Độc giả đưa ra 5 lý do chứng minh việc thu phí giảm ùn tắc là không ổn

08/04/2012 06:00
Độc giả Nguyễn Tý
(GDVN) - Tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam vừa nhận được lá thư của độc giả Nguyễn Tý gửi tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bàn về đề án thu phí giao thông.
Kính gửi: Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải! 

Thời gian gần đây trên báo chí và các diễn đàn nóng lên về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất thu phí lưu thông ô tô, xe máy. 

Tôi có đọc các bài báo tường thuật lại trao đổi của Bộ trưởng Đinh La Thăng với báo giới ngày 3/4 trên báo một số tờ báo điện tử. Ông có câu nói rất mạnh mẽ, đáng trân trọng: "Tôi sẵn sàng làm việc này vì đất nước. Quốc hội không tín nhiệm thì thôi, nhưng tôi còn tại vị thì phải cố gắng để phát triển đất nước này". 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Vietnamnet
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Vietnamnet

Tôi cũng có vài ý kiến phản biện với ông về vấn đề này.

Kính thưa ông! Từ khi ông lên làm Bộ trưởng, người dân có rất nhiều thiện ý với ông trong việc giải quyết một số vấn đề lớn, đơn cử như việc xử lý sửa chữa ở ga hàng không Đà Nẵng. Chính phong cách thẳng thắn của ông đã thuyết phục, đã được người dân tin tưởng và ủng hộ. Họ rất ngưỡng mộ ông. Thật hạnh phúc cho đất nước vì đã có những chính khách như ông đem lại niềm tin, sức mạnh cho dân tộc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh đó ông cũng đã có những chỉ đạo, một số được sự hưởng ứng cao của người dân, một số cũng có phản ứng ngược lại hoặc thực tế chưa thực hiện được khi đích thân ông kiểm chứng:

-Tiêu hủy xe đua

-Cấm các cán bộ chủ chốt Bộ GTVT chơi golf

-Vận động cán bộ nhân viên Bộ GTVT đi xe buýt

-Thay đổi giờ làm việc công sở và giờ học

Nay Bộ Giao thông vận tải đưa ra đề án: Hạn chế xe cá nhân và thu phí lưu thông ô tô và xe máy. Hạn chế xe cá nhân vào thành phố giờ cao điểm để tránh ùn tắc, tai nạn giao thông là đúng, bằng mọi cách phải thực hiện nhưng thu phí lưu thông ô tô, xe máy, tôi thấy việc này không ổn. Theo tôi có những lý do sau:

Một là: “Mức thu: với các mức thu đối với xe ôtô như 10 triệu đồng/xe/năm, 15 triệu đồng/xe/năm, 20 triệu đồng/xe/năm... tùy loại xe”, như vậy đây là thuế chứ không phải phí vì phí là khi anh đi qua cầu, đường cao tốc hoặc một số đoạn đường Nhà nước cho thu phí để thu hồi vốn đầu tư (theo tôi hiểu), còn anh không đi thì không thu.

Và ông cũng nói: “Ai sử dụng nhiều hạ tầng thì phải trả nhiều tiền hơn người dùng ít, ôtô trả nhiều hơn xe máy, xe máy nhiều hơn đi xe đạp. Tiền phí đấy là trả cho dịch vụ gián tiếp mà người sử dụng phương tiện được hưởng”. Hướng giải quyết của ông không đúng với ý kiến của ông, người ta mua xe chỉ để đi làm hoặc sử dụng khi cần thiết, hoặc xe hư chưa sửa, chưa bán được, họ không sử dụng thì không thể đóng phí được.

Tắc đường ở Hà Nội luôn là mối quan tâm của xã hội. Ảnh: báo Giao thông vận tải điện tử
Tắc đường ở Hà Nội luôn là mối quan tâm của xã hội. Ảnh: báo Giao thông vận tải điện tử
Hai là: Khi mua xe, người ta đã đóng 5 loại phí: thuế nhập khẩu, thuế trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền biển số, phí duy tu cầu đường (qua xăng dầu), nếu bây giờ thêm phí lưu thông thì đúng là phí chồng phí.

Ba là: Hệ thống giao thông, xe công cộng (xe buýt) không đảm bảo giờ giấc, chất lượng xe, cung cách làm việc ứng xử không tốt, không văn hoá... nên người dân rất ngại phải sử dụng phương tiện này. Nếu xe buýt có cung cách phục vụ tốt, đảm bảo giờ giấc, tôi nghĩ người dân sẽ chọn sử dụng phương tiện này đi làm, vừa khoẻ hơn, vừa an toàn hơn.

Bốn là: Việc ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ngoài việc số lượng xe cùng tham gia giao thông còn một lý do không kém phần quan trọng đó là chất lượng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng. Những đoạn đường nhiều ổ gà, đường xấu, đào bới nhiều chỗ sẽ làm cho giao thông đình trệ, chậm chạp.

Năm là: Khi thu phí ô tô xe máy lưu thông, có đảm bảo giải quyết được ùn tắc giao thông không? Nếu yếu tố này chắc chắn giải quyết thì tôi nghĩ đề xuất của ông đang đến đích, sẽ được người dân ủng hộ.
Theo tôi để giải quyết ùn tắc giao thông phải thực hiện cùng lúc các biện pháp sau:

Một là: Cải tạo, nâng cấp chất lượng cũng như số lượng xe buýt, nhân viên phục vụ. Kiên quyết xử lý những nhân viên, lái xe vi phạm an toàn giao thông như chạy nhanh, chở quá lượng khách quy định, cư xử với hành khách thiếu văn hóa, hành hung hành khách, đảm bảo giờ xuất hành và đỗ bến đúng qui định, có như thế người dân sẽ sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi đến công sở.

Hai là: Phân luồng giao thông: Tôi được biết ở nước Anh, người ta phân luồng giao thông vào thành phố vào giờ cao điểm. Khi thực hiện việc phân luồng và quy định này, tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều chủ phương tiện sẽ sử dụng xe buýt làm phương tiện đi làm.

Ba là: Quy định số lượng người trên ô tô đi vào thành phố: Phải từ ba đến bốn người trên một xe ô tô như ở Malaixia hay Indonexia. Điều này đúng luật vì một xe ô tô chiếm một khoảng không gian lớn khi tham gia giao thông nên ta quy định diện tích cho từng người thì không có gì là sai cả). Điều này hạn chế số người tham gia giao thông bằng ô tô cá nhân, hoặc họ sẽ dùng chung ô tô khi đi làm.

Bốn là: Phải công bố vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đường bộ, cầu cống sau đó sẽ quy định thu phí bổ sung cho việc tu dưỡng các công trình giao thông (nghĩa vụ của công dân đối với xây dựng và phát triển đất nước).

Đôi điều bày tỏ, hy vọng góp vài ý tưởng nhỏ và có thể từ ý tưởng này ông sẽ có hướng khác khi thực hiện đề xuất của mình hợp với lòng dân.

Kính chúc ông sức khoẻ, hạnh phúc.

Trân trọng!Tam Kỳ, ngày 4 tháng 4 năm 2012
Độc giả Nguyễn Tý