2019 13:42
Thanh Bình
(GDVN) -Nga đánh giá cao việc BRI đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ của Trung Quốc vì nó tượng trưng cho việc Bắc Kinh khởi động tiến trình quyết đoán hơn ở nước ngoài.

Nhân chuyến thăm Nga để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Trung và dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, ngày 05/6/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện của hợp tác trong kỷ nguyên mới.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass, ông Tập Cận Bình cho biết: "Tôi có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin hơn bất kỳ đối tác nước ngoài nào. Ông ấy là người bạn thân thiết tốt nhất của tôi. Tôi vô cùng trân trọng tình bạn sâu sắc này".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết thêm: "Từ năm 2013, Tổng thống Putin và tôi đã gặp nhau gần 30 lần trong các cuộc gặp song phương và đa phương cũng như trò chuyện trên điện thoại và viết thư cho nhau nhiều lần".

Đây là lần thứ 8 Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Nga kể từ khi nhậm chức vào năm 2013.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Global Look Press)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Global Look Press)

Khi được nghe về chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh trong chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013, Nga đã nhìn nhận BRI với thái độ không chắc chắn và hoài nghi cao độ.

Tuy nhiên, năm 2014 chứng kiến mối quan hệ xấu đi giữa Nga và phương Tây, Moskva bắt đầu tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với Bắc Kinh và biến mối quan hệ với Trung Quốc thành một lựa chọn thay thế cho mối quan hệ của nước này với châu Âu về vốn, công nghệ và cơ hội thị trường.

Nga tự nhận thấy họ không tham gia cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí số một toàn cầu. Hai nước đã đạt được quan hệ hợp tác cấp cao, được xây dựng dựa trên một loạt lợi ích chung, thế giới quan tương hợp và sự đồng cảm lẫn nhau.

Thái độ thân thiện này cho phép Moskva và Bắc Kinh giữ cho mối quan hệ yên ổn và xử lý thành công những sự bất cân xứng ngày càng gia tăng về sức mạnh và những lợi ích cạnh tranh lẫn nhau.

Điện Kremlin đã tìm cách sử dụng chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc để thu hút đầu tư vào Nga và thúc đẩy tiềm năng quá cảnh của nước này trong mạng lưới logistics xuyên lục địa Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU).

Nga cho rằng nước này có vị trí địa lý rất phù hợp để liên kết hai đầu tàu kinh tế của khu vực EU và Đông Á.

Khía cạnh kết nối của BRI, vốn tìm cách cải thiện liên kết giao thông đường bộ giữa EU và Trung Quốc, đương nhiên phù hợp với mong muốn của Moskva là khơi mở tiềm năng quá cảnh của họ ở khu vực Á-Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Russia Today.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Russia Today.

Theo đánh giá của Nga, BRI là một tập hợp thuận tiện các hoạt động kinh tế khác nhau của Trung Quốc ở nước ngoài, đóng vai trò thành tố chính trong di sản chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nó cũng là một cái nhãn mác hữu ích đối với các quan chức Trung Quốc khi báo cáo với Bắc Kinh về những thành tựu của chính họ.

Do đó, BRI về cơ bản được thúc đẩy bởi các nhân tố kinh tế và chính trị trong nước nhưng cũng là công cụ để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại dài hạn của Trung Quốc.

Người Nga đánh giá cao việc BRI đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc vì nó tượng trưng cho việc Bắc Kinh khởi động một tiến trình quyết đoán hơn ở nước ngoài.

Mục tiêu hiện tại của Trung Quốc dường như là đạt được vị thế của một cường quốc toàn cầu thực sự.

Đối với người Nga, việc Trung Quốc chuyển từ sự kiềm chế sang hành động quyết đoán hơn chỉ là lẽ tự nhiên đối với một quốc gia có sức mạnh kinh tế, quân sự và kỹ thuật như Trung Quốc hiện tại.

Kết thúc Đối thoại Shangri-la 2019, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng
Kết thúc Đối thoại Shangri-la 2019, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng

Do đó, BRI cho thấy Trung Quốc đã đặt chân lên con đường giành lấy ảnh hưởng về địa chính trị chứ không chỉ về địa kinh tế.

Chủ nhiệm chương trình châu Á tại Trung tâm Moskva Carnegie, ông Alexander Gabuev cho rằng việc ông Tập Cận Bình tìm kiếm quan hệ đồng minh với Vladimir Putin là lẽ tự nhiên bởi Nga đang có xu hướng xích lại gần hơn với Trung Quốc trong bối cảnh Moskva đang hứng chịu một loạt biện pháp cấm vận từ phương Tây do Washington dẫn đầu.

Nga coi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là sự suy giảm tương đối của sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Xu hướng này phù hợp với những gì Moskva coi là cách thức phân phối quyền lực toàn cầu đúng đắn.

Theo truyền thống, Nga phản đối sự bá quyền toàn cầu của bất kỳ nước nào và nhận thấy các lợi ích của mình được đáp ứng tốt hơn trong một hệ thống ít tập trung hơn.

Nga-Trung đang có những động thái thắt chặt quan hệ khi cả hai đều phải chịu áp lực kinh tế, chính trị ngày càng tăng từ phía Mỹ.

Ngoại trưởng Nga, ông Lavrov cho rằng hợp tác Nga-Trung không chỉ là ví dụ về mối quan hệ toàn diện, đôi bên cùng có lợi, mà còn là sự phối hợp giữa hai nước còn có tác động thực chất nhằm vào những âm mưu thúc đẩy các biện pháp phi lý để giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. https://baoquocte.vn/tong-thong-nga-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-nen-giup-thuc-day-dau-tu-lan-nhau-92652.html

2. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3013265/my-best-friend-xi-jinping-highlights-rapport-putin-china-and

3. https://vnexpress.net/the-gioi/no-luc-tim-kiem-dong-minh-doi-pho-my-cua-ong-tap-3934458.html

4. http://tass.com/politics/1061836

Thanh Bình