Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến:

"Các sếp nhận lương "khủng" có dấu hiệu phạm tội hình sự"

07/09/2013 07:05
Quyết Nguyễn
(GDVN) - "Nếu tình trạng “lương khủng” đã tồn tại từ trước và kéo dài đến bây giờ mới bị phát hiện thì số tiền thất thoát là không nhỏ, có thể khó bồi thường được thì những trường hợp này có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự". Luật sư Tiến đánh giá.
Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, các lãnh đạo 4 công ty công ích tại TP Hồ Chí Minh có thể bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc. Nếu có hành vi gây thiệt hại tài sản của sự nghiệp công lập thì phải bổi thường thiệt hại. 

Như báo Giáo Dục Việt Nam đã đưa tin, chiều ngày 4/9/2013, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác của 8 lãnh đạo thuộc 4 công ty nhà nước hoạt động công ích hưởng lương sai qui định để tiến hành kiểm điểm.

4 công ty này gồm: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh.

Trước đó, theo kết quả thanh tra cho thấy, mức lương các "sếp" của 4 công ty nói trên đều cao ngất ngưởng. Cụ thể, Công ty Thoát nước đô thị chi lương cả năm 2012 cho Giám đốc là 2,6 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỷ đồng, trong khi lương bình quân người lao động mùa vụ chỉ là 5,4 triệu đồng mỗi tháng.

Việc các lãnh đạo nhận lương cao ngất ngưởng thể hiện sự thiếu tôn trọng sức lao động, công sức những người trực tiếp thực hiện những công việc vất vả.
Việc các lãnh đạo nhận lương cao ngất ngưởng thể hiện sự thiếu tôn trọng sức lao động, công sức những người trực tiếp thực hiện những công việc vất vả.
Tại Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM, lương Giám đốc cũng ở mức 2,2 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên 2,4 tỷ đồng, trong khi lương đối với lao động mùa vụ là 7,8 triệu đồng một tháng.

Hai công ty còn lại, Công trình giao thông Sài Gòn và Công viên Cây xanh, mức chi trả cho lãnh đạo chưa tới tiền tỷ nhưng cao nhất cũng tới trên dưới 800 triệu đồng một năm.

Các “sếp” hưởng lương cao bất thường có thể bị buộc thôi việc

Liên quan đến tính chất pháp lý của vụ việc này, báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh).

LS Tiến cho biết, đối với Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, việc chi trả lương phải theo các quy định cụ thể với mục đích nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Các công ty do Nhà nước giữ cổ phần chi phối từ 51% trở lên cũng có quy định cụ thể và Nhà nước thông qua người đại diện phần vốn góp của mình tại các doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp và các cổ đông khác tuân thủ.

Hiện nay các công ty TNHH một thành viên như mô hình hoạt động của các doanh nghiệp trên, việc chi trả lương được thực hiện theo thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

Theo đó, Quỹ tiền lương của các lãnh đạo doanh nghiệp tách bạch hẳn khỏi quỹ lương thưởng của người lao động. Những lãnh đạo này được trả lương gắn với lợi nhuận của doanh nghiệp. Hằng năm, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và đưa ra mức lợi nhuận kế hoạch của mình để trình cơ quan quản lý.

Mức lương của các lãnh đạo doanh nghiệp được trả theo lợi nhuận kế hoạch. Trong trường hợp doanh nghiệp đó đạt được lợi nhuận cao hơn kế hoạch thì quỹ lương của các lãnh đạo doanh nghiệp được tăng theo một tỷ lệ nhất định, nhưng không quá tỷ lệ tăng lương của người lao động (điều 12,13).

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến

Theo quy định hiện nay, tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa (khoản 1 Điều 4 Nghị định 51/2013/NĐ-CP).

Cũng theo nghị định này, mức lương cơ bản để xác định quỹ tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách (phụ lục ban hành kèm theo nghị định số 51/2013/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm sát viên, tổng giám đốc…. trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu) thì mức lương tối đa đối với chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty chuyên trách không quá 36 triệu đồng/tháng; tổng giám đốc hoặc giám đốc không quá 35 triệu đồng/tháng; kế toán trưởng không quá 29 triệu đồng/tháng.

Như vậy, có thể thấy, việc các viên chức quản lý của bốn công ty nhà nước nêu trên có mức lương cao ngất ngưởng là trái với quy định của pháp luật, gây thất thoát không nhỏ đối với ngân sách nhà nước.

Căn cứ Điều 52 Luật viên chức 2012, Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: khiển trách; cảnh cáo; cách chức hoặc buộc thôi việc.

Đối với các trường hợp viên chức có hành vi gây thiệt hại tài sản của sự nghiệp công lập thì phải bổi thường thiệt hại (Điều 55).

Việc chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng quy chế trả lương, thù lao, quy chế thưởng và thực hiện trả lương, thù lao, tiền thưởng cho thành viên Hội đồng thành viên, hoặc chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, …. theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm từng người sẽ do chủ tịch hội đồng thành viên, hoặc chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc có trách nhiệm chỉ đạo (Điều 15).

Như vậy, nếu xảy ra sai xót trong quá trình thực hiện việc chi trả tiền lương tiền thưởng đối với các lãnh đạo trong công ty sẽ do người chỉ đạo chính (chủ tịch hội đồng thành viên, hoặc chủ tịch công ty) chịu trách nhiệm.

Có dấu hiệu phạm tội hình sự?

Ông Trần Thiện Hà, GĐ Công ty Công viên cây xanh TP HCM. Ảnh: Kiên Cường.
Ông Trần Thiện Hà, GĐ Công ty Công viên cây xanh TP HCM. Ảnh: Kiên Cường.

Cũng theo LS Tiến, các cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ để xác minh mức lương của các viên chức quản lý nêu trên trong những năm gần đây. Nếu tình trạng “lương khủng” đã tồn tại từ trước và kéo dài đến bây giờ mới bị phát hiện thì số tiền thất thoát là không nhỏ, có thể khó bồi thường được thì những trường hợp này có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.


Cá cơ quan chức năng cũng cần chú ý xem xét đến các cá nhân quản lý nhà nước đối với các công ty này tại sao không phát hiện được“lương khủng” của các viên chức quản lý của các công ty nêu trên.

“Việc các viên chức quản lý thuộc các công ty nói trên hưởng lương cao bất thường, quá chênh lệch so với những nhân viên, người lao động bình thường trước hết là hành vi trái với pháp luật, làm thất thoát tài sản của nhà nước, xâm hại đến quyền sở hữu của toàn dân. Hơn thế, việc làm này còn thể hiện sự thiếu tôn trọng sức lao động, công sức những người trực tiếp thực hiện những công việc vất vả đó.

Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xem xét và làm rõ các trường hợp đã nêu trên để thu hồi tài sản cho nhà nước, và có hình thức xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những người có hành vi vi phạm này,” LS Tiến nói.

Quyết Nguyễn