Cờ Nga phủ kín Crimea, kết quả trưng cầu đã được dự đoán?

16/03/2014 12:09
Lê Dũng Cường
(GDVN) - Số phận của những quốc gia nhỏ bé, thiếu tiềm lực, yếu kém trong một cuộc đấu đá giữa các ông lớn luôn giống như những quân tốt trên bàn cờ chiến lược?

Ngày hôm nay, hơn 1, 5 triệu người dân Crimea sẽ đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Trái với cáo buộc của phương Tây và quốc tế, theo chính quyền Nga, đây là cuộc trưng cầu hợp pháp, thể hiện ý nguyện của người dân tại bán đảo này.

Trước ngày 16/3 chỉ một ngày, tại thành phố lớn nhất ở Crimea, người ta đã ghi nhận cảnh tượng quốc kỳ, biểu ngữ của Nga tràn ngập trên các con đường, toà nhà.

Dấu hiệu này cho thấy, cuộc trưng cầu đã được tiến hành rất bài bản và người ta gần như có thể biết trước được số phận của Crimea.

Đáp lại nhưng cáo buộc của phương Tây, Tổng thống Nga Putin chỉ tuyên bố rằng Nga sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân Crimea.

Ảnh Reuter
Ảnh Reuter

Trên các con đường, trụ sở công quyền ở Crimea đều có lính vũ trang (Nga gọi là lực lượng tự vệ Crimea, còn truyền thông nước ngoài gọi thẳng là những người thân Nga và lực lượng vũ trang của Moscow) bảo vệ.

Không khí tại Crimea không có hỗn loạn bởi nó được an ninh của Nga giám sát và kiểm soát hiệu quả.

Bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ kết thúc trong ngày hôm nay và sẽ sớm có kết quả chính thức, tuy vậy, tương lai của bán đảo này gần như đã được định đoạt sau ngày Tổng thống Ucraine bị lật đổ.

Nếu Crimea sáp nhập về Nga, người đau khổ nhất là chính quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraine.

Tiếp đến có thể là Mỹ và các thành viên của EU bởi họ đã thiếu quyết liệt, ít lý lẽ, lập luận và chậm chân hơn Nga? Vì quyền lợi của mình cho đến bây giờ những ủng hộ đối với chính quyền Kiev chỉ là viện trợ tài chính và những tuyên bố.

Tiếng nói của Mỹ tại châu Âu sẽ kém đi trọng lượng? câu hỏi này, cần có thêm thời gian để giải đáp, tuy nhiên, cũng cần chú ý đến chiến lược hướng Đông/quay trở lại châu Á đang được Washington ra sức xây dựng.

Thực tế này chắc chắn sẽ khiến các quốc gia đồng minh của Mỹ tại châu Âu phải suy nghĩ. Bắc Kinh sẽ là người hưởng lợi từ tình thế này?

Trên thực tế, số phận của những quốc gia nhỏ bé, thiếu tiềm lực, yếu kém và đang khủng hoảng trong một cuộc đấu đá giữa các ông lớn luôn giống như những quân tốt trên bàn cờ chiến lược, họ dễ dàng bị những nước lớn đem ra đổi chác, đàm phán.

Cuộc khủng Ucraine có lẽ cũng sẽ là bài học rất đáng được lưu tâm trong thế giới đương đại. Lịch sử cũng đã từng chứng minh như vậy.

Lê Dũng Cường