Chiếu và xem phim Trung Quốc, hãy cảnh giác với các “cạm bẫy pháp lý”

27/03/2018 07:21
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Ý thức cảnh giác bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trong dư luận được tăng cường, việc chiếu hay xem phim Trung Quốc đều cần nắm các kiến thức pháp lý.

Tuần qua trên các trang mạng xã hội, dư luận đang bàn tán xôn xao về bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” do Trung Quốc sản xuất và được Hội đồng duyệt phim Việt Nam cấp phép cho công chiếu tại Việt Nam.  

2 phút cuối của bộ phim là cảnh một vùng biển rộng lớn, có chú thích tên gọi bằng tiếng Anh "South China Sea”;

Trong đó có hình ảnh những chiếc chiến hạm tối tân, hiện đại của Hải quân Trung Quốc đang bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển này. 

Vì vậy, dư luận đã rất bất bình, lên án, chỉ trích những ai đã cho chiếu rộng rãi bộ phim này tại Việt Nam và yêu cầu cấm không được tiếp tục công chiếu bộ phim này. Tại sao dư luận lại bức xúc đến như vây?

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề khá “nhạy cảm” này trong bối cảnh hiện nay, dưới góc độ pháp lý, chính trị, chúng tôi xin được trình bày một số ý kiến có liên quan như sau:

1. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ, thậm chí rất vui mừng trước những chuyển biến về nhận thức, ý thức của công chúng trong nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông đã và đang bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng.

Họ không chỉ xâm phạm bằng sử dụng vũ lực, mà còn bằng các thủ thuật thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt về kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa, giáo dục… nhằm xâm chiếm lãnh thổ và tìm cách giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý của mình trong Biển Đông. 

Chẳng hạn, trong thời gian qua, hình ảnh đường “lưỡi bò”, địa danh tiếng Trung Quốc để gọi các vùng biển, đảo của Việt Nam xuất hiện trong nhiều ấn phẩm như bản đồ, sơ đồ, sách giáo khoa địa lý, lịch sử, phim ảnh, thậm chí đồ chơi trẻ em… được phát hành rộng rãi và đã tuồn vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. 

Chúng ta cũng đã từng phát hiện và thu hồi, hủy bỏ. 

Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều ấn phẩm chứa đựng các thông tin “độc hại” nói trên vẫn bị lọt lưới; Phần thì do vô tình, phần thì do kém hiểu biết, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân, cơ quan chuyên trách… 

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã xử lý nghiêm khắc các sai sót này, cho dù vô tình hay cố ý, và đã được dư luận hoan nghênh…

2. Riêng về việc công chiếu bộ phim “ Điệp vụ Biển Đỏ” có đoạn liên quan đến vùng biển được gọi là “Nam Hải” hay  “South China Sea” mà dư luận cho rằng:

Đạo diễn phim đã cố tình dàn dựng để phát đi thông điệp “Nam Hải” (tên gọi Biển Đông bằng tiếng Trung Quốc), “South China Sea” (tên gọi Biển Đông bằng tiếng Anh) là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc; 

Nếu Việt Nam cho công chiếu tức là đã mặc nhiên công nhận Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc. 

Nhận xét này, theo chúng tôi là không hề sai, nếu căn cứ váo chiến lược độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đã từng công khai và tìm mọi cách hiện thực hóa yêu sách đường “lưỡi bò”, chiếm  đến trên 90% diện tích Biển Đông. 

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm từ khóa "Điệp vụ Biển Đỏ" trên Google.
Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm từ khóa "Điệp vụ Biển Đỏ" trên Google.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của đoạn kết bộ phim mà chúng tôi đã đề cập ở trên, theo chúng tôi, có lẽ chúng ta nên xem xét một cách toàn diện, khách quan, và đặc biệt là cần tỉnh táo để không mắc bẫy “bất chiến tự nhiên thành” của Trung Quốc. Bởi vì:

Thứ nhất: Biển Đông là vùng biển có nhiều tên gọi khác nhau.

Trung Quốc gọi là “Nam Hải”, người phương Tây gọi là “South China Sea”( tên gọi này đã được chính thức sử dụng rộng rãi trong tất cả các loại bản đồ, văn kiện, tài liệu… của khu vực và quốc tế);

Việt Nam gọi là Biển Đông (Bien Dong Sea), Philippines gần đây gọi là Biển Tây Philippines.

Mặc dù Trung Quốc có dụng ý dùng tên gọi “Nam Hải” hay biển “Nam Trung Hoa” để nhận vơ rằng quốc tế đã thừa nhận vùng biển này là của Trung Quốc, nhưng dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế, tên gọi không liên quan gì đến chủ quyền quốc gia;

Tên gọi không có giá trị để minh chứng cho chủ quyền quốc gia đối với một vùng biển, cho dù tên của vùng biển đó được gọi theo tên của quốc gia nào đó: Ấn độ dương không phải của chỉ riêng Ấn độ, Vịnh Thái Lan không phải chỉ của Thái Lan…

Thứ 2: Như vậy, cho dù vùng biển này được gọi là “Nam Hải”, “Nam Trung Hoa”, không có nghĩa là vùng biển này là của riêng Trung Quốc; biển “Tây Philppines”, không có nghĩa là của riêng Philippines….

Biển Đông là một vùng biển mà các quốc gia ven biển đều được quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa của riêng mình theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

Chiếu và xem phim Trung Quốc, hãy cảnh giác với các “cạm bẫy pháp lý” ảnh 3

Nói UNESCO giao Trung Quốc xây trạm quan trắc hải dương ở Trường Sa là bịa đặt

Trung Quốc là một quốc gia ven biển nằm về phía Bắc Biển Đông và theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Trung Quốc cũng có quyền có các vùng biển và thềm lục địa tính từ bờ đảo Hải Nam và bờ lục địa phía Nam Trung Quốc. 

Trong phạm vi các vùng biển được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các lực lượng Hải quân, Hải giám, Hải cảnh….của Trung Quốc có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ bảo vệ và quản lý các vùng biển hợp pháp của họ. 

Cho nên, khách quan mà nói, ở 2 phút cuối của bộ phim là cảnh một vùng biển rộng lớn, với những chiếc chiến hạm tối tân, hiện đại của hải quân bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển không có tọa độ, không có bất kỳ một dấu mốc nhận biết cụ thể nào… thì cũng chưa đủ căn cứ để kết luận rằng “vùng biển rộng lớn” đó là toàn bộ Biển Đông;

Cho dù ai cũng biết rằng đây là một sự dàn dựng có chủ ý của phía Trung Quốc như chúng tôi đã phân tích nói trên. Nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉ trích, lên án, kết tội… thì vô hình chung chúng ta đã tuyên truyền không công cho Trung Quốc.

Thứ 3: Đưa ra những nhận xét nói trên, chúng tôi không có ý “biện hộ” cho những sai lầm, thiếu sót, yếu kém đã từng xảy ra hoặc đang xảy ra của một số cá nhân và cơ quan quản lý liên quan. 

Điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là: đối với những nội dung có liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích của đất nước, dân tộc, nhất là trong bối cảnh tranh chấp phức tạp đang xảy ra trong Biển Đông hiện nay, chúng ta nên rất thận trọng; 

Phải nghiên cứu xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học và cầu thị; đặc biệt là phải cảnh giác đừng để rơi vào “cạm bẫy” bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta. 

Muốn tránh được những sai lầm đáng tiếc nói trên, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tập trung, thống nhất đối với mọi sản phẩm, ấn phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và cần có chế tài đặc biệt để xử lý các vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia./.

Tiến sĩ Trần Công Trục